Ở tuổi 41, cô tạm gác lại cuộc sống riêng tư và đem ngôn ngữ Nhật vào giảng đường Trường Đại học Đà Lạt. Mang trong mình niềm tự hào về văn hóa truyền thống Nhật Bản, Yuko luôn quan niệm, hãy đi khi còn có thể và đừng bao giờ quên lịch sử dân tộc.
Tạm xa Tokyo phồn hoa, Yuko Osaki đến với Việt Nam như một lời cảm ơn dành cho đất nước hình chữ S. Ở tuổi 41, cô tạm gác lại cuộc sống riêng tư và đem ngôn ngữ Nhật vào giảng đường Trường Đại học Đà Lạt. Mang trong mình niềm tự hào về văn hóa truyền thống Nhật Bản, Yuko luôn quan niệm, hãy đi khi còn có thể và đừng bao giờ quên lịch sử dân tộc.
|
Cô Yuko trong giờ lên lớp của mình |
Đối với Yuko, Việt Nam như một cơ duyên. Cô biết đến nước Việt khi còn là học sinh tiểu học. Thông qua phim ảnh, sách vở, Yuko cảm thấy hình dáng của Việt Nam rất giống với Nhật Bản. Là một thành viên của trường dạy tiếng Nhật tại Tokyo, trường đều đưa giáo viên dạy tiếng Nhật đến khắp nơi trên thế giới. Đáp lại tấm lòng chân tình của Việt Nam khi ủng hộ Nhật Bản trong đợt thiên tai động đất sóng thần kép, cô nói với sếp của mình “hãy cho tôi đến Việt Nam” và ông ấy đã chấp nhận.
Hiện, Yuko đã sống và làm việc tại Việt Nam được 3 năm. Điều khó khăn nhất mà cô phải đối diện khi mới sang chính là ngôn ngữ. Yuko có thể nói được tiếng Anh, tiếng Hàn Quốc, tiếng Thái... nhưng tiếng Việt thật sự rất khó và cho đến bây giờ cô vẫn không thể nói được tiếng Việt. Tuy nhiên, đôi khi cô vẫn hiểu những gì người Việt giao tiếp hằng ngày.
Mỗi ngày ở Việt Nam, cô lại có một trải nghiệm mới mẻ bên những sinh viên của mình. Ngoài những giờ lên lớp, cô thường cùng với học trò lân la ở các chợ nhỏ gần Trường Đại học Đà Lạt với thú vui ẩm thực. Cô có thể tự đi chợ và nấu bữa cơm với những món ăn đậm chất Việt. Yuko tâm sự đã được ăn nhiều món ăn Việt Nam như bánh mì, lẩu, bún bò Huế, hủ tiếu... Để có những trải nghiệm tuyệt vời, hòa nhập với cộng đồng, Yuko không thể quên được học trò của mình đã hỗ trợ về vốn ngôn ngữ.
Tiếp xúc lâu ngày với sinh viên, Yuko cảm nhận một số người Việt thường ngại và ngượng ngùng khi tiếp xúc với người lạ nhưng theo thời gian thì trở nên gần gũi, là những người bạn giới thiệu văn hóa bản địa với giáo viên. Bây giờ, mỗi khi lên lớp cô luôn nhìn thấy nụ cười trên môi các sinh viên của mình, “thật mừng quá” Yuko không dấu được xúc động.
Sau thời gian gắn bó tại Trường Đại học Đà Lạt, cô đã có nhiều bạn và nhận thấy “rất thích Đà Lạt, hơn nữa, người Đà Lạt rất thân thiện, đồ ăn ở đây cũng ngon và học sinh của tôi rất dễ thương”.
Ngoài vai trò sứ giả văn hóa, Yuko còn chuyển tinh thần ham học hỏi của sinh viên Nhật đến Việt Nam. Đây cũng là chìa khóa khiến giờ học của cô không nhàm chán, luôn sôi nổi. Bằng lối giao tiếp cởi mở, đan xen cùng các câu chuyện về nước Nhật, cách sống và hòa nhập của người Nhật khi đến những nước khác nhau luôn khiến cho sinh viên hứng thú mỗi lần lên lớp.
Tuy nhiên, sinh viên Nhật cũng là những người bình thường, cũng có những hạn chế nhất định. Yuki cho biết, sinh viên Việt - Nhật đều không giỏi tiếng Anh. Trong khi đó, Anh ngữ lại phổ biến nhất hiện nay giúp sinh viên có cơ hội hội nhập quốc tế. Yuko nghĩ sinh viên Việt nên đi nhiều hơn, ra bên ngoài thế giới. Hiện Internet, Facebook, Zalo,... là những phương tiện hữu hiệu giúp sinh viên giao tiếp và học ngôn ngữ tốt hơn.
Sống và làm việc tại Việt Nam, cô cảm nhận mọi người xung quanh như chính người thân của mình. Cô luôn dành một tình cảm đặt biệt cho Việt Nam khi nhắc đến. Người Việt Nam và Nhật Bản đều muốn vươn đến sự thành công nhưng con đường đến đích của mỗi người lại một khác. Sinh viên Việt hiện nay mang trong mình nhiều lý tưởng, khát vọng lớn, “Việt Nam muốn thay đổi phải thay đổi từ chính thế hệ trẻ” - Yuko tâm sự.
HUYỀN LOAN