Một thời tuổi trẻ họ đã sống

08:03, 25/03/2016

Họ là những người đã như thấm chất Đoàn vào máu, đã có một thời sục sôi với nhiệm vụ, hòa mình vào công tác Đoàn như một lẽ tự nhiên. Thời gian trôi đi, những cựu cán bộ Đoàn có những góc nhìn đĩnh đạc về phong trào và các hoạt động của tuổi trẻ…

Họ là những người đã như thấm chất Đoàn vào máu, đã có một thời sục sôi với nhiệm vụ, hòa mình vào công tác Đoàn như một lẽ tự nhiên. Thời gian trôi đi, những cựu cán bộ Đoàn có những góc nhìn đĩnh đạc về phong trào và các hoạt động của tuổi trẻ…
 
Ông Hà Phước Toản - Nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Lâm Đồng “Phải biết sống và hy sinh”

Ông Hà Phước Toản
Ông Hà Phước Toản
Ông vừa mới nghỉ hưu, sau những tháng năm công tác, nắm giữ rất nhiều vị trí quan trọng của TP. Đà Lạt và tỉnh Lâm Đồng. Nhưng câu chuyện về một thời tuổi trẻ, với những khó khăn nhưng đầy đam mê và nhiệt huyết, về những ngày gắn bó với công tác Đoàn - phong trào thanh niên đầy sôi nổi lại ùa về trong ông “dữ dội” như cái nắng Tây Nguyên trong những ngày tháng 3.
 
Ở mảnh đất này, nhất là với những người đã tham gia công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi, ông không phải là một người lạ, lớp trẻ thường gọi ông bằng cái tên gần gũi - chú Ba. Ông là Hà Phước Toản - nguyên Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Lạt và “thâm niên” hơn 20 năm gắn bó với phong trào Đoàn kể từ sau ngày giải phóng.
 
Rất nhiều “câu hỏi khó” dành cho ông với những nghĩ suy về ý chí, lý tưởng và niềm tin của thế hệ thanh niên hiện tại, đôi khi là cả những ngờ vực của người đặt câu hỏi. Ông gạt phắt những đoán định thiếu chứng cớ ấy ra khỏi đầu tôi bằng lời khẳng định: Trước và sau này, dù ở cương vị nào, mình luôn có niềm tin tuyệt đối vào lớp trẻ. Bởi chỉ có họ, với sức trẻ và lòng nhiệt thành, tri thức và khát khao cống hiến mới có thể tạo nên những thành công.
 
Sau ngày đất nước thống nhất, hay đúng hơn, trước đó, ngày giải phóng Đà Lạt, ông chính thức bắt đầu tham gia công tác Đoàn và được giao về công tác tại Huyện Đoàn Đơn Dương. Hơn 2 thập kỷ gắn bó với Đoàn Thanh niên, từ vai trò của anh cán bộ chuyên trách đến cương vị “thủ lĩnh” như Bí thư huyện Đoàn, đến Phó Bí thư, rồi Bí thư Tỉnh Đoàn... kể cả những ngày được Tỉnh ủy phân công đi Cam-pu-chia trong đoàn quân tình nguyện giúp đỡ đất nước bạn, khó khăn thiếu thốn trăm bề, nhưng ông luôn giữ vững niềm tin. Như ông nói: Nếu không có niềm tin, thế hệ cha anh trước đó và thế hệ của tôi hay sau này đều không thể vượt qua khó khăn.
 
Tuổi trẻ của ông, thế hệ thanh niên Nam Tây Nguyên ngày ấy như hòa mình vào dòng chảy của dân tộc, sẵn sàng chờ đợi, biết vượt qua gian khó, đi đến những nơi cần mình để sẻ chia và cống hiến.
 
“Ở mỗi giai đoạn, thế hệ thanh niên đều có lý tưởng riêng để phấn đấu. Ngày ấy, là chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc; gần hơn là kiến thiết, xây dựng lại đất nước sau những hệ quả của chiến tranh; và bây giờ thế hệ thanh niên có trách nhiệm phải đưa đất nước đến một tầm cao mới. Dù ở thời điểm nào, thế hệ thanh niên cũng phải luôn biết sống và biết hy sinh.” - ông chia sẻ với tôi bằng sự chuẩn mực của một người từng trải...
 
