Theo chủ trương tập trung tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở của Hội Phụ nữ tỉnh, trong 5 năm qua, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) đã có những mô hình độc đáo, thiết thực do các hội viên phụ nữ triển khai thực hiện.
Theo chủ trương tập trung tổ chức các hoạt động hướng về cơ sở của Hội Phụ nữ tỉnh, trong 5 năm qua, xã Hòa Ninh (huyện Di Linh) đã có những mô hình độc đáo, thiết thực do các hội viên phụ nữ triển khai thực hiện.
|
Phụ nữ xã Hòa Ninh - Di Linh xây dựng mô hình Tuyến đường không rác |
Mô hình “Sinh nhật vàng”
Mô hình này do Chi hội Phụ nữ thôn 8, xã Hòa Ninh xây dựng là cách làm sáng tạo trong việc thực hành tiết kiệm làm theo lời Bác. Thôn 8 có 90 hộ với 323 nhân khẩu, trong đó, Chi hội phụ nữ có 80 hội viên chia làm 4 tổ, đời sống kinh tế chủ yếu trồng chè, cà phê. Chi hội phụ nữ thôn 8 đã vận động chị em thành lập Tổ “Sinh nhật vàng” có 28 chị tham gia. Hàng tháng, Chi hội tổ chức sinh nhật cho 2-4 chị với phần quà trị giá tương đương 1 chỉ vàng/chị để chi tiêu trong gia đình khi thật sự cần thiết. Nhờ mô hình này mà nhiều gia đình ở thôn 8 hiện nay, chồng, con đã biết đến ngày sinh nhật của mẹ, của vợ, quan tâm đến người phụ nữ nhiều hơn.
Bên cạnh mô hình “Sinh nhật vàng”, từ năm 2014, Chi hội Phụ nữ thôn 8 xây dựng mô hình “Tổ góp vốn bằng vàng” có 9 chị tham gia. Cứ định kỳ 2 lần/năm, mỗi lần góp vào 1 chỉ vàng/chị, đến nay mô hình này đã giúp cho 4 chị 36 chỉ vàng (mỗi chị 9 chỉ vàng) để xây dựng, tu sửa nhà cửa, đầu tư cho con đi học các trường đại học, cao đẳng. Hai mô hình tiết kiệm trên đã duy trì hoạt động hiệu quả nhờ sự hỗ trợ từ phía gia đình, để giúp chị em tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò của mình trong gia đình, tạo mối đoàn kết gắn bó trong hội viên; thời gian tới, Chi hội Phụ nữ thôn 8 tiếp tục tuyên truyền, vận động nhiều hội viên tham gia.
Mô hình “Phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình”
Đây là mô hình do Chi hội Phụ nữ thôn 6 triển khai thực hiện nhằm thực hiện mục tiêu Đề án “Tuyên truyền vận động phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình giai đoạn 2015 -2018” của Hội Phụ nữ huyện Di Linh và nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ bảo vệ môi trường, khẳng định vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới (tiêu chí 17 về môi trường). Thôn 6 nằm ở khu trung tâm của xã Hòa Ninh, dân cư tập trung ở hai bên Quốc lộ 20, kinh tế chủ yếu là nông nghiệp và buôn bán nhỏ. Tháng 10/2014, mô hình “Phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình” của Chi hội Phụ nữ thôn 6 ra mắt với 70 hội viên tham gia.
Ban chủ nhiệm mô hình phân công nhau đến từng hộ gia đình để tuyên truyền hướng dẫn cách phân loại rác thải để giảm tối đa lượng rác thải ra môi trường. Rác phân làm 3 loại: rác hữu cơ như rau, củ, quả thì đào hố ngay tại vườn nhà hoặc bỏ vào thùng xốp làm phân hữu cơ trồng rau sạch mang lại hiệu quả cao; rác tái chế như nhôm, nhựa được thu gom bán cho vựa thu mua phế liệu, số tiền thu được dùng vào việc gây quỹ hội; rác vô cơ (mảnh sành, thủy tinh, bịch nilon, dây...) rất khó phân hủy phải gom lại và tập kết đúng nơi quy định. Các hội viên còn được vận động đi chợ mang giỏ, làn để hạn chế sử dụng bịch nilon. Mô hình tổ chức sinh hoạt hàng tháng để hội viên nắm bắt được cách xử lý rác và tuyên truyền cho mọi người nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn vệ sinh chung, định kỳ mỗi tháng 1 lần thường xuyên tổ chức quét dọn thu gom rác tại địa bàn để môi trường, cảnh quan thôn, xóm sạch đẹp.
Từ khi có mô hình này, ở thôn 6, việc xả rác bừa bãi không còn và lượng rác thải ra bãi rác công cộng đã giảm nhiều. Đến nay, tại thôn 6 đã có 48 hộ gia đình sống gần đường tham gia đóng phí môi trường đầy đủ, có 70 hộ sống xa đường thực hiện phân loại xử lý rác thải tại hộ gia đình, còn 42 hộ chưa tham gia đóng phí đang được Ban chủ nhiệm mô hình tích cực vận động tuyên truyền.
Mô hình “Làm đường bê tông”
Mô hình được làm điểm tại xóm 1 của thôn 12 - xã Hòa Ninh để các thôn khác học tập, nhân rộng ra, trong đó có sự đóng góp tích cực vận động của chị Lê Thị Ngân - Chi hội trưởng phụ nữ thôn 12. Trước đây, ở xóm 1 trong thôn có một đoạn đường dài chừng 1km trong tình trạng mùa mưa lầy lội, mùa nắng bụi bặm, ảnh hưởng đến môi trường sống và sinh hoạt đi lại của 30 hộ dân, nhất là học sinh. Chị Ngân vận động bà con góp vốn xây dựng đường, 100% hộ dân và hội viên đồng tình ủng hộ. Chị Ngân đứng tên ký kết lấy vật liệu làm đường, công trình bắt đầu thi công vào tháng 8/2015 với tổng chiều dài 343m, rộng 2,5m, độ dày bê tông 15cm. Tổng chi phí của công trình là 130 triệu đồng, 270 ngày công lao động đã hoàn thành con đường đưa vào sử dụng, hai bên đường được mắc đèn điện, luôn không có rác và trồng các loại hoa rất đẹp. Mô hình làm đường bê tông ở xóm 1 làm điểm cho các xóm khác trong thôn nhân rộng, tạo diện mạo nông thôn sạch đẹp; góp phần thực hiện tốt tiêu chí 2 về giao thông trong bộ tiêu chí quốc gia về xây dựng nông thôn mới.
AN NHIÊN