Trường Chính trị Lâm Đồng nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng

09:03, 15/03/2016

Trong 3 năm qua (2013 - 2015), hàng năm, Trường  Chính trị Lâm Đồng có hơn 85% cán bộ, viên chức, người lao động (CB,VC, NLĐ) đạt Lao động tiên tiến, 15-20% đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, 4 đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh...

Trong 3 năm qua (2013 - 2015), hàng năm, Trường  Chính trị Lâm Đồng có hơn 85% cán bộ, viên chức, người lao động (CB,VC, NLĐ) đạt Lao động tiên tiến, 15-20% đạt Chiến sĩ thi đua cơ sở, 4 đạt Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh. Năm 2013, trường vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất và mới đây là 1 trong 15/72 trường chính trị trong toàn quốc được Học viện Chính trị quốc gia (CTQG) Hồ Chí Minh tặng Bằng khen tại Đại hội Thi đua yêu nước của Học viện giai đoạn 2010 - 2015. Để đạt những thành quả ấy, một trong những nhiệm vụ nổi bật của Trường Chính trị Lâm Đồng là đã chú trọng nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng các loại hình đào tạo.
 
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý tại Trường Chính trị tỉnh. Ảnh: Tuấn Hương
Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên lớp bồi dưỡng dự nguồn cán bộ lãnh đạo quản lý tại Trường Chính trị tỉnh.
Ảnh: Tuấn Hương
Hiện nay, Trường Chính trị Lâm Đồng có 63 CB, VC, NLĐ; trong đó, đội ngũ giảng viên (giảng viên, giảng viên tập sự, giảng viên kiêm chức) 31 người. Về trình độ học vấn có 19 thạc sĩ (chiếm 61,3%), 12 đại học (chiếm 38,7%) và đang có 8 giảng viên theo học tiến sĩ, thạc sĩ, cao cấp lý luận chính trị (LLCT); về trình độ LLCT cao cấp có 24 người. Thực hiện Quyết định 1354-QĐ/TU ngày 26/4/2014 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc sáp nhập Trung tâm Đào tạo - Bồi dưỡng tại chức vào Trường Chính trị nên so với trước đây, đội ngũ giảng viên tăng cả về số lượng và chất lượng, nhiều đồng chí có 2 bằng đại học  trở lên.
 
Trên cơ sở nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng CC, VC của các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, từng năm , Trường Chính trị Lâm Đồng phối hợp chặt chẽ với Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ để thống nhất số lượng lớp học, loại hình đào tạo, bồi dưỡng; đối tượng người học, nhu cầu… để xây dựng kế hoạch đào tạo trình Tỉnh ủy, UBND tỉnh phê duyệt. Từ năm 2013 - 2015, trường tổ chức 160 lớp đào tạo, bồi dưỡng với 11.923 học viên theo học các lớp cao cấp, đại học, trung cấp LLCT - Hành chính (HC); các lớp bồi dưỡng và 23 lớp xã hội hóa với 972 học viên (8 lớp sau đại học gồm 256 học viên, 15 lớp đại học gồm 716 học viên). Nhà trường triển khai kế hoạch mở lớp và quản lý học viên theo đúng Quy chế đào tạo của Học viện CTQG Hồ Chí Minh, quy định của Bộ Giáo dục - Đào tạo và nội quy, quy chế của nhà trường. Đối với các lớp liên kết, trường phối hợp chặt chẽ với các đơn vị mở lớp để tổ chức thực hiện theo đúng nội dung chương trình, lịch giảng dạy, học tập; đảm bảo thời gian học tập, sĩ số lên lớp nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Với các lớp do nhà trường trực tiếp giảng dạy, quy trình thực hiện đảm bảo theo đúng quy định từ khâu xây dựng kế hoạch, chiêu sinh, tuyển sinh, thông báo nhập học, khai giảng. Công tác quản lý học tập, rèn luyện của học viên thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Đối với các lớp Trung cấp LLCT- HC hệ chính quy, định kỳ 2 tháng, trường thông báo tình hình học tập, rèn luyện của học viên đến cơ quan cử đi học. Việc thẩm định lịch giảng dạy, theo dõi quá trình giảng dạy và tình hình học tập; thẩm định điều kiện kiểm tra, thi và tổ chức các kỳ kiểm tra, thi đúng quy chế. Trong tổ chức, quản lý đào tạo được điều chỉnh một số khâu, một số nội dung phù hợp với người học. Nhà trường bố trí các giảng viên có trình độ, kinh nghiệm và đủ tiêu chuẩn tham gia giảng dạy các chương trình đào tạo, bồi dưỡng. Số giảng viên mới, bài giảng được Hội đồng Khoa học thẩm định trước khi phân giảng.
 
