Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership Agreement - TPP) khi đi vào thực thi tại Việt Nam trong thời gian đến được cho là sẽ có những tác động không nhỏ đến việc làm, đời sống người lao động và hoạt động công đoàn.
Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (Trans Pacific Partnership Agreement - TPP) khi đi vào thực thi tại Việt Nam trong thời gian đến được cho là sẽ có những tác động không nhỏ đến việc làm, đời sống người lao động và hoạt động công đoàn.
|
Sản xuất rượu vang tại Công ty Cổ phần Rượu bia - nước giải khát Đà Lạt |
Tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế
TPP là hiệp định thương mại tự do đầu tiên mà Việt Nam tham gia có các quy định liên quan đến lao động và công đoàn.
Với lao động, cũng như trong các hiệp định thương mại tự do (Free Trade Agreement - FTA) thế hệ mới, điểm nổi bật nhất trong Hiệp định này là việc yêu cầu tất cả các thành viên khi đặt bút ký vào phải tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế về lao động. Tuy nhiên, Hiệp định TPP không đưa ra tiêu chuẩn riêng về lao động mà chỉ khẳng định lại các tiêu chuẩn lao động được nêu trong Tuyên bố năm 1998 của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) về những nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động mà tất cả các nước thành viên TPP đều có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực thi với tư cách là thành viên ILO, trong đó có Việt Nam.
Vấn đề lao động được đề cập đến trong một Hiệp định có tầm ảnh hưởng sâu rộng như TPP để hướng về người lao động. Người lao động chính là đối tượng trực tiếp làm ra các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ trong thương mại quốc tế nên trước hết họ phải là người được hưởng lợi, được chia sẻ thành quả, cũng như được bảo đảm các quyền, lợi ích và các điều kiện lao động cơ bản.
Cùng đó, việc đưa nội dung về lao động vào TPP cũng như các FTA còn nhằm mục đích bảo đảm môi trường cạnh tranh công bằng giữa các bên trong quan hệ thương mại. Các nước tham gia TPP đưa ra những cam kết riêng về lao động trong một chương riêng của Hiệp định, đó là Chương 19 với những điều khoản cụ thể.
Đó là: quyền tự do liên kết và thương lượng tập thể của người lao động và người sử dụng lao động phải được đảm bảo; xóa bỏ lao động cưỡng bức và lao động bắt buộc; cấm sử dụng lao động trẻ em, xóa bỏ các hình thức lao động trẻ em tồi tệ; xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp.
Với công đoàn, các nội dung liên quan đến quyền công đoàn nằm trong bản kế hoạch đẩy mạnh quan hệ thương mại và lao động. Bản kế hoạch này được coi như một hiệp định biên của TPP mà Hoa Kỳ yêu cầu ký với các đối tác, trong đó có Việt Nam. 5 nguyên tắc về quyền công đoàn với Việt Nam được quy định trong TPP gồm quyền tự do tham gia công đoàn của công nhân; quyền tự quản của công đoàn, tự chủ trong việc nhận đại điện của công đoàn trong các đơn vị không có công đoàn; cán bộ công đoàn được tự chọn mang tính đại diện; ngăn chặn giới chủ can thiệp vào hoạt động của công đoàn. Mỹ là thành viên duy nhất thuộc nhóm các nước phát triển đưa ra kế hoạch và yêu cầu cụ thể trong hợp tác về lao động và công đoàn không chỉ với Việt Nam mà còn với 2 nước khác là Malaysia và Brunei.
TPP nêu rõ trong trường hợp các thành viên đã ký kết nhưng vi phạm các cam kết về lao động, công đoàn, không tuân thủ các tiêu chuẩn đã quy định có thể bị áp dụng các hình thức chế tài thương mại.
Cơ hội hay thách thức?
“Một vài năm tới, khi Việt Nam tiến sâu hơn vào TPP thì tác động từ TPP thực sự rõ ràng” - ông Phan Hồng Thọ, Trưởng ban Chính sách Pháp luật - Liên đoàn Lao động Lâm Đồng nhận xét.
Theo đánh giá của Liên đoàn Lao động tỉnh, việc thực thi các điều khoản trong TPP sắp đến sẽ mang lại những cơ hội lẫn thách thức cho cả người lao động lẫn hoạt động công đoàn trong cả nước và trong tỉnh nói riêng.
Cụ thể, với người lao động, TPP với việc mở cửa thị trường cũng sẽ mở ra những triển vọng mới về nghề nghiệp, cơ hội việc làm nhiều hơn, mức lương tốt hơn, người sử dụng lao động buộc phải quan tâm hơn đến đội ngũ người lao động. Tuy nhiên, thách thức đặt ra là bản thân người lao động cũng phải phấn đấu nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, nâng cao tay nghề để nắm bắt được cơ hội mới này.
Về phía công đoàn, khi TPP có hiệu lực, người lao động có quyền chọn người đại điện, thành lập tổ chức người lao động cho mình. Điều này sẽ dẫn đến việc có thể có tổ chức đại diện của người lao động nằm ngoài hệ thống tổ chức Công đoàn Việt Nam hiện nay. Các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch. Lúc đó, người lao động sẽ có nhiều cơ hội hơn trong việc lựa chọn người đại diện bảo vệ quyền lợi cho mình; môi trường lao động sẽ được cải thiện hơn. Tuy nhiên, đây chính là một thách thức lớn cho tổ chức Công đoàn Việt Nam.
Để tiếp tục khẳng định vị trí là người đại điện bảo vệ quyền lợi tốt nhất cho người lao động, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thời gian qua đã chỉ đạo Liên đoàn Lao động các tỉnh tích cực đổi mới phương thức hoạt động, tổ chức được các hoạt động cụ thể hướng về cơ sở, tiếp tục phát triển đoàn viên công đoàn. “Có thể coi đây là sự thách thức nhưng cũng là cơ hội, là động lực để Công đoàn Việt Nam, Liên đoàn Lao động các tỉnh thành đổi mới, hướng đến tính hiệu quả trong các hoạt động” - ông Thọ nhận định.
Trước mắt, Liên đoàn Lao động tỉnh chỉ đạo các công đoàn cơ sở trong tỉnh cần “đổi mới cách nghĩ, cách làm”, gần đoàn viên công đoàn hơn, quan tâm chú ý đến đời sống, nguyện vọng của đoàn viên, tổ chức được các hoạt động thiết thực hướng đến người lao động, vì người lao động.
VIẾT TRỌNG