Mùa khô đang hiện hữu, hạn hán ngày càng gay gắt, Lâm Đồng đang là tỉnh cảnh báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Rừng giáp ranh cũng đang diễn biến vi phạm Luật BV&PTR ngày càng phức tạp. Nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng và quản lý bảo vệ rừng giáp ranh đang trở thành nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.
Mùa khô đang hiện hữu, hạn hán ngày càng gay gắt, Lâm Đồng đang là tỉnh cảnh báo cháy rừng cấp 5 - cấp cực kỳ nguy hiểm. Rừng giáp ranh cũng đang diễn biến vi phạm Luật BV&PTR ngày càng phức tạp. Nhiệm vụ phòng cháy chữa cháy rừng (PCCCR) và quản lý bảo vệ (QLBV) rừng giáp ranh đang trở thành nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu.
Giảm số vụ nhưng tăng mức thiệt hại
|
Chủ tịch UBND tỉnh Đoàn Văn Việt kiểm tra công tác quản lý và bảo vệ rừng tại huyện Lạc Dương sau Tết Nguyên đán 2015 |
Thời gian trước và sau Tết Bính Thân năm nay, trong vòng 2 tháng đầu năm 2016, rừng của Lâm Đồng khá bình yên hơn so với những mùa tết các năm trước. Đây là hệ quả tích cực nhờ triển khai thực hiện các văn bản chỉ đạo của trung ương và địa phương của các cấp, các ngành, địa phương. Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng cho biết, trong tháng 2/2016, toàn tỉnh đã phát hiện và lập biên bản 95 vụ vi phạm Luật BV&PTR. Trong đó, vi phạm quy định về quản lý rừng, sử dụng rừng 29 vụ (chiếm 30,5%); vi phạm quy định về phát triển rừng 21 vụ (22,1%); vi phạm quy định về quản lý lâm sản 45 vụ (47,4%). So với cùng kỳ năm 2015, số vụ vi phạm đã giảm 56 vụ, tương đương 37,1%.
Phân tích cụ thể hơn trong các hành vi vi phạm thì: khai thác rừng trái phép 29 vụ (chiếm 30,5%) với 131,762m3; phá rừng trái pháp luật 18 vụ (18,9%) với 55.326m2; vận chuyển lâm sản trái pháp luật 24 vụ (25,3%) với 25,761m3 và mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của nhà nước 19 vụ (20%) với 30,557m3... Các cơ quan chức năng đã xử lý 98 vụ vi phạm, trong đó, xử lý hành chính 93 vụ, chuyển xử lý hình sự 5 vụ. Mặt khác, cơ quan chức năng cũng đã tịch thu qua xử lý vi phạm 32 phương tiện, dụng cụ các loại; 120,704m3 gỗ các loại, 38 cá thể động vật rừng...
Về cháy rừng, từ đầu mùa khô đến nay trên địa bàn toàn tỉnh chỉ mới để xảy ra 2 vụ cháy rừng tự nhiên với diện tích bị cháy 0,5ha; trong đó 1 vụ cháy rừng khộp thiệt hại không đáng kể và 1 vụ cháy rừng lồ ô thiệt hại khoảng 75%. Số vụ cháy rừng giảm 1 vụ (33,3%) so với cùng kỳ năm 2015, tuy nhiên chưa xác định được nguyên nhân cháy và đối tượng vi phạm, lực lượng chức năng đang tiếp tục xác định để xử lý theo quy định. Nhưng điều đáng quan tâm nhất là, tuy số vụ vi phạm, cháy rừng đã giảm nhưng diện tích rừng bị phá, bị cháy tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2015. Diện tích rừng bị phá tăng 3.257m2, tương đương 6,3%; diện tích rừng bị cháy tăng 0,4ha tương đương 44,4%.
Một tín hiệu tốt của 2 tháng đầu năm 2016 là trên địa bàn Lâm Đồng không xảy ra trường hợp nào chống người thi hành công vụ. Tuy vậy, vẫn còn vụ việc nổi cộm diễn ra ở địa bàn huyện Bảo Lâm, rất cần sớm khắc phục và xử lý từ phía các cơ quan có thẩm quyền và đơn vị chủ rừng. Đó là vào ngày 3 tháng 2, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm và Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc tiến hành kiểm tra hiện trường tại khoảnh 3 tiểu khu 431 và khoảnh 5 tiểu khu 416, lâm phần do công ty quản lý. Kết quả: Tại khoảnh 3 tiểu khu 431, có 64 gốc gồm gỗ Xương gà, Trâm, Re, Chua khế, Còng, Dẻ, Nhãn rừng, Sp bị khai thác trái phép. Hiện chưa xác định được trữ lượng và khối lượng thiệt hại thực tế vì lâm sản đã lấy đi khỏi hiện trường; chỉ còn 2 lóng gỗ còn tại hiện trường với khối lượng 1,702m3. Tại khoảnh 5 tiểu khu 416, có 36 gốc Xương gà, Xuân thôn, Re, Dẻ, Sp bị cưa hạ trái phép, cũng chưa xác định được trữ lượng và khối lượng thiệt hại thực tế vì lâm sản đã một phần bị lấy đi khỏi hiện trường và chỉ còn 31 lóng gỗ với khối lượng 34,201m3. Ngay sau đó, các cơ quan chức năng như Công an tỉnh, Viện KSND tỉnh, Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Lộc Bắc và Ban Lâm nghiệp xã Lộc Bắc đã tiến hành kiểm tra, xác minh cụ thể hiện trường để củng cố hồ sơ xử lý.
