Người đoạt giải thưởng "Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước"

06:03, 15/03/2016

TS Lê Thị Châu - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (NCKHTN), nguyên Viện trưởng Viện NCKHTN được Hội LHPN Việt Nam tôn vinh và trao giải thưởng "Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước" vào ngày 8/3 vừa qua.

TS Lê Thị Châu - Chủ tịch Hội đồng Khoa học Viện Nghiên cứu khoa học Tây Nguyên (NCKHTN), nguyên Viện trưởng Viện NCKHTN được Hội LHPN Việt Nam tôn vinh và trao giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” vào ngày 8/3 vừa qua.
 
Giải thưởng nhằm tôn vinh những phụ nữ có tinh thần vươn lên, tự tin phát triển bản thân và có nhiều đóng góp cho sự phát triển chung của cộng đồng phụ nữ Việt Nam. Giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước” lần thứ nhất chỉ có 5 chị trong cả nước được tôn vinh và đây là lần thứ 2 Hội LHPN VN tổ chức với 50 chị được tôn vinh trao giải thưởng trên các lĩnh vực: phụ nữ doanh nhân, người có tác phẩm thay đổi suy nghĩ của phụ nữ VN, hoạt động thiện nguyện, nghiên cứu khoa học, sản xuất công nghiệp, hoạt động vì sự tiến bộ của phụ nữ. Trong đó, TS Lê Thị Châu vinh dự được trao giải thưởng về những đóng góp trong nghiên cứu khoa học.
 
Đóng góp xã hội của TS Lê Thị Châu vì sự tiến bộ của phụ nữ
 
- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nữ trí thức Việt Nam nhiệm kỳ 2011 - 2016.
- Là đại biểu HĐND tỉnh Lâm Đồng 2 nhiệm kỳ (2004 - 2011; 2011 - 2016). 
- Ủy viên Ủy ban MTTQVN tỉnh Lâm Đồng 4 nhiệm kỳ liên tiếp (1999 - 2004, 2004 - 2009, 2009 - 2014 và 2014 - 2019).
- Ủy viên Ban Chấp hành Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2007 - 2012 và Ủy viên  Ban Thường vụ Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh Lâm Đồng nhiệm kỳ 2012 - 2017. 
- Ủy viên Ban Chấp hành Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Lâm Đồng 2 nhiệm kỳ (2007 - 2011;  2011 - 2016).

Vừa nhận giải thưởng từ Hà Nội trở về, TS Châu tiếp chúng tôi tại căn phòng làm việc của Viện NCKHTN (trước đây là Phân viện Sinh học tại Đà Lạt), nơi mà chị đã gắn bó cả cuộc đời với công việc nghiên cứu. Chị cho biết: “Tôi rất bất ngờ khi được nhận giải thưởng này. Khi tôi đi dự lễ tôn vinh mới biết có rất nhiều chị em hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau như: Thiện nguyện, kinh doanh, nghiên cứu khoa học, vì bình đẳng giới…”.

Quá trình hơn 35 năm công tác trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học của TS Châu là minh chứng sống động cho con đường người phụ nữ tự vươn lên, say mê công việc để thành công.  Chị sinh năm 1960, sau khi tốt nghiệp Đại học Đà Lạt vào năm 1982, chị đã theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học,từ làm nghiên cứu viên Trung tâm Nghiên cứu Khoa học tại Đà Lạt (nay là Viện NCKHTN). Qua nhiều năm, chị đã phấn đấu hoàn thành công việc nghiên cứu (Tiến sĩ sinh học) và đảm trách công việc của người đầu ngành (từ 2007 - 2008: Phân viện trưởng Phân viện Sinh học tại Đà Lạt; từ 2008 - 2013: Viện trưởng Viện Sinh học Tây Nguyên (nay là Viện NCKHTN); từ 2013 đến 9/2015: Viện trưởng Viện NCKHTN). Cuối năm 2015 chị nghỉ hưu, hiện nay TS Châu đang làm Chủ tịch Hội đồng Khoa học của Viện NCKHTN và thực hiện một số đề tài, dự án của Viện giao cho.  
 
Trong quá trình công tác tại Viện NCKHTN, TS Châu đã làm chủ nhiệm và tham gia 21 đề tài nghiên cứu khoa học các cấp, từ cấp cơ sở đến cấp nhà nước và đã có 25 công trình nghiên cứu đăng trên các tạp chí trong và ngoài nước. Chị thực hiện chuyển giao Công nghệ cấy chuyển phôi bò sữa cao sản tại Tây Nguyên cho 2 công ty (Công ty cổ phần sữa Đà Lạt và Công ty TNHH SX-TM- XNK Năm Sao). Đặc biệt, có 2 đề tài nghiên cứu khoa học vì sự tiến bộ của phụ nữ được TS Châu thực hiện từ năm 1999-2003, đó là: Nghiên cứu ứng dụng một số kết quả khoa học vào thực tiễn sản xuất tại Lâm Đồng; Nghiên cứu ứng dụng chế phẩm Liquid Vigor trên cây rau và hoa.
 
