Buôn làng Păng Tiêng, xã Lát, Lạc Dương nằm lọt thỏm giữa thung lũng, được chở che bởi bạt ngàn thông, trập trùng đồi dốc, non nước hữu tình. Đường vào nhà Rơ Ông K'Thiên - trưởng thôn phải băng qua chiếc cầu bắc ngang con suối Chong Keng chảy dọc buôn quanh năm ăm ắp nước.
Buôn làng Păng Tiêng, xã Lát, Lạc Dương nằm lọt thỏm giữa thung lũng, được chở che bởi bạt ngàn thông, trập trùng đồi dốc, non nước hữu tình. Đường vào nhà Rơ Ông K’Thiên - trưởng thôn phải băng qua chiếc cầu bắc ngang con suối Chong Keng chảy dọc buôn quanh năm ăm ắp nước.
|
Buôn làng Păng Tiêng bình yên |
Cách thành phố Đà Lạt 20km, cả một không gian yên tĩnh là nơi cư trú của 236 hộ gia đình với 980 khẩu, đa số là đồng bào K’Ho, sinh sống bằng nông nghiệp, cấy trồng trên 454ha đất canh tác; trong đó 296ha cà phê, 44,3ha lúa, 8,2ha bắp, còn lại là trồng rau thương phẩm và hoa màu; chăn nuôi 170 con bò, 95 con trâu, hàng ngàn gia cầm và heo đen. Giữa màu xanh của mênh mông rừng, bạt ngàn cà phê, K’Thiên không quên thời thơ bé theo cha mẹ cùng buôn làng đi mòn gót hết đồi này núi kia, kiếm vùng đất mới màu mỡ để trồng trỉa, rồi vài năm lại đi, cuộc sống du canh du cư bữa đói bữa no, ốm đau không có thuốc... Năm 1992, buôn làng quần tụ về đây định canh định cư, tựa vào núi đồi, suối, thác làm ăn sinh sống yên bình. Con đường 20 cây số từ buôn ra phố xa vời vợi bởi đá sỏi lổn nhổn, dốc núi quanh co, mỗi lần đi phải mất đến 2 giờ đồng hồ khiến những ngày đầu cuộc sống không ít khó khăn. Năm 2007, buôn làng phát động xây dựng thôn văn hóa, bà con cùng thi đua hăng say lao động, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, cuộc sống dần đổi thay. Năm 2010, Păng Tiêng được công nhận thôn văn hóa và liên tiếp 6 năm liền giữ vững danh hiệu này. Đến cuối năm 2015, cả buôn còn 10 hộ nghèo (theo tiêu chí cũ, chưa có kết quả rà soát hộ nghèo theo tiêu chí điều tra đa chiều), những ngôi nhà xây đã thay dần những ngôi nhà ván gỗ, không có nhà tạm bợ. Buôn làng đã có 1 hộ giàu, 44 hộ khá giả, các hộ còn lại ở mức trung bình.
Với sự quan tâm của Nhà nước, con đường Păng Tiêng chạy từ hồ Đankia - Suối Vàng vào đến tận buôn đã được trải nhựa, những con đường ngang, dọc trong buôn dần được bê tông hóa. Chưa bao giờ người nghèo được quan tâm đến thế, những hộ nghèo được Nhà nước hỗ trợ phân bón cho cây trồng, hỗ trợ con giống vật nuôi (trâu, bò), được vay vốn ưu đãi, con đi học được miễn học phí và các khoản đóng góp, được hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để có nhiều cơ hội vươn lên thoát nghèo; được các quỹ hỗ trợ của cộng đồng giúp đỡ khi gặp đau ốm đột xuất... Ngay đầu làng, ngôi trường tiểu học Păng Tiêng được xây khang trang đón 100% trẻ em trong độ tuổi đến trường, không có học sinh bỏ học. Nhiều em đã vượt những ngọn đồi, những con dốc học trường cấp III, trường dân tộc nội trú, bước vào giảng đường đại học. Kinh - Thượng một nhà, nhiều người Kinh bỏ phố lên rừng, vào buôn mua đất trồng rau, hòa hợp cùng buôn làng như chung sống dưới một mái nhà, truyền cho nhau cách làm ăn hiệu quả, phát triển kinh tế, đùm bọc nhau trong tình bầu bí tương thân.
Vật chất chỉ là một trong những yếu tố làm nên niềm hạnh phúc chứ không phải là thứ duy nhất. Không trộm cắp, không bạo lực gia đình, không tệ nạn xã hội, và ngọn thác Păng Tiêng 7 tầng ngày đêm tựa dải lụa trắng xóa đẹp như chốn thiên thai đã mang đến niềm vui sống cho đồng bào nơi đây. Sinh ra từ núi rừng, gắn bó với núi rừng, hàng năm được xem phim chiếu về rừng, được nghe nói tác hại của phá rừng, đồng bào càng quý màu xanh bao trùm lên nơi mình đang sống.
Đi dọc buôn làng giữa trưa nắng mà trời vẫn xanh trong mát lành, tôi bắt gặp ánh mắt rạng ngời của già làng K’Bnis khi chỉ dẫn cho đám thanh niên trong làng đánh những bài chiêng cổ truyền; tôi lại bắt gặp nụ cười của bà K’Ổi - một nghệ nhân làm rượu cần có tiếng của buôn đang vít cong cần rượu mời du khách thử dùng rượu mình nấu, ủ. Và còn có cả niềm vui của những em bé đeo giỏ quăng lưới bắt cá trên dòng suối Chong Keng thích thú tạo dáng khi thấy tôi đưa máy ảnh chụp hình. Chỉ 40 phút băng qua những bạt ngàn thông, vi vu đồi dốc, Păng Tiêng hiện ra, nồng ấm và có ấn tượng mạnh về tình đất, tình người. Cứ cuối tuần, một vài chiếc xe khách lại băng rừng, đổ dốc xuống thung sâu vào với buôn làng. Sân nhà thờ có gác chuông cách điệu mô phỏng cây thông xanh bập bùng ánh lửa, rộn rã cồng chiêng. Già trẻ, gái trai cùng nắm tay múa xoang đến đêm khuya, để khi về phố du khách không thể nguôi quên.
Năm qua, thôn Păng Tiêng có 85% hộ gia đình đạt danh hiệu gia đình văn hóa, trong đó những gia đình văn hóa tiêu biêu luôn là tấm gương sáng trong thi đua lao động sản xuất, có nhiều đóng góp tích cực trong đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng như gia đình: Kơ Sát, K’Bnis, Kra Jan Lài, Da Gut Tin, Rơ Ông K’Thiên, Chu Hoàng Anh, Nguyễn Văn Minh... Hạnh phúc chỉ thật sự trọn vẹn khi mỗi cá nhân, mỗi gia đình không chỉ biết sống cho riêng mình, mà cùng nhau đoàn kết, hòa hợp với thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống tươi đẹp, cùng nhau xây dựng một cuộc sống yên bình, một cộng đồng đáng sống.
THÁI AN