Nữ trưởng thôn đa năng

09:04, 06/04/2016

Chị Đặng Thị Mai (ngụ tại thôn 12, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) vừa trở về sau Hội nghị tổng kết Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Ở tuổi 37, chị đã có một bề dày thành tích với nhiều danh hiệu được khen thưởng. Người phụ nữ đa năng này hội tụ sự năng nổ trong công tác xã hội, giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân ái. 

Chị Đặng Thị Mai (ngụ tại thôn 12, xã Hòa Nam, huyện Di Linh) vừa trở về sau Hội nghị tổng kết Phong trào thi đua yêu nước tỉnh Lâm Đồng năm 2015. Ở tuổi 37, chị đã có một bề dày thành tích với nhiều danh hiệu được khen thưởng. Người phụ nữ đa năng này hội tụ sự năng nổ trong công tác xã hội, giỏi làm kinh tế, giàu lòng nhân ái. 
 
Chị Mai và mô hình nuôi cá lồng trên mặt nước của Nhà máy Thủy điện VRG Bảo Lộc.
Chị Mai và mô hình nuôi cá lồng trên mặt nước của Nhà máy Thủy điện VRG Bảo Lộc

Khi chúng tôi đặt chân đến xã Hòa Nam, hỏi thăm nhà chị Đặng Thị Mai thì mọi người đều hỏi lại “Có phải anh tìm nhà chị Mai “cá lồng” không?”. Rồi họ tận tình chỉ đường cho chúng tôi đến gặp chị. Qua tìm hiểu, chúng tôi mới biết cái tên chị Mai “cá lồng” là biệt danh mà người dân địa phương nơi đây dùng để gọi chị bằng sự khâm phục và kính trọng. 
 
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở tỉnh Nam Định, năm 1996, chị cùng gia đình vào xã Hòa Nam lập nghiệp với mong muốn thoát ly cái nghèo. Đến vùng đất mới, chị đã gặp anh Đoàn Văn Thủy (ngụ tại tỉnh Tuyên Quang) cũng vào Hòa Nam lập nghiệp rồi 2 người nên duyên vợ  chồng. Cùng chung chí hướng, không cam chịu khó khăn, đói nghèo, vợ chồng chị Mai đã tích góp và mua lại được 1,3ha cà phê để sản xuất. Nhằm có thu nhập trang trải cho cuộc sống và đầu tư chăm sóc vườn cà phê, vợ chồng chị đã cùng nhau bươn chải làm thuê nhiều nghề như phụ hồ, hái chè, cà phê, làm cỏ thuê... Thực hiện Chương trình tái canh cà phê do địa phương phát động, gia đình đã tiên phong chuyển toàn bộ diện tích cà phê già cỗi, kém năng suất sang ghép các loại giống mới. Vừa làm, vừa học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, cứ thế, vườn cà phê của gia đình chị ngày càng phát triển và hiện đạt năng suất trung bình 7 tấn/ha/năm. Khi đã có chút vốn liếng, tranh thủ lúc nông nhàn, bản thân chị Mai còn đi khắp vùng để thu mua các loại trái cây như mít, bơ, chuối... rồi bỏ mối và mở quán tạp hóa bán để kiếm thêm thu nhập.
 
Mặc dù lam lũ, vất vả làm đủ thứ nghề mưu sinh nhưng người phụ nữ này luôn tìm cơ hội để phát triển đời sống khấm khá hơn nữa. Và rồi, “cái duyên” làm giàu từ nghề nuôi cá lồng đã đến với chị và gia đình. Chị Mai tâm sự: “Cứ nói đến chuyện tìm hướng làm giàu chính đáng để phát triển kinh tế gia đình là tôi ham lắm. Vì vậy, năm 2007, trong một lần đi thăm gia đình bà con ở Đồng Nai, tôi được người bác họ dẫn  đi tham quan mô hình nuôi cá lồng của bác và các hộ dân lân cận. Nhận thấy đây là một mô hình triển vọng và mang lại hiệu quả cao cho người chăn nuôi, tôi đã xin phép bác họ ở lại để tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm. Về nhà, tôi đem chuyện nuôi cá lồng kể với chồng thì anh ấy cười và bảo với tôi: “Anh cũng biết đây là mô hình hay, nhưng ở vùng đất này làm gì có hồ mà nuôi cá. Chắc mình tìm hướng khác thôi, em đừng suy nghĩ mà thêm đau đầu”. Thấy chồng phân tích cũng có lý, nhưng tôi vẫn ấp ủ sẽ thực hiện mô hình này”.
 
