Bảo Lâm ứng phó với biến đổi khí hậu

05:04, 13/04/2016

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường", huyện Bảo Lâm đã có những nỗ lực lớn trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.

Thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW về “Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường công tác quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường”, huyện Bảo Lâm đã có những nỗ lực lớn trong vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
Tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm). Ảnh: HỮU SANG
Tuần tra bảo vệ rừng trên địa bàn xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm). Ảnh: HỮU SANG
Hơn 2 năm qua, Bảo Lâm đã rà soát và thực hiện các dự án phòng, chống sạt lở, giảm ngập úng cục bộ và phòng chống hạn hán như: đầu tư và huy động các nguồn vốn để xây dựng hồ chứa nước phục vụ sản xuất nông nghiệp thôn 4, xã Lộc Bắc; sửa chữa, nâng cấp, nạo vét hồ thủy lợi tại xã Lộc Tân, Lộc Phú, Lộc Bảo. Thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi thông qua các mô hình canh tác giống mới, mô hình khảo nghiệm giống… Diện tích trồng tái canh cà phê năm 2014 được 334ha, năm 2015 được 1.387ha; năm 2014 ghép cải tạo 44,2ha cà phê, năm 2015 được 250ha. Năm 2014 hỗ trợ 40 mô hình đầu tư hệ thống phun mưa di động, năm 2015 hỗ trợ đầu tư 45 điểm hệ thống tưới tiết kiệm nước. Đề án nâng cao chất lượng giống cây trồng, vật nuôi thực hiện trong năm 2014: Hỗ trợ giống cây cà phê ghép trồng tái canh 40,3ha, xây dựng 3 mô hình tái canh cà phê: 1,6ha, cải tạo vườn bơ tạp với diện tích 2,2ha. Năm 2015 tiến hành hỗ trợ giống cây bơ ghép… Kết quả cho thấy, những mô hình trên có tính thiết thực cao, phù hợp với điều kiện của địa phương, nhu cầu của thị trường, phù hợp với quy hoạch sản xuất nông nghiệp; góp phần khuyến khích người dân mạnh dạn đầu tư, chuyển đổi những giống cây trồng kém chất lượng, năng suất thấp. Qua triển khai các dự án đã tạo động lực cho các doanh nghiệp và nông dân ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật trong sản xuất, tạo ra những mô hình mới phù hợp với thổ nhưỡng và sự thay đổi của thời tiết, khí hậu.  
 
Trên lĩnh vực quản lý tài nguyên nước, huyện triển khai việc đăng ký khai thác nước dưới đất đối với những công trình thuộc thẩm quyền của UBND huyện đối với các hộ gia đình, cá nhân trên địa bàn. Trong năm 2014 và 2015, Bảo Lâm đã xác nhận đăng ký 151 công trình khai thác nước dưới đất. Huyện đã thực hiện việc lấy mẫu và phân tích chất lượng môi trường nước mặt, nước ngầm trên địa bàn vào 2 đợt (mùa khô và mùa mưa) với 16 mẫu nước mặt; 6 mẫu nước thải; 29 mẫu nước ngầm. Qua kết quả phân tích chất lượng nước cho thấy: Đối với nước mặt, hầu hết các chỉ tiêu quan trắc tại các vị trí quan trắc đều đạt QCVN 08:2009/BTNMT - cột B. Đối với nước ngầm, tại các vị trí quan trắc có các chỉ tiêu đều nằm trong giới hạn cho phép. Như vậy, nguồn nước ngầm là nguồn cung cấp nước hợp vệ sinh.
 
Rừng Bảo Lâm có vai trò to lớn trong bảo vệ môi trường, bổ sung nguồn nguyên liệu cho phát triển công nghiệp chế biến và tiểu thủ công nghiệp. Những năm qua, công tác trồng và bảo vệ rừng được thực hiện khá tốt đã giúp huyện vẫn giữ được độ che phủ rừng khá lớn. Bên cạnh đó, việc giao khoán bảo vệ rừng cho các hộ gia đình, nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm. Toàn huyện đã giao khoán bảo vệ rừng bằng nguồn vốn chi trả dịch vụ rừng năm 2014 cho 84 hộ dân với diện tích 854ha; đến nay được 57.373,18ha cho 3.120 hộ gia đình, cá nhân và 2 tập thể, 7 doanh nghiệp. Đây là hoạt động đóng góp đáng kể vào giảm nghèo, ổn định cuộc sống của dân cư vùng sâu, vùng xa và hạn chế các vụ vi phạm phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác rừng trái phép. 
 
Hiện nay, Bảo Lâm có 200 cơ sở sản xuất, kinh doanh dịch vụ đã lập hồ sơ môi trường. Trong 2 năm qua, huyện Bảo Lâm đã xác nhận 122 hồ sơ cam kết và đề án bảo vệ môi trường đơn giản. Nhằm tăng cường quản lý, kiểm soát việc xả thải gây ô nhiễm môi trường, các đoàn kiểm tra đã nhắc nhở và hướng dẫn các cơ sở phải thực hiện các biện pháp BVMT trong quá trình hoạt động kinh doanh, sản xuất, dịch vụ. Công tác kiểm soát ô nhiễm từ sản xuất nông nghiệp ảnh hưởng đến chất lượng môi trường nước, đất cũng được quan tâm bằng các hình thức tuyên truyền để người dân ý thức đối với việc thu gom, xử lý phụ phẩm, phế phẩm trong trồng trọt và chăn nuôi, làm phân hữu cơ vi sinh, phân xanh, hạn chế sử dụng phân bón hóa học, không vứt rác thải nông nghiệp xuống lòng mương, suối.
 
Qua hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW cho thấy nhận thức, trách nhiệm và hành động về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường ở huyện Bảo Lâm đã có sự chuyển biến trong cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư; vấn đề thích ứng với biến đổi khí hậu bước đầu đã được quan tâm; hiệu lực và hiệu quả quản lý nhà nước ngày càng được nâng lên. Tuy nhiên, thực tế cho thấy vẫn còn một số hạn chế như: ứng phó với biến đổi khí hậu còn lúng túng, bị động; dự báo quy hoạch sử dụng đất còn hạn chế, việc sử dụng đất chưa hiệu quả, còn tùy tiện; vẫn còn xảy ra hiện tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng; quản lý tài nguyên nước và khoáng sản còn nhiều bất cập.
 
Những hạn chế trên xuất phát từ những nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Trước hết là do nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị về quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã có sự chuyển biến, song trong chỉ đạo điều hành có lúc có nơi chưa quyết liệt, chưa tập trung, chưa nhất quán, còn thiên về lợi ích trước mắt, lợi ích kinh tế. Công tác chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đã có sự tham gia của nhiều ngành nhưng việc phân công nhiệm vụ giữa các ngành, các cấp chưa thống nhất và còn chồng chéo, gây nhiều khó khăn cho công tác quản lý, BVMT... 
 
Với những kết quả đạt được, những khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện công tác chủ động ứng phó biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 24-NQ/TW cũng như Chương trình hành động số 64-CTr/TU của Tỉnh ủy, huyện Bảo Lâm sẽ tập trung thực hiện một số giải pháp: Đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, hình thành ý thức chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, sử dụng tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường. Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư cho ứng phó với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Kết hợp tăng chi từ ngân sách địa phương với đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư để thực hiện các dự án, chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu, quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường. Hàng năm, ưu tiên bố trí ngân sách phù hợp cho công tác điều tra cơ bản về tài nguyên, xử lý ô nhiễm môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Chú trọng xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường nhằm chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu.
 
LAN HỒ