Lan tỏa yêu thương từ một mái trường

09:04, 22/04/2016

Chất hàng lên xe, rời chốn đô hội, chúng tôi xuôi về vùng sâu của huyện Đạ Huoai và những cơ sở tình thương ở Bảo Lộc. Nắng gắt, nóng táp, chẳng hề hấn, vì phía xa ấy, những mảnh đời thiệt thòi, những số phận éo le đang mong chờ...

Ngày Lễ giỗ Tổ Vua Hùng năm nay lại đến, như mỗi lần, tranh thủ nghỉ lễ hoặc chủ nhật, thứ bảy khi rời bục giảng, các giáo viên và cán bộ (GV, CB) Trường Tiểu học (TH) Phan Như Thạch, Đà Lạt lên đường với hành trang chân tâm làm thiện nguyện. Chất hàng lên xe, rời chốn đô hội, chúng tôi xuôi về vùng sâu của huyện Đạ Huoai và những cơ sở tình thương ở Bảo Lộc. Nắng gắt, nóng táp, chẳng hề hấn, vì phía xa ấy, những mảnh đời thiệt thòi, những số phận éo le đang mong chờ...
 
Cùng múa hát với trẻ em Trường Mầm non Đạ Ploa
Cùng múa hát với trẻ em Trường Mầm non Đạ Ploa

Lan tỏa tình yêu thương
 
Nhà giáo ưu tú, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Lâm Đồng Thái Thị Hạnh nhận xét về Trường TH Phan Như Thạch: “Đây là đơn vị trường học nhiều năm dẫn đầu phong trào “xã hội hóa” trong cộng đồng cùng làm việc thiện nguyện. Từ CB, GV, học sinh (HS) đến các bậc phụ huynh, lần tổ chức nào nhà trường cũng thành công; có tác dụng giáo dục rất sâu sắc”. Nhà trường có 3 phương pháp xây dựng và nhân rộng tình yêu thương nhân ái để vừa giáo dục truyền thống cao quý của người Việt là “thương người như thể thương thân”, “môi hở răng lạnh” vừa duy trì hoạt động nhân đạo rất có hiệu quả. Đó là tập thể các lớp HS nuôi heo hàng tháng do GV chủ nhiệm chịu trách nhiệm động viên, nhắc nhở; Công đoàn, Ban Giám hiệu và Chi hội Chữ thập đỏ phối hợp tổ chức cho HS hội thi văn nghệ và lựa chọn tiết mục công diễn, kêu gọi sự ủng hộ quyên góp từ phía CB, GV trong trường cùng các bậc phụ huynh. Và đó là huy động sự phát tâm của CB, GV trong từng chuyến cụ thể đi làm thiện nguyện. Cách làm của Trường TH Phan Như Thạch cho đến nay đã đạt được hàng trăm triệu đồng tiền mặt, nếu quy đổi giá trị thì lên con số tỉ đồng nhờ tính công khai, minh bạch và thực chất có ý nghĩa. Nhà trường chủ yếu làm tròn vai trò kêu gọi và cầu nối, mọi người tự nguyện tham gia. Rất, rất nhiều người đồng hành với nhà trường, từ các anh, chị là chủ doanh nghiệp như chị Thy, chị Ngân, chị Tú Anh, vợ chồng anh Quân - chị Thoại Tiên, anh Xuân Hùng, anh Thanh Hùng, anh Tuyên...; đến những người làm các công việc khác nhau như anh Tài lái xe, cô giáo mầm non Nguyễn Thị Hồng và chị Nga thợ may ở Đức Trọng, cô giáo THCS Nguyễn Thị Vi Vi ở Đà Lạt, y sĩ Lê Thủy Trâm; anh Cường ảo thuật gia hay chị Quyên trang điểm... Và hàng trăm tấm lòng thơm thảo khác luôn đứng sau hoặc đồng hành với nhà trường mà tôi không thể nhớ và không thể kể hết. Họ chẳng muốn đặt tên, khác nhau về ngành nghề, vị thế xã hội và lứa tuổi, nhưng giống nhau ở một tấm lòng nhân ái...
 
