Tăng cường bảo đảm an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm

06:03, 30/03/2016

Đó là nội dung chỉ đạo của ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 và kế hoạch hoạt động năm 2016 vừa diễn ra. Tham dự hội nghị là các thành viên BCĐ liên ngành VSATTP tuyến tỉnh và tuyến huyện, thành phố. 

Đó là nội dung chỉ đạo của ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tại hội nghị trực tuyến tổng kết công tác đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm năm 2015 và kế hoạch hoạt động năm 2016 vừa diễn ra. Tham dự hội nghị là các thành viên BCĐ liên ngành VSATTP tuyến tỉnh và tuyến huyện, thành phố. 
 
Theo báo cáo năm 2015, toàn tỉnh đã thành lập 357 đoàn thanh tra, kiểm tra gồm: 14 đoàn tuyến tỉnh; 38 đoàn tuyến huyện, thành phố; 305 đoàn kiểm tra tuyến xã, phường, thị trấn. Kết quả đã thanh, kiểm tra 12.498 cơ sở trên tổng số 17.950 cơ sở thực phẩm, có 9.719 cơ sở đạt (chiếm 77,76%). Cơ quan chức năng đã phát hiện 2.779 cơ sở vi phạm, xử lý vi phạm 216 cơ sở với hình thức: cảnh cáo 21 cơ sở, phạt tiền 151 cơ sở với số tiền phạt 294.550.000 đồng. Toàn tỉnh ghi nhận 2 vụ ngộ độc thực phẩm với 41 người mắc do ăn bánh mì. 
 
Mục tiêu năm 2016 là nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm từ tuyến tỉnh đến tuyến xã đủ năng lực quản lý và kiểm soát an toàn thực phẩm. 
 
Ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu chỉ đạo: Sở Y tế - Thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh tăng cường tổ chức thực hiện Chỉ thị số 34/CT-TTg ngày 11/12/2014 trên địa bàn tỉnh. Trong đó, tập trung thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả phối hợp liên ngành trong đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm; tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm ăn ngay, cung cấp suất ăn sẵn, bếp ăn tập thể, thức ăn đường phố, các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, kem, bia, rượu, nước đá và nước sinh hoạt; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm và thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá kết quả thực hiện Quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung, cơ sở giết mổ, chế biến, bảo quản sản phẩm chăn nuôi tỉnh Lâm Đồng đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020 theo Quyết định số 1406/QĐ-UBND ngày 19/6/2009 và khẩn trương tổ chức thực hiện Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn theo Quyết định số 482/QĐ-UBND ngày 13/3/2013 của UBND tỉnh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất bảo quản nông sản, đảm bảo dư lượng thuốc trong nông, lâm, thủy sản ở giới hạn cho phép.
 
Sở Công thương phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan tổ chức ngăn chặn và xử lý tình trạng lưu hành chất phụ gia thực phẩm, hóa chất bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thực phẩm kém chất lượng, không rõ nguồn gốc... trên địa bàn tỉnh. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Lâm Đồng phối hợp với Sở Y tế đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, giáo dục chuyển đổi hành vi, tập quán lạc hậu, không đảm bảo an toàn thực phẩm… và kiểm soát các hoạt động quảng cáo thực phẩm đúng nội dung được phê duyệt, trung thực, khách quan, tránh gây hoang mang cho cộng đồng. UBND các huyện, thành phố tăng cường trách nhiệm quản lý hoạt động sản xuất, kinh doanh thức ăn đường phố; cơ sở kinh doanh ăn uống nhỏ theo phân cấp, phối hợp với các sở, ngành liên quan trong việc triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
 
DIỆU HIỀN