Trong chuyến công tác mới đây tại huyện Di Linh, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQ và các sở, ngành của tỉnh đã dành gần trọn thời gian đi kiểm tra thực tế tại cơ sở. Được tháp tùng cùng Đoàn công tác, chúng tôi, qua góc nhìn lăng kính, ghi nhận một vấn đề đang diễn ra hết sức bức bách. Đó là tình trạng hạn hán.
Trong chuyến công tác mới đây tại huyện Di Linh, đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo UBND tỉnh, UBMTTQ và các sở, ngành của tỉnh đã dành gần trọn thời gian đi kiểm tra thực tế tại cơ sở. Được tháp tùng cùng Đoàn công tác, chúng tôi, qua góc nhìn lăng kính, ghi nhận một vấn đề đang diễn ra hết sức bức bách. Đó là tình trạng hạn hán.
Chuyện rất ít khi thấy là vào mùa mưa, dòng nước rất “hung dữ”, thế mà đến thời điểm này, sông Đồng Nai rộng lớn lại quá… “hiền từ”, nước đã cạn kiệt dần, nhiều nơi trơ đáy. Như thế, huống chi là các ao, hồ thủy lợi nhỏ ở Đinh Trang Thượng. Tất cả đã bị phơi đáy dưới nắng gắt và để lại những vết nứt “chân chim”. Đồng chí Hàng Dờng K’Chiến - Bí thư Đảng ủy xã Đinh Trang Thượng, cho hay: “Trong đợt 1, xã chống hạn cho khoảng 80% diện tích; đợt 2, khoảng 40 - 45%; còn đợt 3, các ao, hồ nhỏ đều bị trơ đáy, diện tích chống hạn chỉ đảm bảo khoảng 30% diện tích cây trồng (nhờ hồ, đập lớn và giếng khoan - PV)”.
|
Một khúc sông Đồng Nai tại khu vực xã Đinh Trang Thượng đã cạn |
Đến xã Hòa Ninh, chúng tôi cũng ghi nhận là đã “rơi” vào tình cảnh tương tự. Lúc này, không bàn gì đến chuyện những ao, hồ nhỏ nữa, mà ngay cả công trình thủy lợi lớn nhất tại đây, là công trình Đập Thủy lợi thôn 8, lòng hồ cũng đã bị trơ đáy. Chiếc máy bơm nước còn lại cuối cùng chưa kịp chuyển về nhà, vì đã hết cơ hội chờ nước mạch chảy ra.
|
Bí thư Tỉnh ủy, cùng các thành viên trong Đoàn công tác, đứng trên Đập Thủy lợi thôn 8 nhìn ra lòng hồ |
Do địa hình đồi núi có độ dốc cao, Hòa Trung là xã gặp khó khăn nhất trong việc chống hạn so với các xã phía Nam huyện Di Linh. Trên địa bàn xã hiện chưa được xây dựng 1 công trình thủy lợi nào. Đến lúc này, hầu hết các ao, hồ không còn tý nước; nhiều diện tích cà phê bắt đầu héo lá. Ông Nguyễn Văn Sĩ - Bí thư Đảng ủy xã và ông Vũ Văn Phụng - Chủ tịch UBND xã, báo cáo với Đoàn công tác rằng: “Toàn xã có 1.280ha cà phê; trong đó, có 650ha đang bị khô hạn trầm trọng. Ngoài ra, lúc này, trong xã có hơn 400 hộ dân đang thiếu nước sinh hoạt”. Nghe thông tin này, Bí thư Tỉnh ủy bốc ngay máy điện thoại di động điện cho Công an Phòng cháy chữa cháy tỉnh chỉ đạo việc hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho bà con xã Hòa Trung.
Đến thực địa tại thôn 9 (xã Hòa Trung), khi thị sát một khu vực nằm giữa 2 triền dốc có thể đắp đập thủy lợi được, Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo lãnh đạo xã Hòa Trung phải gấp rút thăm dò ý kiến và nguyện vọng của dân; sau đó, đề xuất và có kế hoạch lập đề án xây dựng đập thủy lợi tại đây để phục vụ chống hạn lâu dài.
|
Bí thư Tỉnh ủy chỉ đạo xã Hòa Trung sớm lập đề án xây dựng đập thủy lợi tại đây để phục vụ chống hạn |
“Cháy nhà mới ra mặt chuột!”. Di Linh là huyện được Nhà nước đầu tư và là địa phương huy động sức dân làm thủy lợi khá mạnh mẽ, thế nhưng, khi gặp hiện tượng El nino kéo dài như thế này thì mới thấy điểm yếu của mình. Theo báo cáo của Bí thư Huyện ủy Di Linh Nguyễn Canh với Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Tiến: “Riêng cà phê, diện tích tưới nước chống hạn đợt 1 được 92%. Diện tích tưới nước đợt 2 chỉ đảm bảo được 76% diện tích đã tưới đợt 1. Trong đó, diện tích không có nguồn nước tưới đợt 2 khoảng 11.000ha, chiếm 24% diện tích cà phê”. Nếu El nino còn tiếp diễn, thì quả thực đây là một bất cập không lường!
Phóng sự ảnh: BÙI TRƯỞNG