Tại xã Gung Ré (huyện Di Linh), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Hội thảo "Mô hình trường học mới Việt Nam" (VNEN) bậc trung học cơ sở (THCS). Cán bộ quản lý giáo dục các huyện và đại diện 18 trường THCS (áp dụng Mô hình VNEN) trong tỉnh đã về dự Hội thảo.
Tại xã Gung Ré (huyện Di Linh), Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lâm Đồng vừa tổ chức Hội thảo “Mô hình trường học mới Việt Nam” (VNEN) bậc trung học cơ sở (THCS). Cán bộ quản lý giáo dục các huyện và đại diện 18 trường THCS (áp dụng Mô hình VNEN) trong tỉnh đã về dự Hội thảo.
Mô hình giáo dục VNEN bắt đầu áp dụng thí điểm từ năm học 2012 - 2013 ở bậc tiểu học và dần dần được nhân rộng. Đối với bậc THCS, trong năm học 2015 - 2016, là năm học đầu tiên áp dụng Mô hình VNEN ở bậc THCS tại 18 trường học trong toàn tỉnh; trong đó, có Trường THCS Gung Ré (là trường THCS duy nhất của huyện Di Linh). Từ kết quả thực tiễn và kinh nghiệm giảng dạy tại Trường THCS Gung Ré theo VNEN được báo cáo tại Hội thảo, kết hợp với kinh nghiệm rút ra từ các trường THCS khác, là đề tài và nội dung mà các đại biểu về dự đã phát biểu, trao đổi.
Qua Hội thảo cho thấy, giáo dục theo VNEN là phương pháp giảng dạy tiên tiến, là cách đổi mới dạy và học theo nhóm, nên học sinh tiếp thu bài vở một cách chủ động; thúc đẩy học sinh học tập trong tư thế chủ động, sáng tạo và có sự phối hợp; rèn luyện kỹ năng tự học cho học sinh. Mặt khác, đây là phương pháp chuyển đổi từ cách giảng dạy truyền thụ của giáo viên sang việc tổ chức tự học, tự rèn luyện của học sinh. Từ đó, phương pháp dạy học, việc kiểm tra và đánh giá chất lượng giáo dục cũng được điều chỉnh và đổi mới cho phù hợp… Tuy nhiên, bước đầu, việc quản lý cũng như dạy và học của giáo viên và học sinh còn gặp những khó khăn, lúng túng nhất định; kinh phí để mua sắm dụng cụ, phương tiện dạy và học cũng như trang trí còn thiếu thốn; việc cung cấp tài liệu chưa kịp thời… nên ảnh hưởng đến kết quả học tập. Từ đó, Hội thảo đã đưa ra một số giải pháp để khắc phục.
XUÂN LONG