Nhiều thách thức trong công tác quản lý và bảo vệ rừng
Như đã nêu, từ tháng 3 là cao điểm về cháy rừng. Mặt khác, sau thời gian nghỉ tết, các đối tượng vi phạm lâm luật sẽ manh động hơn, nhất là các vùng giáp ranh. Vì vậy, một mặt, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về bảo vệ và PCCCR đẩy mạnh hơn bằng nhiều hình thức có hiệu quả nhất, tránh dàn trải thiếu trọng tâm. Mặt khác, cần nâng cao vai trò của cả hệ thống chính trị cơ sở ở các địa phương và nhận thức của người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc tại chỗ, các hộ dân ở gần vùng rừng. Lực lượng chức năng phải đặt công tác tuần tra, kiểm tra rừng là nhiệm vụ thường trực, chú trọng những khu vực trọng điểm, vùng giáp ranh để vừa phát hiện sớm, dập tắt các đám cháy rừng khi mới phát sinh, vừa ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi xâm hại đến tài nguyên rừng.
Phó Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng Võ Danh Tuyên cho biết, năm nay, ngoài 3 địa phương đã triển khai thí điểm mô hình hợp đồng khoán tổ đội với Hạt Kiểm lâm năm 2015, tiếp tục nhân rộng thêm tại 3 địa phương là Đơn Dương, Lâm Hà và Di Linh. Mặc dù thực tiễn đã chứng minh được tính hiệu quả của mô hình này nhưng theo ông Tuyên, vẫn phải tiếp tục đúc kết chưa thể nhân rộng ra trong toàn tỉnh và nhất là mô hình cũ (khoán với chủ rừng) có những địa bàn đang triển khai tốt như ở Bảo Lâm. Một giải pháp luôn song hành khác đó là sự phối hợp thường xuyên, có hiệu quả thực chất giữa lực lượng kiểm lâm với các ngành chức năng và đơn vị chủ rừng trong công tác tuần tra, kiểm tra, truy quét và xử lý vi phạm.
Theo ông Võ Danh Tuyên, tình hình khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép vẫn còn diễn biến phức tạp, nhất là tại huyện Bảo Lâm, vùng giáp ranh giữa huyện Di Linh, Đức Trọng với huyện Bắc Bình tỉnh Bình Thuận. Ở những vùng rừng này, các đối tượng hoạt động có cảnh giới gây khó khăn trong công tác phục bắt và xử lý đối tượng vi phạm. Ông Tuyên cho biết, Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng đã xây dựng kế hoạch để phối hợp Kiểm lâm vùng 4, đơn vị bạn và địa phương liên quan sẽ triển khai những biện pháp quyết liệt trong tháng 3 này. “Những ngày này, từ lãnh đạo Chi cục đến 2 Đội Kiểm lâm và các bộ phận chuyên môn - nghiệp vụ của Chi cục ngày nào cũng tăng cường kiểm tra tại các chủ rừng”, ông Võ Danh Tuyên khẳng định.
Thực tế còn cho thấy, một số biện pháp vẫn chưa mang tính hiệu quả cao như thiếu cương quyết trong xử lý các đối tượng vi phạm Luật BV&PTR; vẫn còn những địa bàn, những vụ việc chưa chủ động trong phối hợp điều tra, xử lý giữa ngành kiểm lâm với các cơ quan chức năng như công an, kiểm sát, nhất là các vụ vi phạm Luật BV&PTR mang tính phức tạp, có dấu hiệu tội phạm, các vụ vi phạm liên quan đến chống người thi hành công vụ... Hi vọng với hành lang pháp lý đã đầy đủ, các ngành chức năng, các địa phương và đơn vị liên quan sẽ triển khai công tác quản lý và bảo vệ rừng ngày càng có hiệu quả, nhằm giảm được 20% số vụ vi phạm lâm luật như mục tiêu đề ra của tỉnh Lâm Đồng.
MINH ĐẠO