30 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I, do hoàn cảnh chiến tranh, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử lần thứ hai bầu ra Quốc hội khóa VI mới được tổ chức trên cả nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định trên con đường thống nhất về mặt nhà nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội
30 năm kể từ ngày Tổng tuyển cử đầu tiên bầu ra Quốc hội khóa I, do hoàn cảnh chiến tranh, ngày 25/4/1976, cuộc Tổng tuyển cử lần thứ hai bầu ra Quốc hội khóa VI mới được tổ chức trên cả nước. Đây là sự kiện chính trị quan trọng, đánh dấu bước thắng lợi quyết định trên con đường thống nhất về mặt nhà nước, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội (CNXH). Nhân kỷ niệm 40 năm ngày diễn ra cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất và chuẩn bị tiến hành Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV, chúng ta cùng điểm lại sự kiện quan trọng này.
|
Chiến sĩ Hải quân tham gia bầu cử đại biểu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất (tháng 4/1976). Ảnh: tư liệu |
Sau ngày 30/4/1975, đất nước thống nhất nhưng ở hai miền vẫn tồn tại hai nhà nước, đó là Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Vấn đề cấp bách lúc này là phải thực hiện thống nhất nước nhà về mặt nhà nước. Từ yêu cầu đó, tháng 9/1975, Hội nghị Trung ương lần thứ 24 họp nhấn mạnh: “Thống nhất đất nước vừa là nguyện vọng thiết tha của nhân dân cả nước, vừa là quy luật khách quan của sự phát triển cách mạng Việt Nam, của lịch sử dân tộc Việt Nam”.
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ 15 - 21/11/1975, tại thành phố Sài Gòn, đại biểu nhân dân 2 miền Bắc - Nam đã tổ chức Hội nghị hiệp thương Chính trị để bàn về vấn đề thống nhất nước Việt Nam về mặt Nhà nước. Hội nghị đã nhất trí nhận định rằng, cách mạng nước ta đã chuyển sang giai đoạn mới - giai đoạn cả nước tiến lên CNXH và cần tổ chức sớm cuộc Tổng tuyển cử trên cả nước để bầu ra Quốc hội chung. Hội nghị quyết định cuộc Tổng tuyển cử sẽ được tiến hành vào đầu năm 1976, theo các nguyên tắc dân chủ: phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín.
Tháng 1/1976, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định: Cuộc Tổng tuyển cử sẽ tiến hành vào chủ nhật ngày 25/4/1976. Hội đồng bầu cử toàn quốc được thành lập do đồng chí Trường Chinh làm Chủ tịch và đồng chí Phạm Hùng làm Phó Chủ tịch.
Từ tháng 2/1976, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội được triển khai rộng khắp. Các văn kiện của Ðảng và Nhà nước về Tổng tuyển cử được giới thiệu và tổ chức học tập rộng rãi trong nhân dân.
Việc giới thiệu những người ra ứng cử đã được thực hiện dân chủ, theo Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 13/1/1960 và Pháp lệnh bầu cử đại biểu Quốc hội ngày 20/2/1976 của Hội đồng cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Danh sách những người ra ứng cử đã được các tổ chức quần chúng ở cơ sở thảo luận đề xuất để đưa lên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Ủy ban Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam thống nhất hiệp thương và chính thức giới thiệu. Việc niêm yết danh sách cử tri và tổ chức các cuộc tiếp xúc giữa ứng cử viên đại biểu Quốc hội với cử tri ở các khu vực bầu cử được thực hiện nghiêm túc, bảo đảm công khai và dân chủ.
Khắp nơi trên đất nước ta, nhất là ở các tỉnh phía Nam mới được giải phóng, cuộc vận động Tổng tuyển cử đã trở thành một cuộc động viên chính trị sâu rộng chưa từng có. Ðồng thời, phong trào thi đua lao động sản xuất nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch nhà nước năm 1976, thiết thực lập thành tích chào mừng ngày hội lớn của dân tộc đã được diễn ra sôi nổi rộng khắp.
