Bà Lê Thị Thêu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho biết, ngay từ thời gian đầu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược, qua đó chỉ đạo tất cả các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc các mục tiêu đã đề ra.
Bà Lê Thị Thêu, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh, cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới cho biết, ngay từ thời gian đầu, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch thực hiện Chiến lược, qua đó chỉ đạo tất cả các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc các mục tiêu đã đề ra. Quan điểm chung của quốc gia và của Lâm Đồng có sự đồng nhất, đó là tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao ý thức cho từng cá nhân, qua đó ý thức chung của toàn xã hội được nâng cao. Đặc biệt, với phụ nữ, việc đào tạo, giáo dục, nâng cao vị thế của cán bộ nữ trong hệ thống chính trị cũng góp phần rất lớn giúp phụ nữ vươn lên trong xã hội. Tính đến năm 2016, tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy chiếm 13,5%, đại biểu hội đồng nhân dân các cấp chiếm 29,4% và nữ là đại biểu Quốc hội chiếm 42,9%. Đây là minh chứng cho việc phụ nữ có thể tham gia mọi hoạt động chính trị, quản lý, lãnh đạo, đồng thời tạo tiền đề phát huy vai trò phụ nữ trong cộng đồng.
|
Phụ nữ là lực lượng lao động quan trọng trong xã hội |
Với phụ nữ, hai lĩnh vực ảnh hưởng quan trọng trực tiếp tới đời sống hiện tại và tương lai là y tế và giáo dục. Y tế, nhất là lĩnh vực chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe bà mẹ và trẻ em gái là cơ sở để phụ nữ có một tương lai khỏe mạnh. Lâm Đồng là một trong những địa phương thực hiện rất tốt hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản với tỷ lệ phụ nữ mang thai được quản lý thai đạt trên 96%, tỷ lệ bà mẹ và trẻ em được chăm sóc sau sinh là 80,9%. Các tỷ lệ như phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, tỷ lệ giới tính giữa trẻ sơ sinh trai/gái đều đạt mức tốt hơn tỷ lệ chung của toàn quốc. Riêng ngành giáo dục, với gần 80% lao động là nữ càng chiếm một vị trí quan trọng bởi đây chính là cái nôi, giúp thay đổi tư duy của trẻ em trai và gái về bình đẳng giới ngay dưới mái trường. Lồng ghép trong mọi hoạt động của ngành giáo dục, tỷ lệ trẻ tới trường ngày càng được tăng cao với hệ thống trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở đến với mọi địa bàn xã, phường, vùng sâu, vùng xa. Giáo dục giúp trẻ em gái có cơ hội phát triển, thay đổi cuộc sống của bản thân và gia đình hiện tại và trong tương lai.
Tại Lâm Đồng cũng như hầu hết các địa phương khác, tỷ lệ lao động nữ khá cao và chị em cần hỗ trợ về vốn, đào tạo việc làm để tăng thu nhập. Ngay với địa phương như Đam Rông, huyện khó khăn của tỉnh, lao động nữ chiếm tới 50%, chủ yếu là lao động nông nghiệp. Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông Liêng Hót Ha Hai chia sẻ: “Hàng năm, huyện đều nỗ lực chủ động trong hoạt động đào tạo nghề và khai thác các nguồn vốn để phụ nữ tham gia lao động, nâng cao thu nhập. Hiện nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo của Đam Rông là 35%, trong đó, trên 30% là lao động nữ, có trên 5 ngàn hộ phụ nữ được vay vốn phát triển kinh tế, trong đó, 70% là hộ phụ nữ dân tộc ít người thuộc diện nghèo”. Trên phạm vi toàn tỉnh, trên 32 ngàn phụ nữ đã được học các nghề tùy thuộc nhu cầu cá nhân, trong đó có nghề nông nghiệp.
Bạo lực gia đình là vấn đề quan trọng của bình đẳng giới, bạo lực gia đình gây tổn thương thể chất và tinh thần phụ nữ và trẻ em, đặc biệt trẻ em gái là đối tượng tổn thương rất lớn khi có bạo lực gia đình xảy ra. Từ năm 2011 tới nay, có trên 2.800 vụ bạo lực gia đình được báo cáo. Trong số đó, người gây bạo lực và nạn nhân đã được tư vấn chiếm xấp xỉ 65%. Tuy nhiên, theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Lâm Đồng, bạo lực gia đình vẫn tồn tại, đặc biệt ở vùng sâu vùng xa, nơi điều kiện kinh tế còn khó khăn và ít có điều kiện văn hóa văn nghệ, giải trí lành mạnh. Để xóa bỏ bạo lực gia đình, ngoài việc hỗ trợ phụ nữ tự chủ kinh tế, đóng góp vào gia đình; còn cần mở rộng các hoạt động giải trí lành mạnh, giúp gia đình có thêm niềm vui, gắn kết tình cảm cha mẹ, con cái.
Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới vẫn đang tiếp tục được thực hiện. Và trong tương lai, vấn đề quan trọng nhất vẫn là nâng cao ý thức cho cả cộng đồng về vai trò và quyền lợi của người phụ nữ, để phụ nữ có điều kiện phát huy tinh thần, trí lực, đóng góp cho sự thịnh vượng của gia đình và toàn xã hội.
D.QUỲNH