Ông Trần Văn Cơ - đoàn viên từng tham gia phong trào học sinh - sinh viên Đà Lạt: “Tự hào thời trẻ được sống trong phong trào Đoàn Thanh niên”

Ông Trần Văn Cơ
Ông Trần Văn Cơ
Những năm trước giải phóng, hòa chung trong không khí cả nước đứng lên đấu tranh giành độc lập, tôi cùng nhiều anh chị em tham gia phong trào học sinh, sinh viên, cùng vận động lực lượng thanh niên tham gia thanh niên xung phong. Ký ức hào hùng trước ngày giải phóng Đà Lạt 3/4 khiến tôi nhớ nhất. Khi đó, lực lượng học sinh, sinh viên Đà Lạt là nòng cốt trong việc đi rải truyền đơn kêu gọi nhân dân nổi dậy giành chính quyền, làm địch hoang mang và cũng là lực lượng trụ cột chiếm giữ vũ khí khi địch rút lui, giữ thành phố bình yên chờ quân giải phóng về. Sau giải phóng, tôi tham gia công tác ở Thành Đoàn Đà Lạt và sau đó là Tỉnh Đoàn, phụ trách công tác Đoàn trong học sinh, sinh viên. Khi đó, những chuyến lao động xung kích của học sinh trung học trong các dịp hè với khí thế hào hùng đã đi khôi phục các nông trường chè, mang lại hiệu quả kinh tế cho địa phương. Có nhiều em trước khi đi chưa biết lao động là gì nhưng được sự vận động, tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng đã viết đơn tình nguyện tham gia. Qua quá trình sống tập thể, học sinh tự quản, tự chỉ huy, nhiều em đã trưởng thành và được kết nạp Đoàn. Chính từ phong trào Đoàn đã gắn bó thanh niên với tinh thần rất vô tư và nhiệt tình. Nhiều lớp cán bộ Đoàn đã trưởng thành qua các phong trào thanh niên.
 
Ông Nguyễn Phan Lũy - Nguyên Ủy viên BTV Tỉnh Đoàn lâm thời: “Tham gia công tác Đoàn khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo”
 
Ông Nguyễn Phan Lũy
Ông Nguyễn Phan Lũy
Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng, ngay từ những năm học cấp ba, chàng thanh niên Nguyễn Phan Lũy đã tích cực tham gia các hoạt động biểu tình, bãi khóa của sinh viên, học sinh Huế chống Diệm, Nhu. Trong quá trình hoạt động cách mạng từ lúc ở Huế cho đến sau này, khi tham gia hoạt động trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên tại TP. HCM, ông bị địch bắt nhốt nhiều lần, nhưng những lần thử thách ấy chỉ như “lửa thử vàng”, càng hun đúc thêm ý chí quật cường của chàng thanh niên Nguyễn Phan Lũy và các đồng chí của ông. Ra tù, liên lạc với tổ chức tại quận ủy, lúc bấy giờ, tổ chức nhận thấy ông nên tạm lánh một thời gian và đó cũng là cơ duyên để ông lên và gắn bó với Đà Lạt từ năm 1970 cho đến tận bây giờ.
 
Ông được phân công về đội công tác sinh viên học sinh Đà Lạt, tham gia nghiên cứu, trao đổi một số kinh nghiệm trong hoạt động công khai. Cuối 1972, ông được điều về đội công tác Quảng Hiệp - Hiệp Thạnh, với chức vụ là quyền đội trưởng, chỉ huy toàn diện các hoạt động bên trong. Sau một thời gian, ông được chỉ định làm Bí thư chi bộ của đội công tác sinh viên, học sinh cho đến ngày giải phóng. Khi tổ chức kiện toàn lại bộ máy, BCH Tỉnh Đoàn lâm thời ra mắt vào giữa năm 1976, ông là Ủy viên BTV chuyên trách phụ trách công tác tuyên huấn và các phong trào Đoàn như thanh niên tình nguyện, đi làm thủy lợi... Với ông, những năm tháng tuổi trẻ, hoạt động trong phong trào đấu tranh của học sinh, sinh viên thời bấy giờ là những năm tháng vô cùng tươi đẹp, đã góp phần khơi dậy tinh thần năng động, sáng tạo; dám mạo hiểm, dám làm, dám chịu. Sau này, khi được tổ chức phân công đảm nhiệm những vị trí công tác khác nhau như Chủ tịch Hội Nông dân, Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh... ông cũng luôn phát huy được tính xung kích, sáng tạo trong công việc. Và ông cũng mong muốn tổ chức đoàn, các bạn trẻ hôm nay cần giúp nhau lập chí hướng, có lý tưởng phấn đấu lâu dài và ra sức học tập, cống hiến, vượt qua mọi khó khăn, trở ngại để hoàn thiện bản thân, xây dựng gia đình, xã hội. Tinh thần năng động dường đang hiện diện ở ông - ở độ tuổi trên 70, người cựu cán bộ Đoàn này vẫn ngày ngày liên hệ công việc qua mail, sử dụng thiết bị công nghệ không thua những người trẻ...
 
T.LINH - T.HƯƠNG - V.LAN