Về với nhà bán trú dân nuôi

09:03, 29/03/2016

Hai năm trở lại đây, từ ngày có ngôi nhà bán trú dân nuôi, cuộc sống và học tập của các em học sinh người Mông ở tiểu khu 181 và Tây Sơn, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông dường như đổi khác. Những khó khăn, trở ngại đã được cải thiện hơn trước rất nhiều.

Hai năm trở lại đây, từ ngày có ngôi nhà bán trú dân nuôi, cuộc sống và học tập của các em học sinh người Mông ở tiểu khu 181 và Tây Sơn, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông dường như đổi khác. Những khó khăn, trở ngại đã được cải thiện hơn trước rất nhiều.
 
Các em cùng nhau học bài sau giờ học. Ảnh: Phan Nhân
Các em cùng nhau học bài sau giờ học. Ảnh: Phan Nhân
Niềm vui mới
 
Chúng tôi đến khu nội trú điểm trường Đạ M’Răng, của Trường Tiểu học Liêng Srônh vào lúc các em đang nghỉ ngơi sau buổi học ở trường. Mỗi em mỗi việc, có những em chơi cùng trò chơi nhảy dây,  em đang  tranh thủ giặt áo quần, em chăm chú học bài. Trong môi trường tập thể, các em sống tự lập, tự quản, dần dần hình thành quan hệ bạn bè, nền nếp học tập. Chỗ nội trú nằm cách trường học chừng 50m. Trong đó, có 1 khu được xây, 1 khu làm bằng gỗ, tổng cộng 5 phòng, mỗi phòng 7m2 có khoảng 20 - 30 em học sinh ở.
 
“Vì phần lớn gia đình các em mới di cư tự do vào vùng đất này, hầu hết đều nghèo khó, chạy ăn từng bữa, các em được đến trường học tập đã là “quá sức” rồi nói chi lo nơi ăn chốn ở. Nhà bán trú góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy học, tạo thói quen tự học cho học sinh. Giáo viên trong trường có điều kiện phụ đạo, giúp các em ôn bài, nhắc nhở, theo dõi quá trình học tập”. 
(Hiệu trưởng Trường tiểu học Liêng Srônh)

Cha mẹ bận việc  nương  rẫy nên các em phải tự lo cho mình mọi thứ, từ việc ăn ngủ, giặc giũ, học hành. Em Ma Seo Phành (lớp 5B2) cười tươi khoe với chúng tôi: “Nhờ có nhà bán trú dân nuôi, mà chúng em không còn phải nhờ bố mẹ chở đi học hằng ngày, chúng em chỉ việc về phòng cất sách vở rồi đến nhà bếp là có sẵn những bát cơm nóng hổi để ăn. Sau bữa ăn lại được nghỉ ngơi thoải mái nên chúng em có nhiều thời gian hơn dành cho việc học. Năm học vừa qua, em được học sinh tiên tiến, bố mẹ em mừng lắm”. Còn em Dương Thị Tiên (lớp 2B2) tâm sự: “Từ ngày có nhà ăn bán trú, chúng em được ăn no và đầy đủ chất. Sau khi ăn xong, mọi người cùng phụ giúp cô dọn bàn, rửa bát, giúp nhau học tập”. Ma Thị Yến (lớp 1B1), phấn khởi nói: “Ở đây thích hơn, được học, được ăn và chơi cùng các bạn. Chứ trước kia ở nhà chỉ biết thui thủi một mình vì ba mẹ đi rẫy. Ở đây có bạn vui lắm, cuối tuần bố mẹ lại đón về nhà”.

Cô Đào Thị Nga, cấp dưỡng của nhà bán trú dân nuôi không khỏi xúc động: “Các em ngoan lắm,  bằng tuổi con mình mà đã xa bố mẹ nên sống rất tự lập, không bao giờ mè nheo hay đòi hỏi gì. Mỗi bữa ăn, các em tự đem chén, đũa để ăn; ăn xong, mỗi em tự mang khay đĩa ra xếp vào chậu, không để các cô cấp dưỡng phải dọn dẹp từng bàn. Minh thương và xem các em như con của mình vậy”.
 
Nâng cao chất lượng dạy và học
 
Thầy Quách Văn Hưng, tổng phụ trách đội Trường Tiểu học Liêng Srônh chia sẻ: “Ngày trước học sinh đi học không đều, nhưng từ ngày có nhà bán trú, học sinh đến lớp đông đủ, giảm tình trạng đi học theo kiểu “giã gạo”, hoặc bỏ học giữa chừng. Tỷ lệ học sinh khá của điểm trường Đạ M’Răng tăng lên, học sinh yếu kém giảm hẳn. Đây không chỉ  là niềm vui của các em, của phụ huynh mà còn là niềm vui của những thầy cô giáo vùng sâu, vùng xa này”.
 
Theo thầy Tô Hiền Tiến - Hiệu trưởng Trường tiểu học Liêng Srônh, nhà bán trú dân nuôi điểm trường Đạ M’Răng tạo điều kiện cho 102 học sinh người Mông ở xa trường có điều kiện ăn, nghỉ ổn định, tạo thuận lợi để các em học hành. Vì phần lớn gia đình các em mới di cư tự do vào vùng đất này, hầu hết đều nghèo khó, chạy ăn từng bữa, các em được đến trường học tập đã là “quá sức” rồi nói chi lo nơi ăn chốn ở. Nhà bán trú góp phần đáng kể trong việc nâng cao chất lượng dạy học, tạo thói quen tự học cho học sinh. Giáo viên trong trường có điều kiện phụ đạo, giúp các em ôn bài, nhắc nhở, theo dõi quá trình học tập. Khi học sinh ở nhà bán trú, các em được hưởng chế độ 460.000 đồng và 15kg gạo mỗi tháng theo quy định của Nhà nước. Từ đây, giúp các bậc phụ huynh giảm gánh nặng về kinh tế, thời gian trong việc nuôi dạy con em, tập trung chăm lo làm việc, lao động sản xuất, tạo điều kiện thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Đây cũng là một trong những tiêu chí xây dựng trường chuẩn quốc gia để cán đích thực hiện mục tiêu xây dựng nông thôn mới.
 
Ông Liêng Hót Ha Lin, Phó Chủ tịch UBND xã Liêng Srônh cho biết: “Xã có khá đông dân di cư tự do đến sinh sống, hầu hết là bà con người Mông có đời sống khó khăn, chưa được cấp đất, làm hộ khẩu. Nơi họ sinh sống cách trung tâm xã cả hơn 20km đường rừng, đi bộ mất nửa ngày, con em các dân tộc đến trường không thể đi - về trong ngày. Hiện nay, nhà bán trú còn khá khiêm tốn, chính vì vậy, rất cần sự chung tay góp sức của nhiều cấp, ngành, đơn vị, cá nhân để nhân rộng mô hình này, góp phần nuôi dưỡng ước mơ tri thức cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số còn đang gặp nhiều khó khăn”.
 
HOÀNG YÊN