40 tuổi, 16 năm sưu tầm hơn 200 chiếc ché của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó nhiều ché có niên đại hàng trăm năm, Nguyễn Quốc Dũng - Thư ký Câu lạc bộ Di sản Unesco Lâm Đồng được coi là người có công gìn giữ hồn ché Tây Nguyên.
40 tuổi, 16 năm sưu tầm hơn 200 chiếc ché của người dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên, trong đó nhiều ché có niên đại hàng trăm năm, Nguyễn Quốc Dũng - Thư ký Câu lạc bộ Di sản Unesco Lâm Đồng được coi là người có công gìn giữ hồn ché Tây Nguyên.
|
Anh Nguyễn Quốc Dũng bên bộ sưu tập ché cổ |
Mối lương duyên
Cơ duyên đến với anh Nguyễn Quốc Dũng khi được bạn người dân tộc K’Ho tặng một chiếc ché cổ trong một lần đi làm vườn tại huyện vùng sâu Đam Rông. Cơ duyên đó đã dẫn anh đeo đuổi cái “nghiệp” sưu tầm ché cổ để trở thành chủ nhân của bộ sưu tập có một không hai của khu vực miền Trung - Tây Nguyên.
Dù kinh tế không khá giả nhưng anh Dũng cảm thấy mình là người may mắn, hạnh phúc khi ché cổ bén “duyên” với mình. Để sở hữu được một chiếc ché cổ thì người sưu tầm dồi dào về tiền bạc thôi chưa đủ mà phải là người có duyên, bởi “bảo vật tìm chủ” không phải là chuyện xưa nay hiếm. Mỗi vật cổ đều có linh khí riêng, ché cổ cũng bởi ché vốn là vật thiêng trong tín ngưỡng của người xưa.
“Tại sao người nước ngoài họ chỉ có một bình gốm cổ nhỏ thôi nhưng họ coi như báu vật. Còn ở quanh ta biết bao nhiêu đồ có giá trị mà mình lại không biết trân trọng, nâng niu, gìn giữ. Như thế nghĩa là có tội!”. Với suy nghĩ như thế, năm này qua năm khác, anh Dũng đã trở thành người lưu giữ cổ vật chuyên nghiệp lúc nào không hay. Rồi anh em bè bạn tìm đến nhau, chia sẻ, trao đổi và thành lập Câu lạc bộ. Anh được tín nhiệm bầu làm Thư ký CLB Di sản Unesco Lâm Đồng.
Anh Dũng vừa được bà ANoa Dussol Perran - Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Du lịch An Hoa, một người Pháp gốc Việt rất tâm huyết với sự phát triển của văn hóa du lịch Việt, mời tham gia vào dự án “Ngôi nhà Việt Nam” tại miền Tây nước Pháp trong thời gian đến. Đây là một dự án lớn nhằm giới thiệu, trưng bày, triển lãm các sản phẩm văn hóa Việt Nam với mong muốn xây dựng hình ảnh con người - đất nước Việt Nam trong lòng nước Pháp, góp phần trao đổi, mở rộng quan hệ văn hóa Pháp - Việt. |
Nguyễn Quốc Dũng bén duyên với ché cổ từ những năm mới hơn 20 tuổi. Bằng cái tâm, bằng niềm đam mê, anh không bao giờ đong đếm, quy nó ra thành một món tiền có giá trị bởi theo anh, mỗi một chiếc ché đều có linh hồn, có linh khí riêng và chúng biết người thật sự trân trọng và hiểu được giá trị của chúng. Anh sưu tầm với trăn trở về việc văn hóa di sản đang dần bị mai một.
Với anh Dũng những chiếc ché cổ là vô giá và bộ sưu tập ché cổ mà anh đang sở hữu là tài sản không thể định giá được. Rất nhiều người đã tìm đến để xin được mua lại, trong đó có người đã trả giá hàng trăm triệu đồng cho một chiếc ché cổ nhưng anh không bán. Bởi nếu chỉ đơn thuần mua đi bán lại thì có lẽ nhiều vật cổ sẽ không tìm đến anh như thế.
