Chữ thập đỏ đi xây dựng nông thôn mới

04:04, 14/04/2016

Thoạt nghe, tưởng như chẳng có gì liên quan, nhưng dù ít hay nhiều các hoạt động của Chữ thập đỏ Lâm Đồng trong những năm vừa qua đều có sự gắn bó với phần nhiều các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Thoạt nghe, tưởng như chẳng có gì liên quan, nhưng dù ít hay nhiều các hoạt động của Chữ thập đỏ Lâm Đồng trong những năm vừa qua đều có sự gắn bó với phần nhiều các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Trao quà cho người nghèo, một trong những hoạt động thường xuyên đầy ý nghĩa nhân văn của Hội CTĐ
Trao quà cho người nghèo, một trong những hoạt động thường xuyên đầy ý nghĩa nhân văn của Hội CTĐ

Chức năng của Chữ thập đỏ (CTĐ) hẳn nhiên không phải xây dựng đường nông thôn, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa... nhưng những hoạt động nhân đạo của hội lại đang phần nào đó giúp cho người dân nơi những vùng quê, nhất là người dân nghèo có được cơ hội thay đổi đời sống. 
 
Một trong những hoạt động trọng tâm mà Hội CTĐ tỉnh xây dựng kế hoạch ngay từ những ngày đầu năm là “Phong trào Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới và phát triển cộng đồng”. Cùng với cả nước nói chung và Lâm Đồng nói riêng chung tay xây dựng nông thôn mới, hai mô hình “Giúp đỡ hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong cuộc sống hòa nhập cộng đồng”, “Vệ sinh môi trường, phòng chống các loại dịch bệnh” (đều nằm trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới) của Hội CTĐ tỉnh đã tạo được nhiều dấu ấn ở mỗi địa phương. 
 
Bà Nguyễn Thị Kim Hoàn - Phó Chủ tịch TT Hội CTĐ Lâm Đồng cho biết: “Thời gian vừa qua, các cấp hội đã vận động giúp đỡ bằng các hình thức hỗ trợ thoát nghèo bền vững, hỗ trợ thường xuyên, hỗ trợ đột xuất và các công trình hố xí, nhà tắm, khoan giếng, đặt ống thoát nước cho các hộ dân khó khăn, trị giá gần 65 triệu đồng; xây dựng 4 phòng học mẫu giáo tại huyện Đức Trọng, Lâm Hà và Đà Lạt gần 1 tỷ đồng; phối hợp với Quỹ tín dụng Đơn Dương cho đồng bào dân tộc thiểu số vay không lấy lãi trị giá trên 3,6 tỷ đồng. Đặc biệt, mô hình “xây dựng cảnh quan gia đình” làm sân xi măng cho hộ đồng bào nghèo của Hội CTĐ Đam Rông đang được thực hiện có hiệu quả và nhân rộng. Cũng trong 5 năm qua, các cấp hội đã vận động cơ quan, đơn vị như Công ty TNHH MTV Xổ số kiến thiết Lâm Đồng, Ngân hàng Công thương Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng, Bệnh viện Y học Cổ truyền Phạm Ngọc Thạch, Công ty BHNT Prudential Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng... làm được 152 nhà tình thương Chữ thập đỏ trị giá trên 5,4 tỷ đồng; sửa chữa 84 căn nhà trị giá 246 triệu đồng”.
 
Dù không trực tiếp, nhưng công tác xã hội và trợ giúp nhân đạo của các cấp hội CTĐ trong tỉnh đã đem lại hiệu quả thiết thực, góp phần xóa đói, giảm nghèo, giúp cho người già không nơi nương tựa, những mảnh đời bất hạnh, trẻ em lang thang cơ nhỡ, nạn nhân chất độc da cam... trên khắp các vùng quê nghèo trong tỉnh có được sự hòa nhập tốt nhất, đồng thời nhận được sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của cộng đồng.
 
Chương trình “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam” là một hoạt động truyền thống và thường xuyên của hội với quyết tâm chung tay cùng xã hội không để gia đình nghèo nào không có tết. Nhiệm kỳ vừa qua, Hội CTĐ tỉnh đã vận động, thăm hỏi tặng quà cho 194 lượt hộ nghèo và gia đình nạn nhân chất độc da cam có điều kiện vui xuân với tổng trị giá trên 62 tỷ đồng.
 
Đặc biệt, cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã thực sự thổi được luồng sinh khí mới đến với các tầng lớp nhân dân cùng chia sẻ khó khăn đối với người nghèo ở mỗi địa phương, trong từng khu dân cư sinh sống. Sau 8 năm thực hiện, hội đã vận động được 647 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân đỡ đầu, trợ giúp cho trên 8.400 địa chỉ nhân đạo, trị giá trên 23 tỷ đồng; hiện tại vẫn còn duy trì giúp đỡ cho 623 địa chỉ nhân đạo bằng các hình thức như trao tiền (từ 300 đến 500.000đ/tháng) hoặc gạo (từ 10 - 20kg/tháng) để giúp cho các trường hợp người già neo đơn, các em học sinh mồ côi tiếp tục đến trường.
 
“Kết quả này đã chứng minh một điều khi lòng nhân ái được khơi dậy, khi hoạt động nhân đạo tạo được sự đồng thuận trong xã hội, khi các nhà hảo tâm, các cơ quan, đơn vị... mắt thấy tai nghe về những hoàn cảnh bất hạnh thì cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo” đã đi vào cuộc sống”, bà Nguyễn Thị Kim Hoàn chia sẻ thêm.
 
Không những vậy, hàng loạt các chương trình như: Bếp ăn tình thương, cấp học bổng, giúp nhau vay vốn thoát nghèo, vận động các đoàn từ thiện đến với người nghèo, các mô hình nhân đạo với tổng trị giá hàng chục tỷ đồng mỗi năm đã thực sự giúp cho người nghèo tại các vùng quê có được cơ hội thay đổi cuộc sống, qua đó góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn ngày một tươi sáng hơn.
 
Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới của Lâm Đồng đạt được những thành tựu hết sức quan trọng trong những năm vừa qua, có sự đóng góp không nhỏ từ các hoạt động của Hội CTĐ tỉnh thông qua các chương trình hoạt động hết sức hiệu quả và thiết thực.
 
LAM ANH