Phòng chống mại dâm, ma túy, AIDS cần dựa vào cộng đồng

09:03, 21/03/2016

Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch UBQGPCAMTMD chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc xóa bỏ các tụ điểm về ma túy, chuyển đổi mạnh các mô hình cai nghiện, điều trị; các hoạt động phòng, chống ma túy, mại dâm, AIDS cần dựa vào cộng đồng để phát huy sức mạnh tổng hợp.

Chiều 17/3, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma túy, mại dâm (UBQGPCAMTMD) đã tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác năm 2016. Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch UBQGPCAMTMD chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa trong việc xóa bỏ các tụ điểm về ma túy, chuyển đổi mạnh các mô hình cai nghiện, điều trị; các hoạt động phòng, chống ma túy, mại dâm, AIDS cần dựa vào cộng đồng để phát huy sức mạnh tổng hợp.
 
Thực hiện xét nghiệm CD4 để phục vụ điều trị ARV tại Lâm Đồng
Thực hiện xét nghiệm CD4 để phục vụ điều trị ARV tại Lâm Đồng

Vì một ASEAN không ma túy  
 
Theo Bộ Công an đánh giá 5 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia phòng chống ma túy: Chưa đạt mục tiêu “giảm trên 5% người nghiện ma túy; giảm 10% số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy”. Hiện số người nghiện có hồ sơ quản lý là 200.134 người và có 3.094/11.162 (chiếm 27,6%) xã, phường, thị trấn không có tệ nạn ma túy. Cơ bản đạt mục tiêu “hàng năm số vụ phạm tội về ma túy được phát hiện, bắt giữ của cả nước tăng trên 10% so với năm trước”. Trong 5 năm qua, cả nước đã phát hiện, bắt giữ 91.119 vụ/135.160 đối tượng phạm tội về ma túy; Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý và đưa ra xét xử 66.269 vụ/85.269 bị cáo phạm tội về ma túy. Chưa đạt mục tiêu “triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy”, bởi từ năm 2011 - 2015, cả nước đã triệt xóa 3.224 điểm, tụ điểm phức tạp về ma túy; còn 155 tụ điểm và 2.286 điểm phức tạp về ma túy. Đạt mục tiêu “triệt phá 100% diện tích trồng, tái trồng cây có chứa chất ma túy”, giai đoạn 2011 - 2015, cả nước phát hiện, triệt xóa 118ha cây thuốc phiện và cây cần sa. Chưa đạt mục tiêu “100% người nghiện có hồ sơ quản lý được cai nghiện ma túy dưới mọi hình thức”. 
 
Sau 15 năm thực hiện Kế hoạch hành động “Vì một ASEAN không ma túy”, đến nay, các nước ASEAN đều có chung nhận định: mặc dù Chính phủ các nước đã nỗ lực nhằm loại bỏ tệ nạn ma túy song tình hình sản xuất, mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy và lợi dụng sử dụng hợp pháp các chất ma túy, chất gây nghiện trong khu vực hiện vẫn đang rất phức tạp, vì vậy trong thời gian tới cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch hoạt động ASEAN. 
 
Xây dựng Luật phòng chống mại dâm
 
Theo Bộ Lao động - TBXH, tình hình tệ nạn mại dâm hiện nay vẫn diễn biến phức tạp, tội phạm liên quan đến mại dâm có chiều hướng gia tăng, khó kiểm soát. Thống kê số người bán dâm có hồ sơ quản lý là 11.240 người, tuy nhiên, con số thực tế có thể còn cao hơn do đây là hoạt động rất khó kiểm soát bởi tính phức tạp, tinh vi và trá hình. Đáng lo ngại hơn là xuất hiện đối tượng và hình thức hoạt động mại dâm mới như: gái gọi, du lịch tình dục, người nước ngoài bán dâm, mại dâm nam, mại dâm đồng tính, người chuyển giới bán dâm, môi giới mại dâm thông qua mạng internet, facebook… Tình trạng người mại dâm sử dụng ma túy có xu hướng gia tăng; đối tượng mua dâm thuộc nhiều lứa tuổi, thành phần khác nhau, trong đó, đối tượng không có nghề nghiệp ổn định, làm ăn tự do: 75,7%, doanh nghiệp: 20%, cán bộ, công nhân viên chức: 3%;  chiếm 80% đối tượng chủ chứa, môi giới có độ tuổi từ 18 đến 25 tuổi; trên 40% chủ chứa là phụ nữ. 
 
