Ông Đặng Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh (Đức Trọng) cho biết, khi phê duyệt dự án, Thủ tướng Chính phủ giao 2 nhiệm vụ chính cho nhà máy Thủy điện Đại Ninh là cung cấp nước chống hạn và sản xuất điện năng. Thực tế cho thấy, từ khi hoàn chỉnh đưa vào sử dụng, cuối năm 2007 đến nay, nhà máy Thủy điện Đại Ninh (NMTĐĐN) đã cơ bản thực hiện có kết quả hai nhiệm vụ chính nêu trên.
Ông Đặng Văn Cường - Phó Giám đốc Công ty Thủy điện Đại Ninh (Đức Trọng) cho biết, khi phê duyệt dự án, Thủ tướng Chính phủ giao 2 nhiệm vụ chính cho nhà máy Thủy điện Đại Ninh là cung cấp nước chống hạn và sản xuất điện năng. Thực tế cho thấy, từ khi hoàn chỉnh đưa vào sử dụng, cuối năm 2007 đến nay, nhà máy Thủy điện Đại Ninh (NMTĐĐN) đã cơ bản thực hiện có kết quả hai nhiệm vụ chính nêu trên.
Theo thiết kế dự án, dung tích toàn bộ hồ Đại Ninh lúc ở mực nước cao trình 880m là 319,77 triệu m3, nhưng vào thời điểm đầu tháng 1 đến cuối tháng 3 này, mực nước ở cao trình chỉ đạt 864,339m, tương ứng dung tích 95 triệu m3, xấp xỉ 30% vào thời điểm đạt dung tích nước cao nhất. Đây được xem là thời điểm mực nước hồ Đại Ninh hạ thấp nhất trong các mùa khô vừa qua và đang có xu thế hạ thấp hơn trong những tháng tiếp theo nếu không có mưa. Vì vậy, ngay từ đầu tháng 1/2016, Tổng cục Thủy lợi thuộc Bộ NN-PTNT Việt Nam đã chủ trì cuộc họp với NMTĐĐN và Sở NN-PTNT tỉnh Bình Thuận thống nhất định kỳ hàng tháng phải có kế hoạch điều tiết nước hợp lý để chạy máy cung cấp nước sinh hoạt, chống hạn cho cây trồng 3 huyện hạ du tỉnh Bình Thuận gồm: Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong theo phương châm: NMTĐĐN có trách nhiệm chạy máy cung cấp nước, ngành thủy lợi tỉnh Bình Thuận có trách nhiệm điều tiết nước ở khu vực hạ du hợp lý, đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Sự phối hợp chặt chẽ, có trách nhiệm giữa NMTĐĐN với ngành thủy lợi trong những năm qua đã mang lại hiệu quả đáng ghi nhận, đó là việc đáp ứng đủ nhu cầu nước sinh hoạt của người dân, nhất là vào mùa khô. Mặt khác, nhờ có nguồn nước từ hồ Thủy điện Đại Ninh, một số địa phương của 3 huyện Hàm Thuận Bắc, Bắc Bình, Tuy Phong đã tổ chức gieo cấy 2 vụ lúa trong năm, thay vì một vụ như trước đây.
Tuy nhiên, do hạn hán kéo dài, lưu lượng chạy máy xả nước xuống hạ du Bình Thuận thay vì bình quân từ 10-12m3/s/ngày như trước đây, những ngày cuối tháng 3 chỉ còn 9m3/s/ngày, lượng nước còn lại để chạy máy phát điện trong tháng 3/2016 là 13,8 triệu m3. Do vậy, khả năng đáp ứng nhu cầu nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho 3 huyện thuộc Bình Thuận của NMTĐĐN bị sút giảm nghiêm trọng và tiếp tục sụt giảm lưu lượng. Trong các tháng 4, 5, 6 xuống chỉ còn 1,66m3/s/ngày, với lượng nước cấp chạy máy chỉ còn dưới 13 triệu m3. Điều đó, dẫn đến ảnh hưởng lớn đến sản xuất, sinh hoạt của người dân khu vục hạ du NMTĐĐN.
Đối với tỉnh Lâm Đồng, do hồ Thủy điện Đại Ninh nằm trên địa bàn huyện Đức Trọng, nên nguồn nước của từ lòng hồ được sử dụng để phục vụ sản xuất cho một bộ phận lớn người dân của các xã Phú Hội, Ninh Gia, Ninh Loan, Tà Hine… Vì vậy, ngay trong thời điểm nắng hạn gay gắt của 3 tháng đầu năm 2016, diện tích cây trồng của các địa phương xung quanh NMTĐĐN nói trên vẫn chưa bị “khát nước” nghiêm trọng. Ngoài ra, để đảm bảo dòng chảy phía hạ du sông Đồng Nai (Lâm Đồng), NMTĐĐN luôn duy trì xả nước trung bình 2,5m3/s/ngày. Việc xả nước của NMTĐĐN xuống sông Đồng Nai, không những duy trì sự cần bằng về sinh thái, môi trường, mà còn góp phần cung cấp nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt cho cộng đồng dân cư ở các địa phương có sông Đồng Nai đi qua. Điều đó, cho phép Lâm Đồng đối phó có hiệu quả tình hình hình hạn hán trong mùa khô, nhất là nắng hạn gay gắt trong những tháng đầu năm 2016. Điều đáng nói là, với chủ trương của Chính phủ và của Tổng Công ty Điện lực Việt Nam, các nhà máy thủy điện, trong đó có NMTĐĐN tập trung ưu tiên cho công tác chống hạn, nên sản lượng điện sản xuất trong 3 tháng đầu năm 2016 chỉ đạt 116 triệu KWh (thấp hơn thời điểm mùa khô 2010 là 155 triệu KWh) và chỉ đạt chưa đến 1/10 sản lượng điện thiết kế (116 triệu KWh/1,178 tỷ KWh thiết kế).
Vấn đề quan trọng còn lại, theo ông Đặng Văn Cường là các địa phương, nhất là tỉnh Bình Thuận đã công bố thiên tai, hạn hán, cần tuyên truyền, vận động người dân sử dụng nguồn nước từ hồ Thủy điện Đại Ninh tiết kiệm, đúng mục đích, hiệu quả. Mặt khác, cần có kế hoạch điều tiết nước hợp lý, khoa học để đối phó với tình trạng khô hạn kéo dài, khi trời tiếp tục không có mưa trong thời gian tới.
HOÀNG KIẾN GIANG