Thêm năng lượng cho phát triển

09:04, 20/04/2016

Hợp tác với một đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu và tập hợp một đội ngũ nhân lực trình độ cao, chuyên sâu là ĐHQG-HCM, trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Lâm Đồng đã nhận được những sự hỗ trợ thiết thực để xây dựng các chương trình phát triển KT-XH, triển khai những hoạt động khoa học công nghệ có chiều sâu, đào tạo nguồn nhân lực...

Chương trình hợp tác “Đào tạo nguồn nhân lực và hoạt động khoa học công nghệ giữa tỉnh Lâm Đồng và Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh (ĐHQG-HCM) đến năm 2020” ký kết ngày 23/11/2012 với 4 nội dung: Triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Lâm Đồng; Đào tạo nguồn nhân lực; Chuyển giao, nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ; Xây dựng Khu đại học quốc tế tại Lâm Đồng. UBND tỉnh và ĐHQG-HCM vừa sơ kết các chương trình này và cùng bàn nội dung hợp tác giai đoạn 2016-2020.
 
Các đại biểu họp bàn nhiều nội dung quan trọng trong hợp tác. Ảnh: PHÙNG KHẮC ĐỒNG
Các đại biểu họp bàn nhiều nội dung quan trọng trong hợp tác. Ảnh: PHÙNG KHẮC ĐỒNG
Đem đến nguồn năng lượng mới
 
Hợp tác với một đơn vị có thế mạnh về nghiên cứu và tập hợp một đội ngũ nhân lực trình độ cao, chuyên sâu là ĐHQG-HCM, trong giai đoạn 2013-2015, tỉnh Lâm Đồng đã nhận được những sự hỗ trợ thiết thực để xây dựng các chương trình phát triển KT-XH, triển khai những hoạt động khoa học công nghệ có chiều sâu, đào tạo nguồn nhân lực... Có thể kể đến những nội dung góp ý, tư vấn, phối hợp thực hiện từ phía ĐHQG-HCM qua các đề án, hội thảo, hội nghị xúc tiến nhận được sự quan tâm rộng rãi, tạo được dấu ấn như: đề án “Xây dựng cơ chế đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050”, hội thảo “Đà Lạt - thành phố trong rừng, rừng trong thành phố - Mô hình phát triển đô thị hiện đại và bản sắc”; hội thảo “Phát triển nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Tây Nguyên”; hội thảo khoa học “Di tích khảo cổ Cát Tiên - 30 năm nhìn lại”. Các nội dung đã thực hiện từ tầm tổng quan vùng Tây Nguyên, cấp tỉnh, đến những địa phương có ảnh hưởng và phù hợp với đề tài như huyện Đơn Dương (với những chương trình khoa học công nghệ), huyện Cát Tiên (khảo cổ, cơ cấu kinh tế)...
 
Chị Bành Lê Họa Mi (hiện là Phó phòng Tổng hợp - Ngân hàng Phát triển Việt Nam chi nhánh Lâm Đồng) đã được tham gia chương trình hợp tác đào tạo Thạc sỹ ngành Quản trị kinh doanh. Chị cho biết, người học đã được sự hướng dẫn, giảng dạy của đội ngũ thầy cô là các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ đến từ Đại học Bách khoa (thuộc ĐHQG-HCM). Không chỉ truyền đạt kiến thức hàn lâm mà những nhà khoa học với kinh nghiệm sâu và rộng đã trao đổi cả những kỹ năng làm việc, cách tổ chức công việc hiện đại, hiệu quả; sau khóa học vẫn luôn sẵn sàng trả lời các câu hỏi thực tế thông qua điện thoại, email. Hơn nữa, học viên vẫn được ở tại chỗ, đỡ tốn kém thời gian đi lại và chi phí sinh hoạt nên chương trình hợp tác đã đem đến nhiều hiệu quả hơn cả mong đợi. Trong những năm qua, ĐHQG-HCM đã tích cực đào tạo chuyên gia với số lượng khoảng 500 học viên; đào tạo cán bộ quản lý, bồi dưỡng nghiệp vụ cho chương trình đào tạo cán bộ trẻ thuộc diện quy hoạch nguồn nhân lực quản lý của tỉnh; tổ chức các lớp ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế...
 
