Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - Ông Tổ chung của cả dân tộc ta trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
Tại kỳ họp thứ 7 của Tổ chức UNESCO, vào hồi 12 giờ 9 phút giờ Pari (tức 18 giờ 9 phút, giờ Việt Nam) ngày 6/12/2012, với sự đồng thuận của 24/24 nước, Ủy ban liên chính phủ thực hiện Công ước 2003 UNESCO đã chính thức thông qua đề cử và vinh danh “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - Ông Tổ chung của cả dân tộc ta trước nhân loại, thể hiện sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước.
|
“Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba”. Ảnh: VĂN BÁU |
Từ ngàn đời nay, người Việt đã lập đền thờ và thờ cúng các Vua Hùng tại núi Nghĩa Lĩnh, xã Hy Cương, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Trong tiến trình lịch sử dân tộc, Đền Hùng luôn được các triều đại phong kiến Việt Nam và nhân dân ta gìn giữ, hương khói thờ phụng Quốc Tổ. Sau khi nước nhà giành được độc lập, ngày 18/ 2/1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 22 về những ngày nghỉ tết, kỷ niệm lịch sử và lễ tôn giáo, trong đó có ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm. Từ đó đến nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn đặc biệt quan tâm tới việc thờ tự các Vua Hùng và đầu tư nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Đền Hùng ngày càng khang trang hơn, xứng tầm là nơi thờ tự Tổ tiên chung của dân tộc. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (mồng 10/3 âm lịch) người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương để tham gia các hoạt động hướng về cội nguồn, nhằm củng cố và phát huy khối đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Giỗ Tổ Hùng Vương từ rất lâu đã trở thành ngày lễ trọng đại của cả dân tộc Việt Nam. Dù ở đâu, người Việt Nam đều nhớ ngày Giỗ Tổ, đều hướng về vùng đất Tổ - Đền Hùng; điểm hội tụ văn hóa tâm linh của người Việt Nam, nơi tưởng nhớ, tôn vinh công lao các Vua Hùng. Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương hàng năm là ngày lễ trọng mang bản sắc văn hóa sâu sắc và độc đáo của dân tộc Việt Nam.
Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương - “Tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương ở Phú Thọ” không chỉ là di sản văn hóa của dân tộc Việt Nam, biểu tượng của tinh thần yêu nước và sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc Việt Nam, mà đó còn là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Từ đó, việc tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng hàng năm đã trở thành sự kiện có ý nghĩa rất quan trọng đối với dân tộc Việt Nam trong việc tôn vinh giá trị đại diện toàn cầu của Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng - Tổ tiên chung của cả dân tộc trước nhân loại; thể hiện sức mạnh đại đoàn kết trong quá trình đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc ta; nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, “Uống nước nhớ nguồn”, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân đã kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước.
Lịch sử như một dòng chảy liên tục, dù trải qua mấy nghìn năm, trước bao biến động thăng trầm, nhưng trong tâm thức của cả dân tộc, Đền Hùng vẫn là nơi của bốn phương tụ hội, nơi con cháu phụng thờ công đức Tổ tiên. Đền Hùng là nơi đặt nền móng cho lịch sử Việt Nam, một di tích vô giá của nhân dân Việt Nam; là biểu tượng của tổ tiên dân tộc Việt Nam - một dân tộc đã có truyền thống yêu nước - đoàn kết dựng nước và giữ nước; biểu tượng của tinh thần dân tộc, cội nguồn của sức mạnh, niềm tin chói sáng của nền văn hóa Việt Nam. Huyền thoại mẹ Âu Cơ đẻ ra trăm trứng, 50 con trai theo cha xuống biển, 50 con gái theo mẹ lên rừng luôn khơi dậy ý thức về dân tộc, nghĩa đồng bào và gắn kết người dân Việt Nam thành một khối đại đoàn kết, là khởi nguồn của yêu thương, đùm bọc, của sức mạnh Việt Nam.
Giỗ Tổ Hùng Vương - giá trị tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng, xét về phương diện xã hội, là sự thể hiện tính cố kết cộng đồng; truyền thống đoàn kết và lòng tự hào, tự tôn dân tộc. Đúng như Quyết định của UNESCO nêu rõ: “Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương” thể hiện lòng tôn kính đối với các bậc Tổ tiên và từ đó nâng lên lòng tự hào dân tộc và gắn kết cộng đồng từ tiềm thức đến hành động; đã trở thành điểm tựa tinh thần, là nguồn sức mạnh, niềm tin của toàn thể con dân đất Việt… Từ đó thôi thúc mọi người con đất Việt phải sống thật xứng đáng với các Vua Hùng, với tổ tiên”.
Không chỉ người Việt chúng ta tự hào về Đền Hùng, mà bạn bè quốc tế từng đến thăm viếng Đền Hùng cũng thật sự xúc động và vị nể về ý thức cội nguồn dân tộc của chúng ta. Bởi khó có một dân tộc nào trên thế giới có chung một gốc gác tổ tiên - một ngày giỗ Tổ như dân tộc ta.
|
Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương - điểm tựa tâm linh của dân tộc Việt. Ảnh: Q.UYỂN |
Đến ngày Giỗ Tổ, đến với Đền Hùng, chúng ta được tiếp thêm sức mạnh, ý chí, niềm tin để đoàn kết, vượt qua thử thách đi đến thắng lợi cuối cùng. Đúng như Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản thủ đô (ngày 19/9/1954): “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Lời căn dặn cũng là lời hứa quyết tâm ấy của Bác, đã được cả dân tộc ta thực hiện vào mùa xuân 1975, sau 30 năm gian khổ hy sinh, nhân dân ta đã quét sạch bọn xâm lược ra khỏi bờ cõi, giang sơn thu về một mối và tiếp tục giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay.
Lâm Đồng là một tỉnh Nam Tây Nguyên, cách xa Đền Hùng Phú Thọ cả nghìn cây số, nhưng hàng năm cứ đến ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch), từ sáng sớm hàng ngàn người dân các huyện, thành phố trong tỉnh và khách du lịch đã hội tụ tại Đền thờ Âu Lạc trong Khu du lịch thác Prenn - thành phố Đà Lạt để tham gia lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương. Chương trình lễ hội gồm phần nghi thức dâng lễ thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và phần hội là các hoạt động văn hóa - thể thao dân gian truyền thống của các vùng miền diễn ra khá phong phú, hấp dẫn. Đây là dịp để nhân dân các dân tộc tỉnh Lâm Đồng hướng về cội nguồn đất Tổ, báo công và bày tỏ sự thành kính, lòng biết ơn sâu sắc đối với các Vua Hùng đã có công dựng nước và tỏ rõ sự đoàn kết, chung sức, chung lòng, quyết tâm xây dựng đất nước nói chung, quê hương Lâm Đồng nói riêng ngày càng phát triển nhanh và bền vững, hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.
Là người dân Việt Nam, dù đang sinh sống ở trong nước hay ngoài nước, câu ca: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng Mười tháng Ba” đã trở thành lời nhắn nhủ, nhắc nhở mọi người con đất Việt hướng về cội nguồn dân tộc với tất cả tấm lòng thành kính và tình cảm thiêng liêng, sâu đậm nhất.
VĂN NHÂN