Và rồi như một cơ duyên, năm 2008, khi biết tin Nhà máy Thủy điện VRG Bảo Lộc (thuộc Tổng Công ty Cao su Việt Nam) chặn dòng phát điện trên sông Đại Bình tại thôn 4, xã Lộc Nam (huyện Bảo Lâm), chị xem đây là cơ hội có “một không hai” để thực hiện mong muốn của mình. Từ đây, chị đã bàn bạc với chồng để đi đến quyết định thuê lại mặt nước của Nhà máy Thủy điện VRG đầu tư nuôi cá. Ban đầu, tuy kinh nghiệm còn ít nhưng gia đình chị vẫn mạnh dạn đầu tư gần 200 triệu đồng nuôi 5 lồng cá. Sau lứa thu hoạch đầu tiên, chị nhận thấy các điều kiện từ nguồn nước, khi hậu đều thuận lợi nên đã chủ động tìm hiểu thêm kỹ thuật qua sách vở, báo, đài và tiếp tục về Đồng Nai để học hỏi kinh nghiệm. Dần dà, công việc chăn nuôi “ăn nên làm ra” đã tạo điều kiện để gia đình chị đầu tư mở rộng quy mô từ 5 lồng, 10 lồng và đến 15 lồng. Hiện nay, mô hình chăn nuôi của gia đình chị Mai đã phát triển được 40 lồng với các loại cá như diêu hồng, rô phi, chép, trắm cỏ, cá trê... “Sản lượng cá thịt được gia đình tôi xuất bán đã đạt tới con số từ 110 - 130 tấn/năm, nhưng vẫn không đủ cung cấp cho thị trường. Cá được tôi xuất bán đi hàng chục mối ở Di Linh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Sau khi trừ hết chi phí đầu tư, trung bình mỗi năm gia đình thu được từ 700 - 800 triệu đồng tiền lãi” - chị Mai phấn khởi.
 
Cùng với việc phát triển kinh tế gia đình, đến nay, gia đình chị Mai đang tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động tại địa phương, với mức thu nhập từ 3,5 đến 4 triệu đồng/tháng và hàng chục lao động thời vụ. Đồng thời, với vai trò và trách nhiệm của một Trưởng thôn, chị Mai đã giúp đỡ 13 hộ nghèo trong thôn vay hơn 500 triệu đồng để phát triển kinh tế gia đình; tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng nếp sống văn hóa lành mạnh... Ngoài ra, chị còn tham gia hỗ trợ địa phương hàng chục triệu đồng để làm đường GTNT, xây dựng hội trường thôn, trao học bổng, quà tết giúp học sinh nghèo...
 
Đặc biệt, với tấm lòng sẻ chia và bao dung, chị Mai đang nhận cưu mang 2 mảnh đời bất hạnh không nơi nương tựa là em Vương Văn Dũng (16 tuổi, là trẻ mồ côi) và ông Tống Ngọc Văn (60 tuổi, bị cụt 2 tay không thể lao động). Em Dũng chia sẻ: “Mặc dù không thân thích máu mủ, nhưng em luôn được mẹ Mai chăm sóc và xem như con ruột của mình vậy. Em rất thích học nghề lái xe và mẹ Mai cũng đã hứa khi đủ tuổi sẽ cho em theo học nghề này để tự lo cho cuộc sống. Em rất biết ơn những tình cảm mà gia đình mẹ Mai đã giành cho em cưu mang và chăm sóc em”.
 
Từ những thành tích của mình, chị Mai đã vinh dự được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Lâm Đồng và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen gắn với các hoạt động “sản xuất, kinh doanh giỏi”; là điển hình tiên tiến trong phong trào “Thi đua yêu nước” và “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” các giai đoạn 2008 - 2013 và 2010 - 2015. Ông Đoàn Thanh Chương, Chủ tịch UBND xã Hòa Nam, cho biết: “Chúng tôi rất tự hào về chị Mai, một trong những tấm gương tiêu biểu được các cấp từ địa phương đến trung ương khen thưởng. Chị Mai thực sự xứng đáng là một người Trưởng thôn “đa năng” trên mọi lĩnh vực của gia đình, địa phương và xã hội”.
 
KHÁNH PHÚC