Bao giờ Hội Người khuyết tật hết đi "ở nhờ"

08:04, 20/04/2016

Được thành lập từ năm 2005, nhưng đến nay Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt vẫn đang "vạn bất đắc dĩ" phải đi ở nhờ nhà riêng của các nhà hảo tâm.

Được UBND tỉnh cho phép thành lập từ năm 2005, nhưng đến nay Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt vẫn đang “vạn bất đắc dĩ” phải đi ở nhờ nhà riêng của các nhà hảo tâm. Hàng trăm hội viên đang rất mong muốn có một “ngôi nhà chung”, cần một không gian để vui chơi, sinh hoạt, học nghề, tự nuôi sống bản thân... với mong muốn lớn nhất, có thể hòa nhập đời sống cộng đồng một cách bình đẳng.
 
Trụ sở làm việc của Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt kiêm Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng, đồng thời là cơ sở in ấn, photocopy vẫn đang phải ở nhờ
Trụ sở làm việc của Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt kiêm Hội Người khuyết tật tỉnh Lâm Đồng,
đồng thời là cơ sở in ấn, photocopy vẫn đang phải ở nhờ

Nói Hội Người khuyết tật TP. Đà Lạt không có “nhà riêng” cũng chưa thật đúng, bởi hiện tại hội có hẳn hai “trụ sở” chính, một ở địa chỉ 2/1 đường Quang Trung (phường 9) và số 4k đường Bùi Thị Xuân (phường 2). Nơi đây, vừa là nơi làm việc, hội họp của ban chấp hành hội vừa là chỗ hội viên người khuyết tật kinh doanh thiết kế, in ấn, photocopy, sửa chữa điện tử. Nhưng điều đáng nói, cả hai ngôi nhà mặt phố thuận lợi cho kinh doanh trên đều do các nhà hảo tâm cho Hội Người khuyết tật thành phố mượn tạm để kinh doanh. 
 
Do chưa có trụ sở riêng, nên việc mở rộng các hoạt động dạy nghề, tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho hội viên của Hội Người khuyết tật  thành phố gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhu cầu được học nghề, được kiếm sống bằng chính khả năng tự vươn lên của đông đảo hội viên là rất lớn.
 
Ông Trần Mạnh Thu - Chủ tịch Hội Người khuyết tật  TP. Đà Lạt cho biết: “Hiện nay, rất nhiều hội viên của hội có tay nghề như đan len, thêu, sửa chữa điện tử, điện thoại, xe máy, thủ công mỹ nghệ, cơ khí... Tất cả đều mong muốn có một cơ sở riêng của hội, đủ rộng để họ có thể sản xuất, đồng thời có thể truyền dạy nghề cho những người cùng cảnh ngộ khác, để họ có thể vươn lên, kiếm thêm thu nhập, tạo lập cuộc sống mà không phải trông chờ, ỷ lại vào gia đình cũng như lòng tốt của xã hội. Tuy nhiên, từ năm 2005 đến nay, đã rất nhiều lần hội đề đạt nguyện vọng lên UBND thành phố nhưng vẫn chưa được giải quyết”.
 
Cũng theo ông Trần Mạnh Thu thì gần như trong tất cả các cuộc hội họp liên quan đến người khuyết tật, ban chấp hành hội đều liên tục đưa ra ý kiến, kèm theo tờ trình, nhưng đều nhận được câu trả lời là thành phố chưa bố trí được, chưa có mặt bằng...
 
Anh Dương Công Nhựt - một người khuyết tật hiện đang làm việc tại Cơ sở thiết kế photocopy in ấn 1 (địa chỉ 2/1 đường Quang Trung) chia sẻ: “Cơ sở hiện tại rất nhỏ, chưa đầy 20m2, đặt được hai máy photocopy chỉ đủ chỗ cho ba người làm việc với thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Rất nhiều anh em hội viên có nhu cầu đến đây học việc để có nghề, qua đó có thể làm việc kiếm thêm đồng ra đồng vào phụ giúp gia đình nhưng cơ sở quá nhỏ, nên chúng tôi không thể một lúc truyền nghề cho một số lượng lớn người đến học việc được”.
 
