Chiều muộn, vừa rời nơi làm việc về nhà, ông Điểu K'Bên đã gặp lũ học trò tụ tập ngoài sân đợi mình. Chúng đợi ông để hỏi về những nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc bản địa. Những lễ hội đặc sắc, những ngành nghề truyền thống, những phong tục cưới xin, ma chay... qua lời kể của Điểu K'Bên thu hút sự tò mò của các em học sinh...
Chiều muộn, vừa rời nơi làm việc về nhà, ông Điểu K’Bên đã gặp lũ học trò tụ tập ngoài sân đợi mình. Chúng đợi ông để hỏi về những nét văn hóa truyền thống của người đồng bào dân tộc bản địa. Những lễ hội đặc sắc, những ngành nghề truyền thống, những phong tục cưới xin, ma chay... qua lời kể của Điểu K’Bên thu hút sự tò mò của các em học sinh. Qua câu chuyện của mình, những nét truyền thống nào cần được duy trì, những hủ tục nào đã và đang cần được loại trừ cũng được ông giảng dạy cho các em. Hình ảnh đó đã trở nên quen thuộc đối với bà con trong thôn đồng bào dân tộc thôn 6 (xã Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên).
|
Học sinh trên địa bàn xã Tiên Hoàng đến nhà ông Điểu K’Bên để hỏi về nét văn hóa truyền thống của dân tộc |
53 tuổi, ông Điểu K’Bên đã trải qua nhiều công việc ở xã Tiên Hoàng. Ông cũng là người có uy tín và được bà con trong thôn rất tín nhiệm. Có việc gì, từ ma chay, cưới hỏi đến chuyện học hành của con cái, mọi người đều tìm đến ông để nhờ chỉ dẫn. Thấy bà con trong thôn nhiều người chưa biết đọc, biết viết nên từ năm 2011, với vai trò là Bí thư Chi bộ thôn 6, ông đã bàn với Chi bộ và Ban nhân dân thôn rà soát tất cả những đối tượng cần phải học văn hóa để xóa mù chữ. Sau khi rà soát, ông đề xuất với Đảng ủy và UBND xã Tiên Hoàng tạo điều kiện mở lớp bổ túc văn hóa. Ông Điểu K’Bên nhớ lại: “Đến tháng 9/2013, lớp bổ túc chính thức được mở. 32 người dân trong thôn 6, tất cả là đồng bào Châu Mạ, đã tham gia lớp học này. Người trẻ nhất cũng đã 25 tuổi, còn người lớn nhất thì cũng ngoài 50. Do đó, để vận động được họ đến lớp là một điều không đơn giản chút nào. Hơn nữa, do phong tục tập quán, do nhận thức của bà con còn hạn chế nên việc duy trì lớp học cũng gặp nhiều khó khăn. Tôi cùng với anh em trong Chi bộ và Ban nhân dân thôn phải kiên trì vận động mới duy trì được lớp. Đều đặn 3 buổi tối hàng tuần, thanh niên lẫn người lớn tuổi trong thôn đã cùng nhau đến trường để học chữ”.
Đến tháng 5/2015, lớp xóa mù này kết thúc. Mặc dù chỉ có gần 50% số người đăng ký học được cấp chứng nhận hoàn thành chương trình tiểu học nhưng lớp xóa mù đã đem lại nhiều lợi ích cho tất cả những người theo học. Ông Trần Thế Hùng, Chủ tịch UBND xã Tiên Hoàng, cho biết: “Dù số người hoàn thành chương trình xóa mù chỉ là 14 người nhưng 100% người theo học đều đã biết đọc, biết viết. Điều quan trọng hơn, nhận thức của họ về việc học đã thay đổi. Trước đây, họ xem chuyện học của con cái là không quan trọng nhưng giờ thì quan điểm đó đã khác. Nhiều người đã nhận ra được rằng mình học không được nhưng con cái phải được học để biết cái chữ”. Gia đình anh Điểu K’Xuân là một minh chứng. Vì lớn tuổi nên không thể theo học lớp xóa mù nhưng Điểu K’Xuân đã cho vợ và hai con theo học. Đến nay, cả vợ con Điểu K’Xuân đều đã biết đọc, biết viết. Ngoài ra, đến hiện tại, 100% trẻ trong độ tuổi trên địa bàn xã được vận động ra lớp và tỷ lệ học sinh bỏ học giữa chừng đã giảm rất nhiều.
Thôn 6, xã Tiên Hoàng là thôn có 100% đồng bào Châu Mạ sinh sống. Toàn thôn có 46 hộ với 86 nhân khẩu. Người dân trong thôn sống chủ yếu bằng trồng điều, lúa và chăn nuôi gia súc. “Cái lợi lớn nhất khi đi học bổ túc là bà con trong thôn đã biết đọc hướng dẫn sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu để áp dụng vào sản xuất cho đúng, biết ghi chép khi tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, biết tính toán, tiết kiệm chi tiêu trong gia đình. Nhờ đó, đời sống kinh tế ngày càng phát triển. Nếu cách đây 5 năm, tỷ lệ hộ nghèo của thôn là gần 30% thì đến nay tỷ lệ này giảm chỉ còn gần 11%” - ông Điểu K’Bên chia sẻ.
Với việc tổ chức lớp xóa mù và thực hiện chương trình phổ cập giáo dục, ông Điểu K’Bên (hiện đang là Phó Chủ tịch HĐND xã Tiên Hoàng) và UBND xã Tiên Hoàng đã được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng xã hội học tập. Đây là tiền đề quan trọng để xã đẩy mạnh công tác phổ cập giáo dục ở các bậc học và công tác khuyến học, khuyến tài trên địa bàn.
ĐÔNG ANH