Đi phà trên núi

08:04, 04/04/2016

"Cứ chỗ nào có sông thì có phà, trên núi có sông cũng có phà được mà!" ông chủ phà cười lớn với tôi.

“Cứ chỗ nào có sông thì có phà, trên núi có sông cũng có phà được mà!” ông chủ phà cười lớn với tôi.
 
Ngày cuối tuần một người bạn rủ tôi đi Đạ Tẻh, không đi bằng xe đò mà đi bằng xe máy, kiểu đi “phượt”, và đảm bảo với tôi rằng sẽ qua một cung đường rất đẹp trước giờ tôi chưa đi. 
 
Trước đây, đi Đạ Tẻh công tác nếu không đi cùng xe cơ quan, đơn vị nào thì tôi cứ việc ra xe đò mà lên đường, xuống đó mượn xe máy bạn đi tác nghiệp, xong lại lên xe đò về, an toàn, tiện lợi. Thỉnh thoảng khi công việc cần, tôi vẫn đi xe máy nhưng do xe cộ trên Quốc lộ 20 đông đúc nên ngày càng ngại chạy xe máy trên con đường lớn này.
 
Trên chuyến phà qua sông
Trên chuyến phà qua sông
Chuyến đi này, tôi ngộ ra rằng, dù đã nhiều năm công tác ở Lâm Đồng những vẫn có một số cung đường mà tôi chưa có dịp đi. Từ Đà Lạt, chúng tôi xuôi theo đèo Tà Nung, xuống Lâm Hà, đến Nam Ban rẽ vào xã Nam Hà, qua Đinh Văn, tới Tân Văn và vào xã Liên Hà. Hai bên đường là triền núi với những vạt cà phê trải dài, mùa này đất đỏ khô khốc đợi mưa, nhiều đoạn đường bị hỏng, toàn ổ gà ổ voi, có đoạn đang ủi làm lại, đất đỏ tung bụi mù trời. Tại Liên Hà, để qua Di Linh, chúng tôi xuôi theo một con đường đất quanh co để xuống bờ sông Đa Dâng, và một bến phà đang đợi chúng tôi. 
 
Đó là bến ông Xuân, như dòng chữ ghi trên tấm bảng phía trên một nhà chờ lợp tôn ngay bến đò. Quanh bến đò là những vạt cà phê xanh ngút. Trong khi đợi phà, chúng tôi vào quán nước nhỏ duy nhất tại bến, chủ quán là 2 vợ chồng còn trẻ, anh đang chăm chú sửa lại máy nước mía, chị đang mang bầu, cả hai đon đả mời chúng tôi ly trà nóng trong chiếc ấm nhôm. Từ đây nhìn xuống, dòng Đạ Dâng uốn lượn theo các triền núi, nước mùa này trong xanh. Chừng 15 phút, chiếc phà từ đất Di Linh đã sang đến nơi để đón chúng tôi.
 
Chủ phà là một thanh niên trẻ trạc trên 30 tuổi, anh tên Đặng Hữu Cương, ngay tấm bảng phía ngoài in to: phà Cương Dũng, lấy theo tên anh và tên con trai đầu của anh. Chiếc phà khá rộng, chạy máy dầu, cập vào sát bến để chiếc xe máy chúng tôi dễ dàng chạy lên phà. Phía bên trong khoang lái có chỗ cho hành khách ngồi, bên trên treo một dãy áo phao.
 
“Đây là chiếc phà do cha để lại cho tôi làm ăn” - anh Cương tiếp chuyện. Anh người bên phía Tân Nghĩa - Di Linh, bờ phía bên kia của con sông. Chiếc phà này do cha anh mua để chạy trên sông này, anh không chắc giá lắm nhưng cũng phải trên 500 triệu đồng. Trước đó, cha anh cũng từng chạy các con đò nhỏ hơn ở bến đò nơi đây, nhưng từ khi đập Đa Dâng của Thủy điện Đồng Nai 2 đắp ở phía dưới bến phà hoàn thành, nước dâng lên cao nên gia đình mua chiếc phà này để chở khách. Từ bến đò Liên Hà - Lâm Hà qua bến đò phía Tân Nghĩa - Di Linh chừng hơn 1km, tôi hỏi anh đã thử bơi qua lần nào chưa, anh cười lớn “Chưa dám, nước lạnh lắm”.
 
Anh Cương cho biết, chạy con phà này đã hơn 3 năm nay, hằng ngày chủ yếu qua lại giữa 2 bến sông Liên Hà - Tân Nghĩa này. Khách đi phà đa số là người địa phương ở hai bên, qua lại làm vườn hoặc khi gia đình có việc. Thỉnh thoảng, anh cũng gặp khách vãng lai từ nơi xa đến, họ được người địa phương dẫn đi vãn cảnh, thăm các vùng đất mới, trong đó có con sông này. Giá đi phà cũng vừa phải, mỗi người qua phà mất 10 nghìn đồng tiền vé, thêm chiếc xe máy 10 nghìn đồng nữa, còn nếu 2 người đi cùng một chiếc xe máy là 25 nghìn đồng, nếu có hàng hóa thì tính thêm. Anh bảo phà hoạt động cả ngày lẫn đêm, cứ có khách đến bến gọi dù ít nhiều cũng nổ máy lên đường.
 
Là một bến phà địa phương nên theo anh Cương, lượng khách qua lại hằng ngày không nhiều, mỗi ngày phà anh thu nhập khoảng 500 nghìn đồng, trừ tiền dầu gần nửa, số tiền còn lại cũng còn đủ để xoay xở trong nhà; nhưng cũng có ngày phà rất đông, đó là lúc các gia đình nơi đây có đám tiệc, thu nhập vào ngày cao điểm được trên cả triệu đồng. 
 
Ở phía bờ Tân Nghĩa - Di Linh, tôi còn thấy thêm một con phà khác nữa đang đậu tại bến, đó là phà Xuân Diệu với số điện thoại liên lạc ghi rõ trên phà. Cũng như bến sông phía Lâm Hà, bến phà bên phía Di Linh này khá hoang sơ, con đường đất từ bến nối lên lộ khá dốc, quanh co, đầy đá và bụi. Nhưng bù lại, cả 2 bên bến sông phong cảnh đều tuyệt đẹp. 
 
Lâu nay, cứ nghĩ ở miền xuôi sông nước mới có phà, ai ngờ miền cao Lâm Đồng với những đỉnh núi sương mù cũng có những chiếc phà với cung cách phục vụ hết sức dễ chịu. Trước khi chia tay bến phà để lên đường vào Tân Thượng, qua Lộc Bắc rồi xuôi về Đạ Tẻh, chúng tôi được chủ phà cho biết con sông này có rất nhiều cá, là nơi đi câu tuyệt vời, đặc biệt có rất nhiều tôm sông, nếu có dịp nào không vội, chủ phà mời chúng tôi ở lại để thưởng thức món tôm nướng, đặc sản của bến đò trên núi. 
 
Chúng tôi hứa với anh sẽ còn trở lại.
 
VIẾT TRỌNG