Hạnh phúc là sống không chỉ cho riêng mình

09:03, 18/03/2016

Nghỉ hưu, nhưng ông vẫn không một ngày ngơi nghỉ, 22 năm làm Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 10, nay là tổ dân phố Hồng Lạc. Tuy đã ở vào tuổi 82, nhưng ông vẫn đến từng nhà, động viên từng người, nâng đỡ nhiều hoàn cảnh vươn lên. Bác Hoàng Trọng Cường dường như làm việc quên tuổi tác.  

Nghỉ hưu, nhưng ông vẫn không một ngày ngơi nghỉ, 22 năm làm Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường 10, nay là tổ dân phố Hồng Lạc. Tuy đã ở vào tuổi 82, nhưng ông vẫn đến từng nhà, động viên từng người, nâng đỡ nhiều hoàn cảnh vươn lên. Bác Hoàng Trọng Cường dường như làm việc quên tuổi tác.  
 
Vợ chồng bác Hoàng Trọng Cường vui vầy bên các cháu
Vợ chồng bác Hoàng Trọng Cường vui vầy bên các cháu
22 năm làm Bí thư Chi bộ 
 
Năm 1994, ở độ tuổi 60, bác Hoàng Trọng Cường hưởng chế độ hưu trí sau gần nửa thế kỷ cống hiến cho đất nước. Cũng từ đó, bác bắt đầu một hành trình mới đóng góp cho khu dân cư nơi mình đang sống. 
 
Vào những năm đầu đổi mới, tổ dân phố Hồng Lạc vẫn là dải đất trũng, bà con sinh sống bằng công việc trồng rau xà lách xoong, đời sống còn rất khó khăn. Làm bí thư chi bộ, bác Cường đã vận dụng linh hoạt nghị quyết của Đảng đưa vào nghị quyết riêng của Chi bộ: “Vận động nhân dân làm nhiều ngành nghề, mở nhiều dịch vụ, chuyển đổi diện tích đất canh tác không hiệu quả sang làm nhà trọ bình dân, quan tâm hỗ trợ những hộ khó khăn bằng các nguồn vốn ưu đãi để phát triển kinh tế”. Những ruộng xà lách xoong dần bị thu hẹp, nhường chỗ cho các dãy nhà trọ; tổ dân phố ngày một sầm uất. Trong số 180 hộ gia đình với 826 nhân khẩu thì có 140 hộ là công nhân viên chức, cán bộ đã nghỉ hưu hoặc đang đi làm; số hộ còn lại sinh sống nhờ nguồn thu từ buôn bán nhỏ, xây nhà trọ cho thuê, đời sống ngày một nâng cao. Và cũng từ ngày nghỉ hưu, vừa làm bí thư chi bộ, bác Cường vừa là ủy viên của Hội Luật gia thành phố Đà Lạt, tích cực tham gia tuyên truyền, giải thích, phổ biến pháp luật đến người dân. Ở tuổi 82, bác Cường vẫn đi từng nhà vận động các hộ gia đình làm tốt công tác phát triển kinh tế, tham gia xây dựng đời sống văn hóa, y tế, giáo dục, thực hiện tốt an ninh,  đóng góp cho ngân sách. Ở đâu có xích mích, nảy sinh mâu thuẫn, sự có mặt của bác Cường sẽ làm cho mọi việc êm xuôi, tình làng nghĩa xóm không ngừng được thắt chặt. Được bà con trong tổ dân phố tin yêu, quý trọng; bác làm việc hết lòng vì cộng đồng mà quên cả tuổi tác, bác cười: “Còn sức thì còn làm việc gì đó có ích cho khu dân cư mình sinh sống, đó mới là hạnh phúc trọn vẹn”. Tổ dân phố có hàng trăm lượt người đến tạm trú, trong hàng trăm phòng trọ bình dân, bác Cường sẵn lòng giúp đỡ tận tình khi họ có việc cậy nhờ đến mình. 
 
