Ở điểm trường giữa rừng sâu tiểu khu 179, thuộc xã Liêng Srônh, mặc dù các thầy cô giáo dạy học sinh bằng tất cả cái tâm của người thầy nhưng ước mơ của những đứa trẻ vẫn chưa thoát nổi việc "muốn làm rẫy" sau những ngày du canh du cư.
Ở điểm trường giữa rừng sâu tiểu khu 179, thuộc xã Liêng Srônh, mặc dù các thầy cô giáo dạy học sinh bằng tất cả cái tâm của người thầy nhưng ước mơ của những đứa trẻ vẫn chưa thoát nổi việc “muốn làm rẫy” sau những ngày du canh du cư.
|
Cô giáo Ka Huyền và học trò ở tiểu khu 179 |
“Để các cháu không mù chữ”
Cách trung tâm huyện gần 60km, muốn đến được điểm trường 179, các thầy cô giáo Trường Tiểu học Liêng Srônh phải đưa chúng tôi đi qua địa phận của tỉnh Đăk Nông, băng qua những con dốc ngoằn ngoèo kéo dài từ chân tới đỉnh đồi, những nương rẫy bạt ngàn cà phê và cả những ngọn đồi đã bị thiêu rụi. Đoàn chúng tôi khởi hành lúc 8h sáng, nhưng vào tới điểm trường cũng là lúc chẳng ai còn thấy nổi bóng mình in trên nền đất. Thầy giáo Trần Phi Thế (29 tuổi), cho biết: “Các anh chị vào đây đúng mùa khô nên đường còn dễ đi đấy. Chứ vào mùa mưa thì không vào nổi đâu. Thầy cô cuối tuần muốn ra ngoài xã phải quấn xích vào bánh xe. Ra đến đường lớn, bụi đất bám đầy người lẫn xe, trông thầy cô cũng chẳng khác nào vừa từ rẫy về”.
Điểm trường 179 được thành lập từ tháng 8/2013, có 4 phòng học cho học trò lớp 1 đến lớp 3 (có 2 lớp 3) với 93 học sinh đều là người dân tộc Mông. Các lớp học được ghép từ những tấm gỗ mỏng. Cô Hoàng Hải Yến - Hiệu phó Trường Tiểu học Liêng Srônh cho biết: “Việc đi lại và giảng dạy ở điểm trường 179 có muôn vàn khó khăn. Bởi thế, những thầy cô được nhà trường phân công vào công tác đều rất trẻ. Trường luân phiên giáo viên hàng năm. Nhưng nhiều thầy cô thương các em nên tình nguyện xin giảng dạy trong này, hai, ba năm liên tiếp”.
Là người gắn bó với điểm trường từ những ngày mới thành lập, thầy giáo Thế cho biết: “Người Mông ở đây chỉ có đàn ông trong gia đình nói tiếng Việt. Còn phụ nữ và trẻ em thì không, bởi thế các em rất rụt rè và ngại tiếp xúc với người lạ. Nên cứ vào đầu năm học mới, để chuẩn bị cho các em vào lớp 1, các thầy cô đều phải mở lớp học đặc biệt kéo dài trong vòng 36 buổi để tăng cường tiếng Việt cho các em”. Cũng là người giảng dạy ở điểm trường này từ những ngày đầu tiên, thầy Đỗ Văn Vụ, kể lại: “Những ngày mới vào điểm trường, không điện, không sóng điện thoại. Các thầy cô tranh thủ hoàn tất công việc lúc trời còn sáng. Đêm xuống, điểm trường cũng chìm trong cái tĩnh mịch của núi rừng. Giờ có máy phát điện rồi, nhưng các thầy cô thì vẫn còn phải dò sóng điện thoại”.
Là giáo viên nhưng thầy cô ở điểm trường 179 không có khái niệm buổi học. Bởi bất cứ lúc nào học trò cũng có thể đến trường và nhờ thầy cô chỉ bài. Cô giáo Ka Huyền, tâm sự: “Vào những ngày mưa, cô và trò phải dồn vào ngồi ở dãy bàn giữa. Sàn nhà lênh láng nước bởi gió tạt mưa bay qua kẽ ván vào lớp. Vậy nhưng không có em nào nghỉ học. Bởi thế, mặc dù phân trường ở giữa rừng sâu song thầy cô không phải tới nhà vận động học sinh đi học”. Giữa điểm trường tiểu khu 179 này, tình thầy trò rất đơn sơ mà lại nặng nghĩa tình. “Ngày 20/11, lũ học trò rủ nhau chặt mấy cây mía trên rẫy, kết một vòng hoa dã quỳ, tặng các thầy cô ngày 20/11”, cô Ka Huyền kể lại. Bởi cái tình thầy trò thân thương đó mà các thầy cô nơi đây cứ chiều chủ nhật lại chất đầy rau, gạo, sách, vở vào say mê “gieo chữ” cho học trò “để các cháu không mù chữ”.