TS Lê Thị Châu (đứng giữa) vinh dự nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”
TS Lê Thị Châu (đứng giữa) vinh dự nhận giải thưởng “Phụ nữ Việt Nam tự tin tiến bước”
 
* Giải thưởng ghi nhận sự cống hiến của phụ nữ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực nghiên cứu khoa học; chị có thể chia sẻ khó khăn đối với người phụ nữ khi làm công việc này qua một quá trình công tác dài như vậy? 
 
- Thực ra nói về điều này hơi khó vì mọi người đều biết phụ nữ có gia đình chia sẻ dễ hơn, còn mình là phụ nữ đơn thân nên rất khó nói. Đương nhiên, người phụ nữ làm công tác nghiên cứu khoa học khó khăn hơn nam giới, nhưng mình nói về khó khăn có lẽ sẽ ít được chia sẻ, đồng cảm, vì mình dành hết thời gian cho công việc.
 
Tính chất công việc phải tập trung nghiên cứu, tham khảo tài liệu, xem trong nước, thế giới lĩnh vực đó ai đã làm rồi, làm đến đâu, những cái mình làm ra có gì khác với họ, có gì mới; đặc biệt phải hướng tới những đề tài có thể ứng dụng thực tế, đem lại kết quả phục vụ cho sự phát triển của xã hội.
 
* Trong số hàng chục đề tài, chị tâm đắc nhất là đề tài nào? (Nghĩa là chị hài lòng về kết quả nghiên cứu và sức ảnh hưởng của đề tài đó)
 
- Những năm trước đây, thời kỳ khó khăn, tôi đã thực hiện một số đề tài như: Sử dụng vi khuẩn Lactic để ủ cỏ làm thức ăn cho bò; ứng dụng công nghệ vi sinh để bảo quản và chế biến rau quả làm thức ăn; sử dụng nấm men để chế biến rượu vang dâu tằm; sử dụng phương pháp lên men lactic để chế biến kim chi… Những đề tài này tuy rằng nhỏ nhưng đóng góp cho xã hội rất hiệu quả. Trong những năm tháng đó, tôi cùng với nhóm nghiên cứu thực hiện đề tài đã giúp cho Nông trường bò sữa Phi Vàng lúc đó giải quyết được tình trạng thiếu thức ăn cho bò vào mùa khô. Vì Lâm Đồng có 2 mùa, mùa mưa và mùa khô; về mùa mưa, lượng thức ăn dư thừa nhưng mùa khô thức ăn lại khan hiếm, nên chúng tôi nghiên cứu sử dụng vi khuẩn Lactic để ủ thức ăn trong mùa mưa để mùa khô có thể cung cấp thức ăn cho bò.
 
* Giải thưởng “Phụ nữ VN tự tin tiến bước” rất có ý nghĩa trong sự nghiệp vươn lên của chị, có điều gì chị gửi gắm, chia sẻ với giới trẻ trong việc theo đuổi đam mê nghiên cứu khoa học?
 
- Qua quá trình công tác, mình tích lũy được kinh nghiệm nên có sự vững vàng, suy nghĩ chín chắn hơn so với các em. Tôi mong lớp trẻ, trước hết làm công tác nghiên cứu khoa học phải có sự say mê, nếu không say mê thì khó mà theo đuổi sự nghiệp nghiên cứu. Hiện nay, công tác nghiên cứu khoa học cũng như kinh phí dành cho công tác nghiên cứu so với ngành khác chưa được quan tâm, hỗ trợ nhiều. Bên cạnh đó, quá trình nghiên cứu khoa học đòi hỏi phải học tập, nâng cao trình độ để đáp ứng sự phát triển của xã hội, lúc đó mới hoàn thành tốt công việc… Làm nghiên cứu khoa học cũng không tránh khỏi có những lúc nản lòng, tôi nói điều này từ trải nghiệm của bản thân trong hoạt động nghiên cứu khoa học và sau này là công tác quản lý. Trong lĩnh vực quản lý, đương nhiên có những việc không phải lúc nào cũng suôn sẻ, đặc biệt trong khi giải quyết các mối quan hệ giữa con người với con người bắt buộc mình phải có sự tinh tế, sự thông cảm, trên hết là sự chia sẻ với những người xung quanh...  Khi đã giải quyết công việc có tình, có lý hơn thì mới có thể toàn tâm, toàn ý cho nghiên cứu khoa học đạt kết quả tốt.
 
DIỆU HIỀN