Để hiến máu là ngày hội đầy trách nhiệm

09:04, 05/04/2016

Với thông điệp "Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại", những năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Dương đã nhiều lần tổ chức ngày hội "Trái tim nhân ái - hiến máu cứu người". Qua hoạt động này, hội đã huy động được một lượng lớn đơn vị máu, giúp không ít bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Điều đáng nói nhất là nhận thức của người dân nơi đây về việc hiến máu, qua thời gian, đã được nâng lên rõ rệt.

Với thông điệp “Một giọt máu cho đi, một cuộc đời ở lại”, những năm qua, Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Dương đã nhiều lần tổ chức ngày hội “Trái tim nhân ái - hiến máu cứu người”. Qua hoạt động này, hội đã huy động được một lượng lớn đơn vị máu, giúp không ít bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Điều đáng nói nhất là nhận thức của người dân nơi đây về việc hiến máu, qua thời gian, đã được nâng lên rõ rệt.
 
Lan tỏa phong trào Hiến máu nhân đạo ở huyện Lạc Dương
Lan tỏa phong trào Hiến máu nhân đạo ở huyện Lạc Dương

Chuyển biến nhận thức
 
“Ngày hội hiến máu nhân đạo” vừa được tổ chức cuối tháng 3 vừa qua là đợt hiến máu tình nguyện đầu tiên trong năm 2016 của huyện Lạc Dương. Đợt này đã thu hút hơn 300 người dân trong huyện tình nguyện tham gia, thu được 206 đơn vị máu, vượt hơn 50 đơn vị so với chỉ tiêu đề ra. Nhìn con số hiện tại, ít ai biết rằng cách đây 10 năm, việc thu được 50 đơn vị máu trong mỗi đợt đã là một điều vô cùng khó khăn đối với Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Dương. Người dân tham gia hiến máu vô cùng hiếm hoi do tâm lý e ngại và lo lắng. Còn bây giờ, ngày hiến máu tình nguyện đã trở thành ngày hội của người dân.
 
Trụ sở Trung tâm Văn hóa huyện kín người đi đăng ký hiến máu. Anh Rơ ông Ha Phil (23 tuổi, TT Lạc Dương) cho biết: “Nghe thị trấn phát động đi hiến máu nên mình tham gia, đây là lần đầu nên mình cũng hơi sợ, nhưng lấy máu xong, mình cảm thấy người vẫn khỏe và rất vui vì từ giọt máu của mình mà cứu sống được mạng người. Đợt sau tổ chức, mình nhất định sẽ tiếp tục đi hiến”. Bà Nguyễn Thị Hồng Lan (55 tuổi, thôn Liêng Bông, xã Đa Nhim) cho biết: “Tôi hiến máu được 5 lần rồi. Việc làm này ý nghĩa bởi cho đi giọt máu của mình mà cứu được mạng người trong giờ phút người ta cần. Đang dở công việc ngoài vườn, tôi phải vượt hơn 20km cho kịp để hiến đấy, còn sức khỏe thì tôi còn hiến. Mà hiến rồi thấy mình càng ngày càng khỏe ra đấy, còn được xét nghiệm máu xem mình có bệnh tật gì không nữa.”, bà Lan chia sẻ.
 
Trong những đợt phát động hiến máu tình nguyện của huyện Lạc Dương, đoàn viên, thanh niên luôn là lực lượng đi đầu, tham gia với số lượng đông nhất. Năm nào cũng vậy, mỗi đợt hiến máu có tới hơn 100 đoàn viên tham gia, có những người hiến hơn chục lần như anh Cil Jim, Ha Minh, Ha Joh... Hiện nay, anh Ha Joh là cán bộ chủ chốt trong đội dự bị hiến máu của huyện Lạc Dương. Anh tâm sự: “Bất kể đêm hôm hay mưa gió, nếu có cuộc gọi thì cho dù đang bận, miễn người ta cần máu là mình đi ngay...”. Trong 5 năm qua, đội dự bị hiến máu của huyện với 25 thành viên đã cung cấp hàng chục đơn vị máu cho bệnh viện các tuyến huyện, tỉnh, góp phần quan trọng vào việc cứu sống những trường hợp bệnh nhân đang trong cơn nguy kịch.
 
Lan tỏa phong trào
 
Từ những đợt phát động như: ngày Chủ nhật đỏ, Lễ hội Xuân hồng, Những giọt máu hồng hè...; theo thời gian, phong trào Hiến máu tình nguyện đã ngày càng phát triển sâu, rộng; có sức lan tỏa; thu hút đông đảo người hiến máu tham gia trên địa bàn huyện. Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân của huyện cũng tích cực tham gia, tạo bước chuyển biến quan trọng trong nhận thức của người dân. Số lượng người đăng ký hiến năm sau luôn cao hơn năm trước. Để làm được điều này, công tác tuyên truyền của huyện đã được đẩy mạnh và vận dụng một cách phù hợp.
 
Hội Chữ thập đỏ huyện chú trọng đưa việc tuyên truyền, vận động đi vào chiều sâu, đến với từng địa bàn. Ngoài công tác vận động của địa phương thì chính sự tuyên truyền của những người đã tham gia hiến máu cũng góp một phần rất lớn. Bà Nguyễn Thị Thu Sương - Phó Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Lạc Dương nói: “Chúng tôi có phương châm việc hiến máu cứu người phải bắt đầu từ các nhà quản lý, cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang các cấp... để làm gương cho người dân. Điều này đã tác động mạnh đến tâm lý của người dân, giúp công tác tuyên truyền, vận động có hiệu quả cao. Cứ gần tới ngày hiến máu là chúng tôi cho xe lưu động đi tuyên truyền để người dân biết ngày, giờ đến tham gia. Chính vì vậy, ý thức hiến máu cứu người của người dân được nâng lên rõ rệt, họ sẵn sàng hiến máu nếu bệnh nhân cần bất kể ngày, giờ”.
 
Bác sĩ Võ Thị Linh Tiên, Trưởng khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh Lâm Đồng, người đã có trên 10 năm đồng hành cùng phong trào hiến máu tình nguyện, chia sẻ: “Nếu như trước đây, việc lấy máu tình nguyện ở hầu hết các huyện vô cùng khó khăn thì trong 5 năm trở lại đây, người dân đã tham gia hưởng ứng rất nhiệt tình, họ đi hiến máu như một phần trách nhiệm của họ đối với xã hội. Nhu cầu máu ở bệnh viện rất lớn, cần sự đóng góp của từng cá nhân, gia đình đến tổ chức, toàn thể xã hội...”.
 
H.YÊN - V.QUỲNH