40 năm trước, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng được thành lập để đáp ứng nhiệm vụ chăm lo đời sống và sức khỏe cho nhân dân sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau 40 năm, cũng một con đường và một mục tiêu duy nhất ấy, những con người trên mảnh đất Nam Tây Nguyên khoác trên mình màu áo của trái tim vẫn đang tiếp nối cuộc hành trình về những nơi xa xôi nhất, nghèo khó nhất để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
40 năm trước, Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng được thành lập để đáp ứng nhiệm vụ chăm lo đời sống và sức khỏe cho nhân dân sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Sau 40 năm, cũng một con đường và một mục tiêu duy nhất ấy, những con người trên mảnh đất Nam Tây Nguyên khoác trên mình màu áo của trái tim vẫn đang tiếp nối cuộc hành trình về những nơi xa xôi nhất, nghèo khó nhất để thực hiện sứ mệnh cao cả của mình.
|
Tập thể Hội Chữ thập đỏ Lâm Đồng |
Từ những ngày đầu mới thành lập, Hội CTĐ Lâm Đồng chỉ có một ban chấp hành lâm thời gồm 7 con người do Bác sĩ Nguyễn Văn Đài - Trưởng ty Y tế tỉnh lúc bấy giờ làm Chủ tịch, ông Nguyễn Bạt Tụy - nhân sĩ trí thức làm Phó Chủ tịch, Bác sĩ Trần Hùng làm Tổng Thư ký Thường trực, toàn bộ BCH hoạt động kiêm nhiệm và tự nguyện. Cuối năm 1978, Hội nghị BCH đã bầu ông Hồ Phú Diên - Phó Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy làm Chủ tịch kiêm nhiệm, BCH lâm thời hoạt động đến năm 1980. Nhiệm vụ trọng tâm của thời kỳ này chủ yếu là: Phát triển mạng lưới tổ chức hội đến 4 huyện Đơn Dương, Đức Trọng, Di Linh, Bảo Lộc và TP. Đà Lạt, đồng thời tiến hành tổ chức xây dựng điểm một số cơ sở hội tại các xã, phường và trường học.
Sau chiến tranh, bệnh dịch và đói kém thường xuyên xảy ra, lực lượng thanh niên CTĐ xung kích được tổ chức phát triển nhanh chóng với hàng trăm thanh niên tràn đầy nhiệt huyết, hăng hái tự nguyện và có mặt hoạt động ở khắp các vùng kinh tế mới trong tỉnh như: Núi Chai, Hà Giang... Lực lượng tuổi trẻ CTĐ xung kích đã tham gia hoạt động cứu trợ, khám bệnh phát thuốc miễn phí, thực hiện chủ trương 3 cùng (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với bà con nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
PV: Thưa ông, nhiệm kỳ 2011 - 2016, Đại hội Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng lần thứ VII với mục tiêu “Tự nguyện, chung sức vì sự nghiệp nhân đạo, vì hạnh phúc nhân dân”; toàn thể hội viên “Nâng cao năng lực vận động, thu hút nguồn lực, tổ chức có hiệu quả các hoạt động nhân đạo từ cơ sở”, Hội CTĐ tỉnh đã triển khai hiệu quả các hoạt động như “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, “Bếp ăn tình thương”, “Hiến máu nhân đạo”, “Giúp đỡ các nạn nhân chất độc da cam các tỉnh Tây Nguyên và Tây Ninh giai đoạn 2011 -2015”... tạo được nhiều dấu ấn trong cộng đồng xã hội, vậy mục tiêu của hội trong thời gian sắp tới sẽ tiếp tục như thế nào?
Ông Đỗ Hoàng Tuấn - Chủ tịch Hội CTĐ tỉnh Lâm Đồng: Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Phải xuất phát từ tình yêu thương nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ... Cán bộ, hội viên Chữ thập đỏ phải thực sự vì lợi ích của nhân dân mà phục vụ, không thiên về hình thức, tránh thái độ ban ơn”, Hội CTĐ Lâm Đồng sẽ tiếp tục thực hiện các chương trình lớn do Trung ương hội đề ra. Đặc biệt, triển khai sâu rộng, toàn diện Cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, xem đây là mục tiêu của phong trào thi đua và là chiến lược của toàn hội. Rà soát lại các địa chỉ nhân đạo cần duy trì và mở rộng thêm các địa chỉ mới, giúp các địa chỉ khó khăn vươn lên trong cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Phấn đấu năm sau vận động các giá trị nhân đạo cao hơn năm trước 10%.
PV: Xin chân thành cảm ơn ông!
|
Để giúp hội vượt qua khó khăn, tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ, năm 1979, Tỉnh ủy Lâm Đồng đã cử ông Phạm Thuần - UVBTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Tuyên giáo làm Chủ tịch danh dự của Hội CTĐ tỉnh và ban hành thông tri chỉ đạo các cấp ủy trong tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với Hội CTĐ các cấp. Có thể khẳng định rằng, thế hệ cán bộ chuyên trách đầu tiên của Hội CTĐ tỉnh và các địa phương khi mới thành lập, cho đến nay có người đã nghỉ hưu hay đang còn công tác, dù ở cương vị nào vẫn đang có những đóng góp tích cực, hiệu quả rất đáng trân trọng. Dù chỉ hoạt động trong thời gian 4 năm, nhưng BCH lâm thời của Hội CTĐ tỉnh đã thực sự có nhiều đóng góp to lớn trong việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương, tạo được niềm tin ở Đảng bộ, chính quyền và sự đồng thuận, hưởng ứng của nhân dân các dân tộc trong tỉnh trong những thời điểm khó khăn nhất.