Đam mê và trăn trở đã thôi thúc anh Dũng dồn tất cả tiền bạc, thậm chí là thế chấp cả sổ đỏ vào ngân hàng để đầu tư cho việc sưu tầm ché. Thế nên, đằng sau một món cổ vật là sự trăn trở và rất nhiều nỗi lo “nhưng nghề đã chọn mình, ché cổ đã bắt “duyên” với mình thì mình phải hết lòng với nó!”.
Anh kể, cũng vì không đủ tiềm lực về kinh tế nên đến giờ anh vẫn còn mang trong lòng một nỗi khắc khoải, tiếc nuối không nguôi về bộ “ché mẹ ba con” quý hiếm giờ đã phải xa Lâm Đồng. “Cách đây hơn 5 năm, đến kỳ đáo hạn ngân hàng nhưng không có đủ tiền để trả, anh đã phải bán cổ vật “ché mẹ ba con” thuộc dòng gốm Châu Ổ Quảng Ngãi da màu vàng, thế kỷ 18 do người K’Ho đặt hàng làm. Nó tượng trưng cho chế độ mẫu hệ, cho tình mẫu tử bất chia lìa, đề cao tình cảm thiêng liêng của người K’Ho. Phải là dân có kiến thức sâu về văn hóa mới hiểu được giá trị văn hóa ẩn sau mỗi món đồ. Ví dụ như dựa trên nước men và cách trình bày món đồ có thể xác định được niên đại và xuất xứ của chiếc ché. Dấu vân tay của thợ gốm lưu lại trên ché sẽ kể cho thế hệ sau câu chuyên về tay nghề của người thợ thời ấy, về văn hóa của dân tộc.
Làm thế nào để phân biệt giữa các dòng gốm, đời gốm…, tất cả những bí quyết đó anh Dũng đều học từ các nhà nghiên cứu. Ham tìm hiểu và có lẽ nhờ có năng khiếu, có con mắt nhìn rất tinh tế nên hầu hết các ché, thậm chí cả ché đã bể tai, bể chôn, đáy nhưng anh vẫn sưu tập, bởi theo anh, nó đều có linh hồn.
Sau cuộc triển lãm vào năm 2013 nhân dịp Festival Hoa Đà Lạt thì chương trình “Năm Di sản quốc gia” có sức hút ghê gớm với anh Dũng. Anh quyết định giới thiệu bộ sưu tập khi đó mới có khoảng hơn 100 món cổ vật, chủ yếu là chum, ché cổ Tây Nguyên. Nhưng phần thưởng anh Dũng nhận được, ngoài tấm bằng khen của các sở, ngành, chính là đã có người biết được giá trị và văn hóa của đồ gốm Tây Nguyên. Điều đó càng thôi thúc anh phải lưu giữ hồn ché cho Lâm Đồng vì theo anh, ngoài giá trị vật chất, ẩn sau mỗi món cổ vật là một nét văn hóa, thể hiện sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc Tây Nguyên với các vùng miền, khẳng định bản sắc và trình độ văn hóa nhất định của mỗi tộc người Tây Nguyên cần phải lưu giữ.
Mơ ước về một bảo tàng thu nhỏ
Một điều hết sức trân quý ở anh Dũng, đó là anh đang nỗ lực truyền “nguồn lửa” đam mê văn hóa Tây Nguyên đến với đông đảo mọi người để bảo tồn và lan truyền những giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
16 năm qua, trăn trở và cũng là ước mơ lớn nhất của anh Dũng đó là thành lập được một phòng trưng bày nhỏ để giới thiệu trên 200 chiếc ché để mọi người tới chiêm ngưỡng, nhất là du khách nước ngoài. Qua đây, để mọi người biết những cổ vật ché cổ đó có ở Lâm Đồng - Tây Nguyên. Đồng thời, là nơi để các em sinh viên, các nhà nghiên cứu đến tìm hiểu những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc Việt Nam.
HÀ NGUYỆT