Sở Y tế tỉnh hiện đang quản lý 7.856 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phần lớn là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố.
Việc thực hiện phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm của ngành Y tế Lâm Đồng là mô hình tốt cho các sở, ngành khác nghiên cứu học tập để đẩy mạnh việc phân cấp xuống cơ sở, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước toàn diện ở các ngành, các tuyến nhằm kiểm soát chặt chẽ chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm vì sức khỏe người dân.
|
Đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh kiểm tra tại Siêu thị Big C Đà Lạt |
BS Bùi Văn Độ - Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Lâm Đồng cho biết: Mục tiêu năm 2016 là nâng cao năng lực hệ thống tổ chức quản lý nhà nước về ATTP từ tỉnh đến huyện, xã, đủ năng lực quản lý và kiểm soát ATTP trong toàn bộ chuỗi cung cấp thực phẩm được thiết lập, góp phần bảo vệ sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng thực phẩm. Ngành Y tế triển khai thực hiện tốt việc quản lý nhà nước về ATTP theo Luật Thực phẩm và Thông tư 13 liên bộ Y tế - Nông nghiệp - phát triển nông thôn - Công thương quy định mỗi sản phẩm thực phẩm, mỗi cơ sở sản xuất thực phẩm chỉ một ngành chịu trách nhiệm quản lý nhà nước. Từ năm 2014, thực hiện Quyết định 539 của Sở Y tế về “Quy định phân cấp nhiệm vụ quản lý và tham gia quản lý nhà nước về ATTP trong ngành Y tế”, cơ bản mỗi một đơn vị chuyên môn của ngành Y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã được giao trách nhiệm rõ ràng, cụ thể trong việc quản lý nhà nước về ATTP. Nhờ vậy, khắc phục được tình trạng chồng chéo, hoặc bỏ sót trong việc quản lý, thanh tra, kiểm tra ATVSTP tại các cơ sở thực phẩm do ngành Y tế chịu trách nhiệm quản lý. Tuy nhiên, hiện nay, hai ngành Công thương và Nông nghiệp - phát triển nông thôn chưa triển khai phân cấp quản lý nhà nước về ATTP xuống tuyến huyện, xã nên vẫn còn khoảng trống trong việc quản lý nhà nước về ATTP.
Tổ chức đợt cao điểm kiểm tra, chấn chỉnh trật tự mỹ quan đô thị, ATVSTP
UBND tỉnh chỉ đạo từ nay đến hết tháng 5/2016, các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thành phố tổ chức ra quân đồng bộ thực hiện đợt cao điểm nhằm kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trật tự, mỹ quan đô thị kết hợp triển khai các hoạt động thiết thực nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2016 và chào mừng bầu cử ĐBQH khóa XIV, bầu cử HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 - 2021. Sở Y tế tăng cường các hoạt động kiểm tra, xử lý vi phạm việc kinh doanh thực phẩm đường phố nhân Tháng hành động vì ATTP năm 2016; tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện phong trào: “Nói không với thực phẩm bẩn”.
Chấn chỉnh tình trạng vi phạm trật tự đô thị như: lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông để kinh doanh, buôn bán hàng rong, lập chợ tạm tự phát, quảng cáo, rao vặt, phát tờ rơi... gây ô nhiễm môi trường, không đảm bảo ATVSTP, ảnh hưởng trật tự an toàn giao thông, làm mất mỹ quan và văn minh đô thị trên địa bàn tỉnh.
AN NHIÊN
|
Sở Y tế tỉnh hiện đang quản lý 7.856 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, phần lớn là cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Nếu không phân cấp mạnh mẽ xuống cơ sở, giao trách nhiệm cho các Trung tâm Y tế, các trạm y tế phường, xã, thị trấn quản lý kiểm soát về an toàn thực phẩm thì nguy cơ ngộ độc thực phẩm từ thức ăn đường phố là rất lớn. Tổng số cơ sở thực phẩm toàn tỉnh được ngành Y tế cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện là 4.582 cơ sở (chiếm 99,6%).
