Đức Trọng tăng cường đầu tư tại các xã nghèo

08:04, 11/04/2016

Trong vòng 3 năm qua, huyện Đức Trọng đã tăng cường đầu tư ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, đời sống nhân dân từ đó không ngừng được cải thiện, vươn lên.

Thực hiện Nghị quyết 17-NQ/HU ngày 25/3/2013 của Ban Thường vụ Huyện ủy (khóa XI) và Nghị quyết 04/2013/NQ-HĐND ngày 9/4/2013 của Hội đồng nhân dân huyện về “Tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện Đức Trọng giai đoạn 2013 - 2015”, trong vòng 3 năm qua, huyện Đức Trọng đã tăng cường đầu tư ở những xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, từng bước mang lại hiệu quả tích cực, đời sống nhân dân từ đó không ngừng được cải thiện, vươn lên.
 
Nông dân Đức Trọng đầu tư phát triển sản xuất - Ảnh: PHAN NHÂN
Nông dân Đức Trọng đầu tư phát triển sản xuất - Ảnh: PHAN NHÂN

Những con số đáng mừng
 
Tính đến nay, tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn của huyện Đức Trọng, 100% đường liên xã, 40% đường trục xã được bê tông hóa; 100% đường trục xã và đường trục thôn, xóm được cứng hóa. Ngoài ra, hệ thống thủy lợi đã đáp ứng 81,65% nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp. Hàng năm, các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đạt thêm 2 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới trở lên. Tại các xã này, thu nhập bình quân đầu người đạt 47,04% so với mức thu nhập bình quân đầu người toàn huyện.Về tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 - 2015, vào cuối năm 2013 là 2,59% đến cuối năm 2015 giảm còn 0,94% (trong đó, tỷ lệ hộ nghèo DTTS cuối năm 2013 là 6,53% và giảm còn 2,17% vào cuối năm 2015). Đối với các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo đến cuối năm 2015 giảm xuống dưới 7%, thôn nghèo, đặc biệt khó khăn còn dưới 3%. Các xã trên cũng đã cơ bản đạt chỉ tiêu đầu tư điện lưới phủ kín đến các thôn để phục vụ sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; 50% xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn đạt chuẩn quốc gia về y tế; 75% xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn có Nhà văn hóa.
 
Huy động mọi nguồn lực
 
Theo bà Phạm Thị Thanh Thúy - Phó Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, được sự quan tâm chỉ đạo của Huyện ủy, HĐND huyện, thời gian qua, UBND huyện đã chủ động, tích cực tập trung chỉ đạo thực hiện việc tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện; từ đó, đạt được những kết quả quan trọng. Theo đó, huyện Đức Trọng đã tăng cường đầu tư trên tất cả các lĩnh vực kinh tế; văn hóa - xã hội; quốc phòng - an ninh... Đồng thời, huy động các nguồn lực, lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo để triển khai thực hiện kế hoạch tăng cường đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tại các xã nghèo, xã đặc biệt khó khăn và vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện giai đoạn 2013 - 2015, tập trung chỉ đạo các xã nghèo, thôn nghèo thực hiện chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững đạt hiệu quả. Tổng kinh phí đã đầu tư thực hiện tại các xã nghèo, thôn nghèo, thôn đặc biệt khó khăn từ năm 2013 đến nay là gần 10,03 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư cho 1.001 hộ, trong đó có 648 hộ nghèo, 353 hộ cận nghèo, hộ có mức sống trung bình.
 
Hàng năm, huyện cũng tiến hành rà soát các danh mục công trình thiết yếu để đầu tư phục vụ sản xuất và dân sinh như: cầu, đường giao thông; hệ thống thủy lợi; xây dựng, sửa chữa trường học, trạm y tế; nước sạch sinh hoạt… phục vụ phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống và tăng thu nhập cho người dân. Cụ thể, nhằm tạo điều kiện cho người nghèo có vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi để đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện tiếp tục phát huy hiệu quả của các tổ ủy thác vay vốn và các tổ tiết kiệm vay vốn của các tổ chức đoàn thể theo đúng quy định, đảm bảo đúng đối tượng và mục đích sử dụng vốn vay. Tổng nguồn vốn vay từ NHCSXH là trên 48,03 tỷ đồng /2.899 lượt người vay; cấp 44.393 thẻ BHYT cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số; cấp và gia hạn 2.776 sổ hộ nghèo, sổ cận nghèo; hỗ trợ tiền điện cho hộ nghèo với kinh phí 780,3 triệu đồng; hỗ trợ xã hội đối với học sinh, sinh viên dân tộc thiểu số cư trú trên địa bàn huyện đang theo học tại các trường trung học, cao đẳng và đại học trong và ngoài tỉnh từ năm học 2013-2014 với tổng số kinh phí đã chi trả là gần 3,3 tỷ đồng /1.683 HSSV... Trong các năm qua, huyện cũng đã triển khai thực hiện nhiều chính sách giải quyết việc làm và đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Thông qua nhiều hình thức như giới thiệu việc làm, vay vốn giải quyết việc làm, giải quyết việc làm tại các doanh nghiệp trên địa bàn huyện, tại các trang trại sản xuất, hộ gia đình… đã giải quyết việc làm cho 4.554 lao động; tổ chức được 14 lớp đào tạo nghề cho 473 lao động nông thôn, trong đó có 313 người đồng bào dân tộc thiểu số. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 23,3%... Có thể nói, kinh tế - xã hội ở xã nghèo, thôn nghèo và vùng đồng bào dân tộc thiểu số của huyện Đức Trọng những năm gần đây đang từng bước được nâng lên, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dần được cải thiện; tỷ lệ hộ khá tăng lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống, giảm dần cách biệt về mức sống giữa thành thị và nông thôn.
 
Thy Vũ