Sau 40 năm hình thành và phát triển, chặng đường ấy của Hội CTĐ tỉnh cũng đã trải qua nhiều “cung bậc” cảm xúc với nhiều dấu ấn không thể xóa nhòa. Từ đầu những năm 1980, khi Đại hội đại biểu Hội CTĐ Lâm Đồng lần thứ I được tổ chức, hoạt động của hội đã đối mặt với vô vàn khó khăn. Các cơ sở dịch vụ của hội được tổ chức trước đây như: làm đường cát, dép nhựa, chế biến nước giải khát, nhà nghỉ... đều trong tình trạng cũ kỹ, không đáp ứng cơ chế đầu tư cho sản xuất, không đủ sức cạnh tranh tiêu thụ sản phẩm ở thị trường nên đã lần lượt phải giải thể, khiến cho nguồn kinh phí hoạt động của hội rơi vào hoàn cảnh bế tắc.
Hoạt động của Hội cũng tiếp tục gặp nhiều khó khăn trong nhiệm kỳ thứ II (1985 - 1988). Các cơ sở dịch vụ gây quỹ hội như: Trung tâm Y dược dân tộc cổ truyền, Đội văn nghệ phong trào phục vụ cho công tác tuyên truyền tiếp tục bị giải thể; thêm vào đó biên chế, kinh phí hoạt động của hội cũng bị cắt giảm, nên các hoạt động trong thời kỳ này bị bó hẹp, hội chủ yếu làm nhiệm vụ phát triển tổ chức hội cơ sở và công tác cứu trợ từ các nguồn tài trợ.
Đầu năm 1988, bước vào nhiệm kỳ lần thứ III, đây là thời điểm đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ về các hoạt động của hội trong thời kỳ mới. Cũng giai đoạn này, Trung ương Hội CTĐ đã hỗ trợ cho Tỉnh hội một số lượng lớn các loại hàng hóa cứu trợ và các hoạt động thiết yếu phục vụ các chương trình y tế như: lương thực, thực phẩm, chăn mền, quần áo viện trợ, màn ngủ và thuốc tẩm chống muỗi sốt rét, cũng như một số nhu yếu phẩm cứu trợ thiên tai lũ lụt. Đây được xem như là điểm nhấn để các hoạt động của hội có bước phát triển thuận lợi.
Ở mỗi một nhiệm kỳ, tùy vào thời điểm và tình hình thực tế, Hội CTĐ tỉnh lại có những chương trình hành động phù hợp, đạt được hiệu quả cao trong công tác, đồng thời tạo được dấu ấn đối với các tầng lớp nhân dân. Nếu như nhiệm kỳ 1993 - 1999 Hội chú trọng phát triển lực lượng thanh thiếu niên CTĐ xung kích cả về chất và lượng, qua đó các hoạt động chăm lo cho sức khỏe nhân dân được nâng cao và hoạt động phát triển cộng đồng được chú trọng thì đến năm 2000 đã có rất nhiều mô hình nhân đạo được nhân rộng, các gương điển hình, người tốt việc tốt trong việc giúp đỡ người nghèo, khuyết tật, khó khăn trong cuộc sống đã ngày một nhiều hơn. Chính những kết quả ấy, đã giúp cho Hội CTĐ tỉnh lần đầu tiên vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Năm 2007, một lần nữa Hội CTĐ Lâm Đồng được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì bởi những thành tích xuất sắc trong việc góp phần cải thiện tình trạng sức khỏe, đời sống vật chất và tinh thần của những người bị tổn thương, đặc biệt ưu tiên giúp đỡ nạn nhân chiến tranh, thiên tai, người khuyết tật nghèo để họ vượt qua khó khăn, hòa nhập chung vào đời sống cộng đồng.
|
Hội CTĐ luôn là địa chỉ đỏ đối với những người có hoàn cảnh khó khăn |
Trải qua 40 năm xây dựng và phát triển, có thể khẳng định rằng, các hoạt động của Hội CTĐ tỉnh ngày càng đạt được hiệu quả cao với những thành tích đáng trân trọng. 40 năm qua, hội đã tuyên truyền, vận động mọi tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh quyên góp ủng hộ, giúp đỡ cho hàng ngàn lượt đối tượng có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bất hạnh trong cuộc sống với tổng giá trị trên 300 tỷ đồng, trong đó nhiệm kỳ 2006 - 2011 là trên 110 tỷ đồng và riêng năm 2015, giá trị hoạt động của các cấp hội đạt gần 42 tỷ đồng. Thành quả trên là sự nỗ lực, cố gắng không ngừng nghỉ của trên 80 ngàn cán bộ, hội viên, thanh thiếu niên CTĐ của các cấp hội trong tỉnh và tấm Huân chương Lao động hạng Nhất của Nhà nước trao tặng cho hội trong năm 2015 là câu trả lời xác thực, rõ ràng nhất.
40 năm, quãng thời gian không dài nhưng đủ để nói lên tất cả những gì tốt đẹp nhất về gian khổ, sự hy sinh với mồ hôi, nước mắt của rất nhiều thế hệ những người làm công tác chữ thập đỏ đã từng nặng lòng cống hiến. Chặng đường 40 năm, Hội CTĐ Lâm Đồng như một “người đàn ông” trưởng thành, với tâm thế vững vàng nhất để tiếp nối cuộc hành trình ở phía trước, hay đúng hơn là tiếp tục thực hiện sứ mệnh nhân đạo cao cả của mình.
Linh Đan