Kiên quyết không để các hộ dân về lại làng cũ tại tiểu khu 26 và 27

05:03, 01/03/2016

Đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt sau khi kiểm tra và làm việc tại Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà. Như Báo Lâm Đồng đã phản ánh, tiểu khu (TK) 26 và 27 thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà, tại địa bàn xã Đưng K'Nớ huyện Lạc Dương vào ngày 18/3/2013, có 109 người, thuộc 95 hộ dân thôn 4 của xã Đạ Long, huyện Đam Rông đã quay trở về tái lấn chiếm...

Đây là ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt sau khi kiểm tra và làm việc tại Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà. Như Báo Lâm Đồng đã phản ánh, tiểu khu (TK) 26 và 27 thuộc lâm phần quản lý của Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà, tại địa bàn xã Đưng K’Nớ huyện Lạc Dương vào ngày 18/3/2013, có 109 người, thuộc 95 hộ dân thôn 4 của xã Đạ Long, huyện Đam Rông đã quay trở về tái lấn chiếm. Mặc dù các cơ quan, ngành liên quan và địa phương 2 huyện Lạc Dương, Đam Rông cùng chủ rừng là Vườn quốc gia Biduop-Núi Bà tổ chức nhiều lần tuyên truyền, vận động bà con quay trở về nơi định cư mới là xã Đạ Long nhưng không thành.
 
Đặc biệt, trong năm 2015, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo quyết liệt các ngành, địa phương liên quan và Vườn triển khai chủ trương tạo các điều kiện thuận lợi nhất về đời sống cho các hộ dân lấn chiếm này, đồng thời kiên quyết giải tỏa để trồng lại rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm. 
 
Tại thời điểm tháng 4/2015, tổng diện tích rừng và đất lâm nghiệp ở TK 26 và 27 bị chiếm 27,76ha và đến cuối tháng 6/2015 các hộ dân đã trồng xen lúa rẫy, bắp, đậu 12,04ha; lúa nước 3,4ha cùng 35 nhà ở. Báo cáo với Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt ngày 17/2/2016, Giám đốc Vườn Quốc gia Biduop-Núi Bà Lê Văn Hương cho biết vẫn còn hơn 30 hộ dân làm nhà ở tại 2 TK này. Đồng chí Đoàn Văn Việt chỉ đạo: “Bám sát địa bàn, nắm tình hình và phối hợp với các sở, ban, ngành và UBND các huyện Lạc Dương, Đam Rông thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giải quyết dứt điểm việc phá rừng, lấn chiếm đất lâm nghiệp tại TK 26, 27. Trường hợp đã giải quyết đầy đủ các chế độ, chính sách mà các hộ dân không chấp nhận thì lập hồ sơ đề nghị xử lý theo quy định để giải tỏa diện tích đất, rừng bị phá, bị lấn chiếm, tổ chức trồng lại rừng, kiên quyết không để các hộ dân quay trở về làng cũ”. 
 
MINH ĐẠO