Các cơ quan chức năng của địa phương đã phát hiện, bắt giữ 1.022 vụ với 4.514 đối tượng; trong đó, người bán dâm là 2.207 người; mua dâm 1.473 người; chủ chứa, môi giới 831 người. Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm với 874 vụ với 1.148 bị cáo phạm các tội về mại dâm để xét xử; đã giải quyết, xét xử 850 vụ với 1.117 bị cáo. Đến nay, đã có 22.297 lượt người bán dâm được hỗ trợ về y tế, chăm sóc sức khỏe, cung cấp các dịch vụ về phòng, chống lây nhiễm HIV, trợ giúp pháp lý, giáo dục, dạy nghề, tạo việc làm, vay vốn sản xuất kinh doanh. Xây dựng, duy trì 317 mô hình phòng ngừa mại dâm, hỗ trợ dựa vào cộng đồng tại 50 tỉnh, thành phố trên toàn quốc, số người được hưởng lợi từ mô hình 1.984 lượt người bán dâm, 9.719 lượt người có nguy cơ cao. 
 
Năm 2016, Bộ Lao động - TBXH sẽ nghiên cứu, xây dựng trình Chính phủ, Quốc hội xem xét đưa vào chương trình xây dựng Luật phòng, chống mại dâm (dự kiến trình Quốc hội năm 2018). 
 
5 năm liền giảm số người nhiễm HIV
 
Tính đến cuối năm 2015, toàn quốc có 227.154 người nhiễm HIV đang còn sống, 85.194 người nhiễm HIV đang giai đoạn AIDS và đã có trên 86.716 người nhiễm HIV đã tử vong. Mỗi năm có khoảng 12.000 - 14.000 trường hợp mới nhiễm HIV. Trong 5 năm qua, tiếp tục ghi nhận số người nhiễm HIV/AIDS và tử vong hằng năm giảm. Các yếu tố nguy cơ lây truyền HIV ở Việt Nam giai đoạn hiện nay vẫn là lây truyền HIV trong nhóm nghiện chích ma túy và từ nhóm nghiện chích ma túy nhiễm HIV sang vợ, bạn tình của họ. Ngoài ta, có yếu tố nguy cơ mới làm lây truyền HIV trong sử dụng ma túy tổng hợp ở giới trẻ và phụ nữ bán dâm, dẫn đến tăng nguy cơ quan hệ tình dục tập thể không được bảo vệ; mại dâm nam, gồm nam bán dâm cho nam đồng tính, người chuyển giới nữ.
 
Chương trình điều trị Methadone được triển khai tại 57 tỉnh, 239 cơ sở điều trị Methadone, 43.720 người được điều trị Methadone. Toàn quốc hiện có 1.345 cơ sở y tế cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV, có 100 phòng được phép khẳng định HIV dương tính tại 61 tỉnh, thành phố và 1.250 phòng xét nghiệm sàng lọc HIV ở tất cả 100% số huyện trên toàn quốc. Điều trị ARV được triển khai tất cả 63 tỉnh/ thành phố, với 349 cơ sở điều trị, 562 trạm y tế triển khai cấp phát thuốc ARV, triển khai điều trị trong trại giam, cho đến cuối năm 2015 đã điều trị cho 106.423 bệnh nhân, tăng 14.000 bệnh nhân so với năm 2014. Trong năm 2015, điều trị đạt mốc 100.000 bệnh nhân, tăng số người điều trị ARV đạt 42% so với số ước tính nhiễm HIV trong cộng đồng. Dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con năm 2015, số phụ nữ mang thai được xét nghiệm trên 1.129.000 người và phát hiện nhiễm HIV cho gần 1.239 phụ nữ mang thai nhiễm HIV, điều trị dự phòng HIV từ mẹ sang con cho khoảng 1.691 phụ nữ mang thai nhiễm HIV. Tổng số trẻ đẻ sống từ mẹ nhiễm HIV trên 1.700 trẻ được tiếp tục điều trị dự phòng ARV. 
 
Mục tiêu cụ thể năm 2016, xét nghiệm phát hiện mới khoảng 10.000 người nhiễm HIV; tiếp tục mở rộng điều trị Methadone; điều trị ARV cho 131.000 người nhiễm HIV; có 25% bệnh nhân điều trị ARV sử dụng được thẻ bảo hiểm y tế trong khám, xét nghiệm và điều trị ARV.
 
AN NHIÊN