Chi bộ tổ dân phố Hồng Lạc hiện có 21 đảng viên, trong đó 18 đảng viên hưu trí từng tham gia chống Pháp và chống Mỹ, 3 đảng viên trẻ trưởng thành từ phong trào cơ sở. Chi bộ thành lập được 27 năm, thì 22 năm bác Cường làm bí thư và 22 năm liền chi bộ được công nhận  trong sạch vững mạnh. 
 
Ba thế hệ hòa thuận dưới một mái nhà
 
Rời xa gia đình từ năm 1947 đi thiếu sinh quân, khi mới là cậu bé 13 tuổi, tham gia cách mạng, bác Hoàng Trọng Cường được chuyển ra Huế làm liên lạc cho quân chủ lực Thừa Thiên - Huế những năm chống Pháp. Năm 1954, bác Cường tập kết ra Bắc làm ở Bộ Giao thông vận tải, bác gặp gỡ và nên duyên cùng với người con gái Hà Nội - bác Vũ Thị Tâm vào năm 1964, rồi sinh lần lượt 3 người con trai vào năm 1965, 1969, 1973. Những năm tháng ác liệt nhất của cuộc chiến tranh, máy bay Mỹ quần thảo bầu trời miền Bắc, xăng dầu là mục tiêu mà bom đạn giặc luôn hướng tới; không sợ nguy hiểm, không ngại hy sinh, bác luôn xung phong lái xe bồn chở xăng không kể ngày, đêm để kịp thời cung ứng nhiên liệu cho những đoàn xe vào chiến trường miền Nam.
 
Đất nước thống nhất, bác đưa vợ cùng 3 con trai trở về Đà Lạt - nơi bác sinh ra và lớn lên sau 28 năm xa cách. Được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp vận chuyển hướng dẫn du lịch Lâm Đồng, bác Cường đã đóng góp tích cực vào việc “đặt nền móng” hình thành và phát triển du lịch Đà Lạt cho đến ngày nghỉ hưu 1994. Lấy nhau trên đất Bắc, đến nay đã qua hơn nửa thế kỷ, cùng trải qua bom đạn chiến tranh, cùng chung lưng nuôi lớn các con qua thời bao cấp khó khăn, mọi người xung quanh ít khi thấy hai bác to tiếng với nhau. Bác Tâm (năm nay 75 tuổi) là người phụ nữ đảm đang, khéo thu vén gia đình. Dù đồng lương công chức ít ỏi nhưng vợ chồng bác cùng chăm lo nuôi các con trưởng thành, học hành đến nơi đến chốn, đến nay người làm công an, người làm bác sĩ, người làm công việc kinh doanh. Trong ngôi nhà ấy đầm ấm ba thế hệ chung sống; thế hệ đi trước làm gương cho thế hệ đi sau, có đến 7 đảng viên, 2 vợ chồng bác Cường đều có 53 năm tuổi Đảng. Tinh thần hiếu học cũng được phát huy cao độ, các con bác đều tốt nghiệp đại học, 1 con dâu và 2 cháu nội là thạc sĩ. 
 
Yêu thương, cảm thông, chia sẻ đã tạo nên không khí gia đình luôn đầy ắp niềm vui và tiếng cười. Dù tuổi đã cao, vợ chồng bác Cường ở cùng với cả 2 người con trai (con trai thứ 2 và con trai út) để tiện trông nom, đưa đón các cháu đi học. Bác gái cơm nước cho cả gia đình cùng ăn chung, ở chung trong hai ngôi nhà nằm cạnh nhau để các con yên tâm công tác. 
 
Không chỉ vun đắp hạnh phúc cho riêng mình, bác Hoàng Trọng Cường đã dành gần cả cuộc đời cống hiến cho quê hương đất nước, đóng góp cho cộng đồng vô điều kiện; gia đình bác trở thành gia đình văn hòa duy nhất đại diện tiêu biểu của thành phố Đà Lạt được UBND tỉnh Lâm Đồng tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong 15 năm thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
 
QUỲNH UYỂN