ĐHQG-HCM đã chuyển giao 11 đề tài nghiên cứu khoa học và 7 dự án đang triển khai theo đặt hàng của địa phương, theo nhu cầu của địa phương: Mô hình tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực chiếu sáng công cộng, cơ quan, trường học, khách sạn trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Nghiên cứu xây dựng cơ chế kết hợp giữa bảo tồn cảnh quan đa dạng sinh học và không gian văn hóa tại Khu Dự trữ sinh quyển Langbian; Mối quan hệ giữa người Cil và Srê (Kơho) qua quá trình sử dụng đất đai ở Lâm Đồng; Nghiên cứu giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học huyện Cát Tiên - Lâm Đồng; Nghiên cứu tách chiết Taxol từ lá cây Thông đỏ ứng dụng chữa trị ung thư...
 
Khai thác những nội dung thiết yếu
 
Qua 3 năm hợp tác, theo đánh giá chung, các hoạt động đã bám sát chương trình được ký kết, tích cực đào tạo nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhân lực chất lượng của tỉnh. Đồng thời thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học có chất lượng, ứng dụng cao, đảm bảo thời gian, cơ bản phục vụ được các yêu cầu của địa phương.
 
Dù vậy, hoạt động hợp tác vẫn còn một số hạn chế như: Một số chương trình đào tạo chưa triển khai được theo kế hoạch, đào tạo tập trung chủ yếu vào ngành quản trị kinh doanh, các ngành đào tạo khác quy mô tuyển sinh còn giới hạn. Bên cạnh đó, các đề tài nghiên cứu còn rời rạc, chưa thực sự đi sâu vào để giải quyết vấn đề cấp bách hay mang tính chiến lược, tính liên ngành tác động đến sự phát triển kinh tế của địa phương. Đó còn là sản phẩm khoa học công nghệ được chuyển giao chưa thật sự tạo đà cho sự phát triển kinh tế của địa phương, chưa được nhân rộng. 
 
Trong các nội dung hợp tác, việc xây dựng dự án khu đại học quốc tế tại Lâm Đồng, đến nay vẫn chưa được triển khai. Tuy nhiên, ĐHQG-HCM đã cùng với Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) trao đổi các thông tin cụ thể để có cơ sở hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng dự án ĐH Quốc tế. Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM đang hoàn thành quy hoạch 1:2.000 dự án đầu tư cơ sở Trường Đại học Bách khoa tại Lâm Đồng.
 
Bàn về chương trình hợp tác cho thời gian tới, theo đồng chí Nguyễn Xuân Tiến, UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh thì nội dung hợp tác cần bám sát Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 về phát triển KT-XH; đồng thời cần dựa trên thế mạnh của từng trường thành viên thuộc ĐHQG-HCM để lựa chọn nội dung hợp tác cụ thể...
 
Dựa trên yêu cầu thực tế, bước vào giai đoạn mới, hai bên nghiên cứu những vấn đề thực tiễn, cấp bách để hợp tác, tạo lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển KT-XH của Lâm Đồng với cốt lõi là phát triển kinh tế, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, phát triển du lịch, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát huy vai trò của nghiên cứu khoa học. Những điểm nhấn trong hợp tác như: thí điểm mô hình “Làng đô thị xanh”; thực hiện các đề án về đào tạo lãnh đạo trẻ và chuyên gia trong các lĩnh vực kinh tế, kỹ thuật, nông nghiệp, môi trường... Hợp tác Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế dựa trên thế mạnh của địa phương (nông nghiệp công nghệ cao, dược liệu, khoáng sản,...). Nghiên cứu ảnh hưởng và biện pháp giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu. Xây dựng thành phố Đà Lạt đạt các tiêu chí đô thị “thông minh”... Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư cơ sở Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP. HCM tại Lâm Đồng và làm việc với Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam (IVCE) để có cơ sở hỗ trợ tỉnh Lâm Đồng xây dựng dự án ĐH Quốc tế.
 
HẢI YẾN