Yêu nghề, mến trẻ và luôn hết lòng vì công việc chung, đó là những nhận xét chung của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học (TH) Đa Nung (Đạ Đờn, Lâm Hà) khi nói về cô giáo Nguyễn Thị Luyến - tổ trưởng khối, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Đa Nung.
Yêu nghề, mến trẻ và luôn hết lòng vì công việc chung, đó là những nhận xét chung của Ban Giám hiệu Trường Tiểu học (TH) Đa Nung (Đạ Đờn, Lâm Hà) khi nói về cô giáo Nguyễn Thị Luyến - tổ trưởng khối, Chủ tịch Công đoàn Trường Tiểu học Đa Nung.
|
Cô Nguyễn Thị Luyến bên các học sinh. Ảnh: PHAN NHÂN |
Cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi tiếp xúc với cô giáo Nguyễn Thị Luyến đó là sự cởi mở, chân tình và những câu chuyện về học trò cứ say sưa và đầy tình cảm. Và, những tình cảm đó cũng đã được cô giáo Luyến ngày ngày dành cho học trò của mình qua những trang sách, con chữ, qua những nét viết đầu đời và cả trong cuộc sống thường nhật.
Tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt năm 1998, cô Nguyễn Thị Luyến được phân công về dạy tại Trường TH Đa Nung công tác. Với đặc thù là một trường khó khăn thuộc vùng sâu của huyện Lâm Hà, trong đó, học sinh dân tộc thiểu số theo học tại trường chiếm khoảng 54% nên việc duy trì sĩ số học sinh đối với các thầy cô giáo Trường TH Đa Nung có lẽ là thách thức lớn nhất. Trong quá trình giảng dạy, cô Luyến có cả quá trình theo lớp bắt đầu từ bước chập chững là lớp 1 cho đến khi kết thúc tiểu học vào lớp 5. Bởi vậy, cô cũng như một người mẹ, chăm chút, động viên, dõi theo từng bước phát triển của những cô, cậu trò nhỏ. Như với Ha Luân, cứ mỗi lần đến lớp lại tủi thân và khóc. Để thuyết phục em, nhà trường phải cử một thầy giáo chở em, một thầy ngồi giữ sau xe. Còn với bản thân cô, cô nhiệt tình động viên Ha Luân và cả những bạn không thích đến lớp lúc thì bằng cách mua cuốn vở, lúc thì cây bút chì mỗi khi các em tiến bộ trong học tập; còn đối với những bạn học sinh nghèo thì ngoài việc miễn giảm học phí của nhà trường, cô lại tự bỏ tiền túi ra đóng quỹ lớp cho các em, để các em yên tâm học tập. Và trong năm học này, cô Luyến phấn khởi cho biết, Ha Luân đã đến lớp rất đều và sĩ số 30 học sinh lớp 2A do cô làm chủ nhiệm cũng được duy trì rất tốt. Từ đầu năm đến nay, cô giáo Luyến cũng không phải đến nhà vận động bất cứ em nào tới lớp.
Và, cũng với “lợi thế” theo các em từ lớp 1 lên lớp 5 nên lúc nào, cô cũng tâm niệm, mình không chỉ dạy chữ cho các em mà còn phải dạy các em học cách làm người. Song song với việc dạy chữ, cô giáo Luyến đã quyết tâm phải rèn cho các em tính ngăn nắp, cẩn thận, từ việc giặt khăn, lau bảng, cách để giày dép sao cho gọn gàng... cho đến việc giữ gìn vệ sinh chung của lớp học cũng dần được các em học và thực hiện một cách rất ý thức. Bởi, theo cô giáo chủ nhiệm Luyến thì đó là một việc tuy nhỏ nhưng cũng sẽ góp phần hình thành tính cách của các em sau này.
Với sự tận tâm, hết lòng vì học sinh, nhiều năm liền, cô giáo Luyến được công nhận là giáo viên giỏi cấp trường, cấp huyện, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở... Và, với chuyên môn vững vàng, cộng với đức tính ham học hỏi các đồng nghiệp đi trước, nên chỉ vài năm sau khi giảng dạy ở trường, cô đã được đồng nghiệp tín nhiệm bầu giữ chức tổ khối trưởng; năm học 2012-2013 đến nay, cô được bầu giữ nhiệm vụ Chủ tịch Công đoàn nhà trường. Cô giáo Luyến cũng là người hát hay và hay hát. Mỗi khi có phong trào do ngành, huyện tổ chức cô đều tích cực tham gia và từng đoạt giải nhất Hội thi Tiếng hát dân ca do huyện Lâm Hà tổ chức. Còn ở lớp, ở trường thì khỏi phải bàn, mỗi khi có hoạt động phong trào, các em học trò lại háo hức nghe giọng ca ngọt ngào của cô Nguyễn Thị Luyến. Nói về cô giáo Luyến, cô Nguyễn Thị Sáu - Hiệu Phó Trường TH Đa Nung cho biết: “Từ lúc về trường giảng dạy đến nay, cô giáo Luyến luôn là một giáo viên yêu nghề, mến trẻ, luôn cố gắng nỗ lực trong công việc chuyên môn và cuộc sống. Ngoài ra, cô giáo Luyến còn rất tích cực tham gia các phong trào văn hóa - văn nghệ do ngành tổ chức, đặc biệt là các hoạt động của nhà trường, cô giáo Luyến luôn hết lòng vì công việc chung của trường, của lớp. Cô Nguyễn Thị Luyến xứng đáng là tấm gương về một người chị, một cô giáo giàu kinh nghiệm để các giáo viên trẻ trong trường học tập, càng thêm gắn bó với nghiệp trồng người”.
THY VŨ