Cũng theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện tại những cơ sở mà Hội Người khuyết tật Đà Lạt đang được cho mượn để làm trụ sở và kinh doanh có vị trí rất đắc địa, đều là những ngôi nhà nằm ở mặt phố lớn, đông dân cư sinh sống. Theo thời giá thị trường, nếu cho thuê đều nằm ở mức từ 7 - 8 triệu đồng/tháng. 
 
Ông Dương Minh Nước, chủ nhân của ngôi nhà 2/1 đường Quang Trung cho biết: “Dù biết giá cho thuê có thể giúp gia đình có một khoản thu nhập, nhưng thấy hoàn cảnh khó khăn của Hội Người khuyết tật thành phố nên gia đình tôi đã quyết định cho anh em khuyết tật mượn để lấy nơi hội họp, sinh hoạt, đồng thời tạo việc làm cho một số hội viên với mong muốn cho họ có được niềm vui trong cuộc sống”.
 
Còn theo suy nghĩ của anh Võ Hoài Thanh - chủ Cơ sở thiết kế photocopy in ấn 2 tại địa chỉ 4K Bùi Thị Xuân: “Bản thân tôi cũng là một người khuyết tật, bị liệt 1/2 người trái, nếu cho thuê nhà tôi có thể dùng số tiền đó đủ trang trải chi phí sinh hoạt cho gia đình mình, nhưng tôi vẫn quyết định mở cơ sở này để giúp thêm cho một số anh em hội viên có công việc ổn định, qua đó vượt qua được rào cản tâm lý”.
 
Không chỉ khó khăn trong việc tìm kiếm nơi sinh hoạt chung, cho đến nay dù vừa mới tổ chức Đại hội Người khuyết tật thành phố lần thứ III (nhiệm kỳ 2016 - 2021) nhưng UBND TP. Đà Lạt vẫn chưa có quyết định công nhận ban chấp hành Hội Người khuyết tật thành phố khóa II. Thêm vào đó, Hội Người khuyết tật Đà Lạt vẫn chưa được công nhận là một hội đặc thù, nên các thành viên trong ban chấp hành hội (đều là người khuyết tật), trừ Chủ tịch hội, đều chưa được hưởng các chế độ chính sách, phụ cấp như các hội đặc thù khác.
 
Dù gặp rất nhiều khó khăn trong hoạt động, nhưng trong nhiệm kỳ vừa qua, qua các lớp dạy nghề, nhiều hội viên đã tự vươn lên, tạo việc làm có thu nhập ổn định, đồng thời tạo việc làm cho nhiều người cùng cảnh ngộ. Như chị Nguyễn Thị Hồng Huệ, sinh năm 1980, bị liệt chân, hiện đang làm nghề thêu tay và vẽ cho Công ty XQ Đà Lạt với mức lương 4 triệu đồng/tháng, về nhà chị còn dạy nghề cho những hội viên có nhu cầu; chị Đỗ Thị Hạnh, sinh năm 1965, bị liệt chân trái, nhận đan móc len, kết áo dài tại nhà, chị đã giao hàng cho các hội viên khác cùng làm, thu nhập 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng; chị Nguyễn Thị Ni, sinh năm 1979, bị dị dạng lồng ngực, gù lưng nhưng đã vượt qua mặc cảm số phận mở tiệm may và dạy nghề cho NKT cũng như người không khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn ...
 
Ngoài ra, Hội NKT thành phố cũng là cầu nối thông qua các chương trình như “Hoa cúc trắng” của Đài PTTH Lâm Đồng; “Mong đợi một ngày vui”; “Vượt lên chính mình” của HTV (Đài PTTH Tp Hồ Chí Minh) giúp nhiều hoàn cảnh NKT vượt qua được khó khăn, hòa nhập cộng đồng.
 
Việc cấp đất hoặc một ngôi nhà đủ diện tích để Hội NKT TP. Đà Lạt có được “không gian” riêng của mình để sinh hoạt, làm việc, qua đó giúp họ vượt qua rào cản tâm lý không phải là điều quá khó. Nó cũng hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của UBND tỉnh Lâm Đồng đã nêu trong Kế hoạch số 5267/KH-UBND ngày 12/10/2012, là “Nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bảo vệ, chăm sóc và trợ giúp người khuyết tật, nhằm hỗ trợ người khuyết tật trên địa bàn tỉnh phát huy khả năng của mình để đáp ứng nhu cầu bản thân, vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần cải thiện cuộc sống của người khuyết tật”.
 
LINH ĐAN