Góp sức tô đẹp cuộc đời 
 
Tôi tham gia khá nhiều chuyến thiện nguyện với tập thể Trường TH Phan Như Thạch mấy năm nay. Mỗi chuyến đi, dù trong thành phố Đà Lạt hay nơi vùng sâu các huyện Đức Trọng, Đam Rông, Đơn Dương, Lạc Dương, Đạ Huoai, Lâm Hà, Bảo Lộc... lần nào cũng vất vả, vội vàng bởi thời gian thì ít, việc làm thì nhiều hay đường thì cách trở xa xôi. Tôi đã chứng kiến rất nhiều cô giáo đã say xe rũ rượi như tàu lá héo trên xe khi trở về trường sau mỗi chuyến đi. “Mệt, rất mệt, nhưng vui...!”, đó là câu nói họ thường động viên, chia sẻ trong giao cảm tâm tình đồng nghiệp. Làm việc thiện, hãy đừng chờ khi có điều kiện. Đó là điều để dễ cắt nghĩa những hạt nhân nòng cốt của phong trào làm thiện nguyện Trường TH Phan Như Thạch như Hiệu trưởng Trần Thị Công Nga, Chi hội trưởng Chữ thập đỏ Nguyễn Thị Ngọc, Chủ tịch Công đoàn Hoàng Thị Nga... luôn theo riết những hành trình nhân đạo. Tôi nhớ, lần trao quà cho tập thể hơn 70 HS các dân tộc xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, khi lên xe trở về Đà Lạt, Nguyễn Thị Ngọc tiếp tục phát động: “Ở đấy là xứ nóng quanh năm, ni sư đề nghị có chiếc tủ lạnh để bảo quản thức ăn, mọi người về tìm cách đóng góp đợt sau mình mua mang xuống tặng nhé”. Tôi có cảm giác chiếc xe lên đèo như chùng xuống vì sự cộng hưởng của lòng trắc ẩn từ mỗi người ngồi trên xe... Thế rồi, chỉ khoảng 1 tháng, đoàn tiếp tục hành trình gần 300km đi về để trao cho cơ sở các lớp học tình thương Đạ Ploa chiếc tủ lạnh cùng các phần quà cho HS. 
 
Cảm được những tấm lòng, rất nhiều đại diện nơi đoàn đến đã bày tỏ lòng tri ân những nghĩa cử ấy. Tại Bếp ăn từ thiện của Trung tâm Y tế Đam Rông, chị Vừ A Hàm, người dân tộc Mông ở xã Rô Men, anh Ha Lin dân tộc K’Ho tại xã Liêng Srônh sau khi nhận phần cơm cho người nhà bệnh nhân đều thấy ấm lòng như cách nói chân tình của họ rằng đây là những suất “cơm ngon không mất tiền”. Tôi hiểu, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”... Cũng nghèo nhưng còn mang trên mình bệnh thần kinh, hơn 400 bệnh nhân ở Cơ sở Trọng Đức huyện Đức Trọng luôn là địa chỉ lui tới của Trường TH Phan Như Thạch. Mỗi lần ô tô dừng lăn, hàng trăm ánh mắt dáo dác mừng vui của bệnh nhân đón đợi, lời nói có thể không được rõ ràng nhưng dâng trào xúc động...”. Sau khi biết gia đình chị Ma Ny ở xã Tà Năng, Đức Trọng bị sét đánh, chồng chết, con thơ dại, anh chị em thiện nguyện xúm tay vào. Kết quả, cá nhân gia đình chị được trao tặng một sổ tiết kiệm 25 triệu đồng, cùng lương thực, thực phẩm và 2 đứa con được Làng SOS cưu mang nuôi ăn học; hơn thế HS Trường TH Tà Năng được nhận 15 chiếc xe đạp và sách, vở, áo quần... Đoàn đi, tình người vẫn còn lưu lại... 
 
Phong trào làm từ thiện của Trường TH Phan Như Thạch đã được ghi nhận bằng nhiều bằng khen, giấy khen của tổ chức trung ương và địa phương, nhưng trân quý nhất vẫn là những lời tri ân sâu sắc chính từ các cá nhân mà Đoàn từng đến. Cô Nguyễn Thị Ngọc từng chia sẻ: “Làm từ thiện như là cái nghiệp, cứ được chỗ này là lại nghĩ đến chỗ khác, không làm không được...”. Vâng, đó là nhu cầu tự thân!
 
TĨNH XUYÊN