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về ATVSTP, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh triển khai 4 dự án bao gồm: Nâng cao năng lực quản lý chất lượng ATVSTP; thông tin giáo dục truyền thông đảm bảo ATVSTP; tăng cường năng lực hệ thống kiểm nghiệm chất lượng ATVSTP; phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh lây truyền qua thực phẩm. Năm 2015, không có vụ ngộ độc trên 30 người mắc; tỉ lệ mắc ngộ độc thực phẩm 3,3/100.000 người; không có tử vong do ngộ độc thực phẩm; 100% số ca mắc trong các vụ ngộ độc thực phẩm được báo cáo; 98,4% các cơ sở dịch vụ ăn uống do tỉnh quản lý được cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP.
Qua nhiều năm thực hiện chương trình, dự án vì chất lượng VSATTP, ngành Y tế có đủ năng lực để kiểm soát ATTP thông qua đơn vị chuyên ngành là Chi cục ATVSTP tỉnh và Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, phân cấp quản lý có hệ thống từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện và tuyến xã, phường, thị trấn. Chi cục ATVSTP đã được cấp chứng nhận ISO 9001:2008 cho 4 quy trình làm việc, bao gồm: cấp chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP; cấp hồ sơ công bố chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm; cấp giấy xác nhận kiến thức ATTP; cấp giấy xác nhận đăng ký nội dung hội thảo, hội nghị giới thiệu sản phẩm. Phòng kiểm nghiệm của Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh đã được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn theo ISO 17025.
Do bức tranh quản lý nhà nước về ATTP còn nhiều phân khúc, vấn đề quản lý thực phẩm hiện nay được Trung ương giao trách nhiệm cho nhiều ngành: Y tế, Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Công thương, Công an, Hải quan... và các địa phương. Do vậy, hoạt động liên ngành được tăng cường. Theo con số thống kê, trong năm 2015, hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành của 357 đoàn tuyến tỉnh, huyện, xã kiểm tra 12.498 cơ sở thực phẩm, phát hiện 2.779 cơ sở vi phạm, tiền phạt gần 295 triệu đồng. Vi phạm phổ biến là: điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị, dụng cụ, con người không đảm bảo ATVSTP.
BS Độ cho biết thêm: Ngành Y tế đã tổ chức nhiều cuộc thanh tra chuyên ngành về ATTP trên toàn tỉnh và triển khai giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm tại 10 huyện, thành phố với 127/223 mẫu giám sát đạt chất lượng ATVSTP (chiếm 56,95%), chỉ tiêu giám sát đạt chất lượng 330/455 chỉ tiêu (72,53%). Hậu kiểm chất lượng sản phẩm sau công bố đối với thực phẩm bao gói sẵn như bánh, kẹo, mứt, sản phẩm sấy ăn liền, nước cốt, nước chấm, sản phẩm thịt, sữa với 202 sản phẩm/94 cơ sở, kết quả kiểm nghiệm không đạt chỉ tiêu vi sinh 3%, chất bảo quản Kalisorbat 12,8% do sản phẩm không phù hợp với hồ sơ đã công bố hoặc quá liều lượng sử dụng. Xét nghiệm 1.320 mẫu, trong đó có 42 mẫu không đạt gồm: giò chả, bánh trung thu, mẫu dụng cụ, bàn tay phục vụ, nước dùng trong chế biến thực phẩm, nước uống đóng bình, nước đá; các mẫu xét nghiệm không đạt các chỉ tiêu về hàn the, foocmon, dấm ăn, salicylic.
Tiếp tục tăng cường các hoạt động đảm bảo ATTP trên địa bàn tỉnh, nhân Tháng hành động vì chất lượng ATVSTP, ông Phan Văn Đa - Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh chỉ đạo: “Sở Y tế - đơn vị thường trực phối hợp với các sở, ban, ngành, các cơ quan chức năng và UBND các huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh tập trung triển khai tốt các mục tiêu, yêu cầu đảm bảo ATVSTP, giảm các vụ ngộ độc thực phẩm ở mức thấp nhất. Yêu cầu các sở, ban, ngành phối hợp chặt chẽ hơn trong công tác quản lý ATTP. Đẩy mạnh tuyên truyền tạo sự chuyển biến tích cực về nhận thức, nâng cao trách nhiệm của lãnh đạo các cấp, các ngành và các tổ chức xã hội; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm ATTP, kiên quyết xử lý nghiêm các cơ sở thực phẩm vi phạm, xử phạt ở mức cao nhất, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết”.
AN NHIÊN