Động lực thoát nghèo

08:04, 29/04/2016

Nằm trên cao nguyên Di Linh, xã Đinh Trang Hòa có 849 hộ/3.329 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên có 538 hộ/2.279 khẩu, chiếm 75,2%. Mặc dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, song nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, đã tạo ra động lực cho bà con thoát nghèo.

Nằm trên cao nguyên Di Linh, xã Đinh Trang Hòa có 849 hộ/3.329 khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) gốc Tây Nguyên có 538 hộ/2.279 khẩu, chiếm 75,2%. Mặc dù đời sống vẫn còn nhiều khó khăn, song nhờ cấp ủy, chính quyền địa phương chú trọng triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách dân tộc, đã tạo ra động lực cho bà con thoát nghèo.
 
Một góc xã Đinh Trang Hòa
Một góc xã Đinh Trang Hòa
Câu chuyện của già làng K’Néo, tại thôn 3, xã Đinh Trang Hòa đưa chúng tôi trở về một thời cơ cực: “Trước bà con chủ yếu trồng lúa rẫy, trồng bắp. Nương rẫy ở xa, cứ mờ sáng mang gùi đi, tối mịt mới trở về. Cả nhà lớn bé đều làm quần quật suốt ngày mà vẫn cứ thiếu ăn. Bắt đầu từ tháng 7 năm 1979, chính quyền địa phương đã vận động bà con chuyển từ làm rẫy sang trồng lúa nước. Ban đầu chưa quen, sau đó được các cán bộ xã hướng dẫn, bà con đã biết cấy thẳng hàng, sử dụng phân bón, phát triển thủy lợi, tăng vụ, thay đổi giống lúa cho năng suất, chất lượng cao, nên mỗi vụ lúa bà con thu về gấp nhiều lần so với làm rẫy. Bà con từ đó ai cũng trồng lúa nước. Sau này, được Nhà nước hướng dẫn kỹ thuật và hỗ trợ vay vốn, người dân Đinh Trang Hòa còn trồng cà phê, bơ, sầu riêng... nên thu nhập cao hơn gấp nhiều lần. Bà con giờ chỉ lo sản xuất làm giàu, cho con cái ăn học trưởng thành”.
 
Đúng như câu chuyện của già K’Néo, ở Đinh Trang Hòa hôm nay đã có những khu vườn sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, những rẫy cà phê xanh tốt, nhà cửa khang trang,... đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân toàn xã nói chung và bà con DTTS nói riêng ngày càng được cải thiện. Chị Ka Nhanh - Phó Chủ tịch UBND xã Đinh Trang Hòa cho biết: “Bà con vùng đồng bào DTTS của xã thoát nghèo, đỡ khổ phần nhiều cũng nhờ động lực từ các chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là các chính sách dân tộc được triển khai thực hiện đầy đủ ở 5/5 thôn thuộc địa bàn xã.
 
Trong những năm qua, chính quyền xã đã linh hoạt vận dụng các chính sách của địa phương kết hợp với việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách của Nhà nước đối với đồng bào DTTS như: Chương trình 135, 134 của Chính phủ, hỗ trợ làm nhà ở, giao khoán bảo vệ rừng, chuyển đổi cây trồng, khuyến nông, giới thiệu việc làm... Bên cạnh đó, các chính sách dân tộc như bảo hiểm y tế, hỗ trợ học tập, hỗ trợ nước sạch sinh hoạt, hỗ trợ vay vốn sản xuất... đều đã đến được với bà con. Đặc biệt là các chương trình hỗ trợ bà con sản xuất nông nghiệp, như năm 2015, Chương trình trợ giá giống cây trồng được áp dụng cho 5.000 cây cà phê thực sinh và 600 cây sầu riêng ghép, gần 300 cây bơ ghép. Chương trình hỗ trợ giống thực hiện tái canh cho bà con với gần 40 ngàn cây cà phê thực sinh và hơn 67 ngàn cây cà phê ghép”. 
 
Sự đầu tư hỗ trợ từ chính sách dân tộc cùng với việc tự chủ vươn lên trong nội bộ đồng bào DTTS đã góp phần nâng cao đời sống sống vật, chất tinh thần của bà con, từng bước đẩy mạnh công tác xóa đói giảm nghèo. Theo đó, hộ giàu, khá tăng, hộ nghèo giảm đáng kể (đến cuối năm 2015 chỉ còn 30 hộ, chiếm 3,7%); thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 25 triệu đồng/người/năm. “Bộ mặt cơ sở hạ tầng các thôn đồng bào dân tộc đã được cải thiện. Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2015 trên địa bàn xã đến nay đã cơ bản hoàn thành. Các chủ trương, chính sách được nhân dân đồng tình hưởng ứng cao” - Phó Chủ tịch UBND xã Ka Nhanh khẳng định. 
 
Việc triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình hỗ trợ đối với bà con vùng đồng bào DTTS, đã góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội trong xã ngày càng ổn định. Cũng từ đó, nhận thức và niềm tin của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước ngày càng được nâng cao.
 
NGỌC NGÀ