Nhân Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) năm 2016 trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn ông Đỗ Quý Uy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng về các giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động của tỉnh trong thời gian đến.
Nhân Tuần lễ Quốc gia về An toàn vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ (ATVSLĐ - PCCN) năm 2016 trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Lâm Đồng đã phỏng vấn ông Đỗ Quý Uy, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng về các giải pháp giảm thiểu tai nạn lao động của tỉnh trong thời gian đến.
PV: Ông có thể đánh giá những nét chính trong công tác ATVSLĐ- PCCN của tỉnh trong năm vừa qua?
Ông Đỗ Quý Uy: Chủ đề của Tuần lễ Quốc gia về ATVSLĐ - PCCC năm 2015 vừa qua là “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”, Lâm Đồng đã tổ chức tốt hoạt động này vì đây là một sự kiện quan trọng hằng năm do Thủ tướng Chính phủ phát động trên phạm vi cả nước.
Tỉnh Lâm Đồng trong dịp này đã tập trung chỉ đạo các ngành, các địa phương, các doanh nghiệp trong tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức triển khai các hoạt động tuyên truyền hướng về các cơ sở sản xuất nhằm nâng cao nhận thức, tầm quan trọng của công tác ATVSLĐ - PCCN trong sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, trong năm qua, địa phương cũng tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất, đặc biệt là những doanh nghiệp sản xuất có khả năng xảy ra mất an toàn lao động như xây dựng, xăng dầu, khai thác khoáng sản, kinh doanh gas… Qua kiểm tra, đoàn liên ngành đã hướng dẫn doanh nghiệp phát huy những mặt đã làm được, chấn chỉnh các mặt còn thiếu sót trong công tác ATVSLĐ - PCCN. Thực tế, các doanh nghiệp đôi khi cũng lơ là, không tăng cường đủ kinh phí để đảm bảo an toàn cho người lao động. Mục tiêu chung của thanh, kiểm tra là giúp doanh nghiệp cải thiện điều kiện lao động, ngăn ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đối với người lao động, bảo vệ tài sản cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp phát triển ổn định và bền vững.
Nhờ thực hiện tốt công tác tuyên truyền; thanh, kiểm tra chặt chẽ; thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn cho các doanh nghiệp; công tác phòng chống tai nạn lao động, phòng chống cháy nổ của tỉnh thực hiện khá tốt nên số vụ tai nạn lao động của tỉnh năm qua đã giảm nhiều so với năm trước đó. Tuy nhiên, vẫn còn xảy ra 17 vụ tai nạn lao động, làm 8 người chết, 9 người bị thương, thiệt hại về vật chất gần 9 tỷ đồng. Trong phòng chống cháy nổ, các vụ cháy có tăng lên, tổng cộng có 55 vụ xảy ra trên địa bàn tỉnh, không có người chết nhưng có 3 người bị thương, tổng thiệt hại khoảng 4 tỷ đồng.
PV: Trong năm nay, Lâm Đồng thực hiện những biện pháp gì trong công tác ATVSLĐ - PCCN và làm thế nào để giảm thiểu tai nạn lao động cùng những thiệt hại về con người lẫn cơ sở vật chất, thưa ông?
Ông Đỗ Quý Uy: Chủ đề của Tuần lễ Quốc gia ATVSLĐ - PCCN lần thứ 18 - 2016 năm nay là “ Doanh nghiệp và người lao động tích cực chủ động thực hiện các quyền và trách nhiệm của mình theo Luật An toàn, vệ sinh lao động”. Là đơn vị chức năng, chúng tôi tích cực tham mưu tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi doanh nghiệp và tất cả người lao động tích cực chủ động thực hiện quyền và trách nhiệm của mình. Chú ý tuyên truyền tới các huyện, xã phường, các cụm công nghiệp, các doanh nghiệp vừa và nhỏ; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền; tăng cường các hoạt động hướng dẫn, tư vấn về pháp luật ATVSLĐ-PCCN; nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, phòng chống cháy nổ.
Cũng cần biết rằng, từ ngày 1 tháng 7 năm nay, Luật về An toàn, vệ sinh lao động sẽ có hiệu lực thi hành. Chính vì vậy, trong công tác ATVSLĐ - PCCN, tỉnh và ngành sẽ tăng cường tuyên truyền tập huấn về bộ luật này cùng các thông tư, văn bản hướng dẫn của trung ương đến các doanh nghiệp và người lao động trong tỉnh; không chỉ cho lãnh đạo doanh nghiệp mà cho mọi người lao động cùng biết để áp dụng, bảo vệ quyền lợi của mình.
Địa phương cũng nâng cao vai trò, hiệu lực quản lý nhà nước; tăng cường tập huấn, thanh tra, kiểm tra, đặc biệt ở những doanh nghiệp có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp như các công trường xây dựng, các đơn vị khai thác, chế biến khoáng sản…; cũng như các doanh nghiệp thường có vấn đề về vệ sinh môi trường lao động như chế biến nông sản, chế biến lâm sản, những doanh nghiệp sử dụng hóa chất…
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh cũng cần tăng cường bảo hộ lao động, thực hiện đúng quy định về thời gian làm việc, thời gian nghỉ ngơi của người lao động, bồi dưỡng hiện vật trong các ca làm việc để phòng ngừa tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại nơi làm việc; chú trọng đẩy mạnh công tác tự kiểm tra, tổ chức huấn luyện, cải thiện điều kiện làm việc tại doanh nghiệp; tổ chức ký cam kết thi đua thực hiện tốt công tác ATVSLĐ-PCCN tới các phân xưởng, tổ - đội; tổ chức thăm, động viên gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động.
PV: Công đoàn cơ sở trong các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất hiện nay khá chú trọng bảo vệ quyền lợi người lao động. Ông đánh giá thế nào về vai trò của Công đoàn cơ sở trong công tác ATVSLĐ - PCCN?
Ông Đỗ Quý Uy: Vâng, Công đoàn cơ sở có vai trò rất quan trọng trong bảo vệ quyền lợi người lao động lẫn trong công tác ATVSLĐ - PCCN ngay tại doanh nghiệp, cơ sở sản xuất. Cần nâng cao vai trò hoạt động của Công đoàn cơ sở ở các doanh nghiệp, phát huy quyền làm chủ của các cấp Ccông đoàn cơ sở, lắng nghe tiếng nói của người lao động để mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo doanh nghiệp cải thiện điều kiện làm việc của người lao động ngày càng tốt hơn, bảo vệ tính mạng cho người lao động, thực hiện đúng luật định.
Và tôi nghĩ, bên cạnh công đoàn cũng cần phát huy vai trò của các đoàn thể tại doanh nghiệp như Đoàn Thanh niên chẳng hạn, cùng vai trò của Đảng ủy trong doanh nghiệp trong thực hiện công tác ATVSLĐ - PCCN, hướng đến một môi trường lao động thân thiện, an toàn.
PV: Xin cảm ơn ông.
VIẾT TRỌNG (thực hiện)