|
Đa số các em học sinh ở đây đều đi học quá tuổi |
Hệ lụy của việc di cư tự do
Chúng tôi đến tiểu khu 179 khi mà xe của Trung tâm phát hành phim và chiếu bóng tỉnh Lâm Đồng đang có buổi chiếu phim ở đây. Những đứa trẻ và cả bố mẹ chúng như đang được lạc vào một thế giới khác trên màn ảnh. Đã 11 giờ đêm nhưng chưa ai muốn về nhà, mặc cho sương rừng rơi xuống dày đặc và sáng tinh mơ hôm sau họ phải lên rẫy. Học ngoại ngữ, kỹ năng sống, vi tính, tham gia các hội thi tin học, đến khu vui chơi... là những điều quá xa lạ với những đứa trẻ nơi này. Bởi bố mẹ di cư tự do vào rừng quá sâu nên các em thậm chí không biết đến sự tồn tại của những thứ đó. Theo số liệu khảo sát đầu năm của Trường Tiểu học Liêng Srônh, tiểu khu 179 có 85 hộ người dân tộc Mông sinh sống. Nhưng đến hôm nay, trưởng thôn Ma Seo Tráng lại nói rằng đã có thêm 8 hộ nữa. Tất cả những hộ dân này đều không có hộ khẩu bởi họ di cư tự do và lấn chiếm đất rừng trái phép.
Những đứa trẻ ở tiểu khu 179, vì phải rong ruổi theo những ngày di cư tự do rồi du canh du cư của cha mẹ nên việc học hành của các em cũng bị dở dang. Bởi thế ở điểm trường 179, có rất nhiều học sinh đi học khi đã quá tuổi. Trong lớp 1 của cô giáo Ka Huyền có em Vừa Thị Dua (14 tuổi) và Vừa A Tổng (13 tuổi). Hai em ngồi ở cuối lớp học và vẫn hồn nhiên đọc từng chữ cái. Vừa Thị Dua đã nhiều lần tâm sự với cô giáo Ka Huyền rằng “Em muốn đi học, em sợ lấy chồng lắm”. Dua sợ, bởi ở nơi này, những đứa trẻ trạc tuổi Dua đã phải đi lấy chồng bởi “nhà người ta muốn có thêm người về làm rẫy”. Và không khó để bắt gặp, những cô bé tuổi chỉ vừa 13, 15 nhưng đã con bồng, con bế trên tay.
Ở nơi đây, cái nhìn của những đứa trẻ không vượt quá ngọn cây. Và khoảng trời của những đứa trẻ cũng chỉ giới hạn bởi khoảng rừng mà bố mẹ các em đã chặt phá. Trời nắng chang chang, những cái đầu trần, những đôi chân đất vẫn hồn nhiên chạy trên những con đường mòn nhỏ ngoằn ngoèo. Cô giáo Ka Huyền, nói “trẻ em nơi đây, mới mấy tháng tuổi đã trên lưng mẹ lên rẫy, 5 hoặc 6 tuổi đầu thông thạo chuyện nương rẫy là điều rất đỗi bình thường. Tuổi thơ của các em không còn gì khác ngoài rẫy, mỳ hay cà phê”. Bởi thế, khi được hỏi sau này em muốn làm gì, Vừa A Tổng bẽn lẽn nói “muốn làm rẫy”.
Ông Trần Đức Tâm - Phó Chủ tịch UBND huyện Đam Rông, cho biết: “Mặc dù chính quyền địa phương đã rất nỗ lực, song việc di cư vẫn chưa dừng lại. Năm 2004 và 2005, huyện đã xây dựng khu ổn định dân di cư tự do tại thôn 5 và thôn 4 - xã Rô Men cho gần 200 hộ đồng bào Mông từ các tỉnh Hà Giang, Lào Cai đến. Từ năm 2009 đến nay, huyện cũng đã tập trung đầu tư kinh phí để cấp đất sản xuất, xây dựng nhà ở và ổn định cuộc sống cho 110 hộ, với trên 500 nhân khẩu đồng bào Mông di cư từ các tỉnh phía Bắc trên tổng diện tích 117 ha, thuộc Tiểu khu 212, xã Phi Liêng. Nhưng hiện vẫn còn khoảng 400 hộ đồng bào DTTS di cư tự do sống trong khu vực rừng giáp ranh tỉnh Đăk Nông”.
Những cuộc di cư tự do của bố mẹ đã vô tình “tách” con em mình quá xa với cuộc sống hiện đại để các em “lạc điệu” trong dòng chảy của sự phát triển. Những nỗ lực rất lớn của các thầy cô vùng sâu, đã giúp các em xóa mù chữ nhưng không thể đưa các em đi xa hơn tới tương lai. Những cánh rừng bị chặt, bị thiêu rụi có lẽ sẽ không dừng lại trên những con đường dẫn chúng tôi vào điểm trường 179, mà nó sẽ còn lan rộng ra nữa khi mà những người Mông vẫn đang từng ngày cố gắng đưa con em mình vào sâu hơn trong rừng.
N. NGÀ - H. YÊN