Các giảng viên đã tuân thủ nội dung Chương trình Trung cấp LLCT-HC của Học viện CTQG Hồ Chí Minh; chương trình bồi dưỡng công chức của Bộ Nội vụ. Trong giảng dạy kết hợp giữa kiến thức lý luận và thực tiễn; đồng thời chú ý cập nhật những thông tin mới từ Văn kiện Đại hội Đảng, các Văn kiện Hội nghị BCHTW và các văn bản quy phạm pháp luật. Về phương pháp giảng dạy, giảng viên áp dụng kết hợp giữa phương pháp thuyết trình và các phương pháp giảng dạy tích cực.Nhà trường triển khai thực hiện lấy phiếu tín nhiệm đánh giá chất lượng giảng dạy từ người học. Qua 8 giảng viên được lấy phiếu có 61,4% rất hài lòng, 28,4% khá hài lòng, 8,6% hài lòng và không hài lòng 1,6%, rất không hài lòng 0%. Công tác xây dựng bộ đề thi, kiểm tra đối với các phần học, môn học và việc coi thi, kiểm tra, chấm bài thi được đánh giá thực hiện nghiêm túc.
 
 Cùng với nâng cao chất lượng công tác đào tạo và bồi dưỡng, Trường Chính trị Lâm Đồng còn chú trọng đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và biên soạn nhiều tài liệu, đề cương bài giảng cho các lớp bồi dưỡng. Cụ thể: Năm 2013, biên soạn tài liệu giảng dạy lớp đào tạo Trí thức trẻ là người DTTS gốc Tây Nguyên về làm Phó Chủ tịch xã theo Đề án 50; đề cương giảng dạy lớp Bồi dưỡng  ngạchchuyên viên; tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ Chủ tịch UBND xã (Đề án 1956); đề cương tài liệu tập huấn giảng viên Trung tâm Chính trị cấp huyện, thành phố. Năm 2014, biên tập và bổ sung tài liệu lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Hội Nông dân và Phó Chủ tịch UBND xã. Năm 2015 và 2016, biên tập tài liệu các lớp bồi dưỡng ngắn ngày theo kế hoạch, đào tạo bồi dưỡng trong năm của các sở, ban, ngành và đoàn thể… Đồng thời, trường cũng tổ chức được 9 cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học cấp tỉnh và cấp trường…
 
Nhằm xây dựng và phát triển nhà trường trong thời gian tới với mục tiêu nâng cao chất lượng đào tạo, theo Ban lãnh đạo nhà trường, trước hết, Trường Chính trị sẽ chú trọng làm tốt công tác chính trị tư tưởng, động viên đội ngũ CB,VC, NLĐ phát huy tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức kỷ luật, tính tự giác, sự đoàn kết, nhất trí để thực hiện tốt nhiệm vụ, trách nhiệm được giao; từng bước nâng cao chất lượng công tác tham mưu, phối hợp; nâng cao chất lượng chuyên môn trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Bên cạnh đó, hàng năm đẩy mạnh công tác đào tạo, chọn giảng viên đủ điều kiện cử đi đào tạo tiến sĩ, thạc sĩ, các chương trình bồi dưỡng nhằm nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận cũng như tham dự các lớp tập huấn ngắn hạn, dài hạn do Học viện CTQG Hồ Chí Minh hay Bộ Nội vụ tổ chức.
 
ĐAN THANH