Những ngày tháng Tư năm 1976, đất nước ta đâu đâu cũng tưng bừng ngày hội lớn của non sông - Tổng tuyển cử bầu Quốc hội thống nhất. Tối ngày 22/4, Thủ đô Hà Nội tổ chức mít tinh trọng thể chào mừng cuộc Tổng tuyển cử. Sáng ngày 23/4, hơn một triệu nhân dân thành phố Hồ Chí Minh rầm rộ xuống đường giương cao ảnh Hồ Chủ tịch, cờ, khẩu hiệu biểu dương sức mạnh đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội của nước Việt Nam thống nhất.
Trong không khí sôi nổi, hào hứng, tràn đầy tin tưởng và tự hào, hơn 23 triệu người dân Việt Nam đã nô nức đi thực hiện quyền công dân của mình, bầu ra những đại biểu xứng đáng nhất vào cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Cuộc Tổng tuyển cử được tiến hành nhanh gọn và đạt kết quả tốt. Tỷ lệ cử tri đi bầu cử rất cao: cả nước đạt 98,77%, miền Bắc là 99,36%, miền Nam là 98,59%, có nhiều khu vực bỏ phiếu đạt 100%...
Thắng lợi của cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa VI là thắng lợi của đường lối đấu tranh cách mạng của Ðảng ta dưới ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh; là kết quả tốt đẹp của quá trình đấu tranh đầy hy sinh, gian khổ nhưng vô cùng vẻ vang của nhân dân ta vì độc lập, tự do và thống nhất dân tộc, vì dân chủ và chủ nghĩa xã hội; thể hiện sức mạnh vô địch của nhân dân cả nước đoàn kết chặt chẽ trong Mặt trận Dân tộc thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng CSVN. Thành công của cuộc Tổng tuyển cử vừa đánh dấu bước thắng lợi quyết định của nhân dân ta trên con đường thống nhất nước nhà về mặt Nhà nước, khẳng định ý chí không gì lay chuyển nổi của nhân dân ta: “Nước Việt Nam là một, Dân tộc Việt Nam ta là một”; vừa đem lại niềm tự hào cho nhân dân cả nước, cho kiều bào ta ở nước ngoài và có tiếng vang lớn trên thế giới...
Quốc hội khóa VI đã hoàn thành trọng trách thống nhất đất nước về mặt nhà nước. Với việc thống nhất cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước trên toàn quốc, chọn tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca; thông qua nhiệm vụ cơ bản của kế hoạch nhà nước 5 năm lần thứ hai (1976-1980); phê chuẩn việc phân vạch lại địa giới thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành khác; đặc biệt đã thông qua Hiến pháp (bản Hiến pháp thứ ba) và một số văn bản luật quan trọng, làm cơ sở pháp lý cần thiết để mở đường cho con đường phát triển của đất nước trong giai đoạn mới.
Sau Quốc hội thống nhất, Quốc hội ngày càng phát triển và mở rộng dân chủ, đưa ra những quyết sách đúng đắn trong quá trình lập pháp, cũng như quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, được người dân tin cậy.
Kỷ niệm 40 năm Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước (25/4/1976 - 25/4/2016) là dịp để toàn Đảng, toàn dân ta ôn lại sự kiện quan trọng của dân tộc và lịch sử cách mạng Việt Nam. Từ đó, đoàn kết, phấn đấu vươn lên dưới ngọn cờ quang vinh, bách chiến, bách thắng của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại.
40 năm sau, ngày 4/1/2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 51-CT/TW về lãnh đạo cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021 tiến hành vào ngày 22/5/2016. Đây là sự kiện chính trị quan trọng diễn ra trong thời điểm Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng vừa kết thúc thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta tiếp tục thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH ( bổ sung, phát triển năm 2011) và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, Hiến pháp năm 2013.
Cùng với thành công của Đại hội lần thứ XII của Đảng, đại hội Đảng các cấp, tổ chức tốt bầu cử lần này là dịp để tiếp tục xây dựng, củng cố và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Vì vậy, việc lựa chọn bầu ra những người tiêu biểu về đức, tài, xứng đáng đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân trong Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ mới là một nhiệm vụ trọng tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong năm 2016.
NGUYỄN VĂN HƯƠNG