Tập trung chăm lo đời sống công nhân, người lao động không chỉ riêng trong "Tháng Công nhân"

09:04, 29/04/2016

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động và triển khai "Tháng Công nhân" năm 2016, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Ngọc Cảnh - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh.

Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động và triển khai “Tháng Công nhân” năm 2016, phóng viên Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Huỳnh Ngọc Cảnh - TUV, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh.
 
PV: Nhân kỷ niệm 130 năm Ngày Quốc tế Lao động, xin ông cho biết đôi nét tóm tắt về lịch sử ra đời của ngày đầy ý nghĩa này?
 
Ông Huỳnh Ngọc Cảnh: Từ nửa cuối thế kỷ XIX, chủ nghĩa tư bản bước sang giai đoạn độc quyền, sản xuất công nghiệp tăng nhanh; một số nước như Anh, Pháp, Đức, Mỹ... phát triển mạnh mẽ. Cùng với những bước tiến của nền kinh tế tư bản, giai cấp tư sản tăng cường bóc lột và bần cùng hóa công nhân lao động; mâu thuẫn giai cấp ngày càng sâu sắc, dẫn đến nhiều cuộc đấu tranh giữa giai cấp vô sản với giai cấp tư sản diễn ra với quy mô ngày càng lớn. Trong cuộc đấu tranh đó, vấn đề thời gian lao động có ý nghĩa quan trọng. 
 
Ngày 1/5/1886, tại thành phố Chi-ca-gô (Mỹ), hưởng ứng lời kêu gọi của “Liên đoàn lao động Mỹ”, công nhân toàn thành phố tiến hành bãi công, tổ chức mít tinh và biểu tình trên đường phố (40 ngày không đến nhà máy làm việc). Khẩu hiệu “Ngày làm việc 8 giờ” trở thành tiếng nói chung của giai cấp công nhân, chính quyền tư sản rơi vào thế bị động.
 
Ngày 3/5/1886, hơn 6 ngàn công nhân tổ chức bãi công mít tinh, biểu tình nhưng những người bãi công phản đối, bị cảnh sát đàn áp, 9 công nhân bị giết, 50 bị thương nặng, gây chấn động thành phố.
 
Ngày 4/5/1886, một cuộc mít tinh khổng lồ diễn ra ở Quảng trường Hay-mác-két để phản kháng hành động của cảnh sát. Lấy cớ đó, chính quyền mở cuộc khủng bố lớn, hơn 200 người chết và bị thương, nhà tù chật ních những người tham gia đấu tranh.
 
Những cuộc biểu tình tại Chi-ca-gô diễn ra ngày càng quyết liệt. Các xung đột xảy ra dữ dội khiến hàng trăm công nhân chết và bị thương, nhiều thủ lĩnh công đoàn bị bắt... Vụ tàn sát đẫm máu sau ngày 1/5/1886, gây nên chấn động lớn trong giai cấp công nhân thế giới. Ở Mỹ nhiều cuộc biểu tình lớn nổ ra tại các thành phố lên tiếng ủng hộ yêu sách của công nhân Chi-ca-gô. Công nhân Pháp, Ý, Tây Ban Nha, Hà Lan... tổ chức nhiều cuộc mít tinh bày tỏ sự đồng tình với công nhân Mỹ.
 
Hơn một năm sau, ngày 11/11/1887, các thủ lĩnh của cuộc đấu tranh bị chính quyền treo cổ. Tuy phong trào bị đàn áp, nhưng chính quyền buộc phải ban hành đạo luật ngày làm 8 giờ. Để ghi nhận những thành quả của phong trào công nhân các nước, ngay trong Đại hội thành lập Quốc tế thứ II, được triệu tập ngày 14/7/1889, các đại biểu của giai cấp công nhân đã thông qua Nghị quyết lấy ngày 1/5 làm ngày đoàn kết đấu tranh của công nhân lao động trên toàn thế giới. Từ đó, ngày 1/5 trở thành Ngày Quốc tế Lao động.
 
Ở Việt Nam, sau khi Đảng Cộng sản Đông Dương ra đời (1930), giai cấp công nhân Việt Nam cũng lấy ngày 1/5 là ngày đoàn kết đấu tranh của mình, và cũng là lần đầu tiên giai cấp công nhân và nhân dân Việt Nam kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động.
 
PV: Đồng hành với người lao động, các tổ chức công đoàn đã có nhiều hoạt động để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng, cũng như chăm lo đời sống người lao động. Vậy, trong thời gian qua, các công đoàn cơ sở tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã phát huy vai trò của mình ra sao, thưa ông?
 
Ông Huỳnh Ngọc Cảnh: Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của tổ chức công đoàn trong chăm lo bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động, thời gian qua, CĐCS tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên và người lao động, thực hiện tốt công tác thăm hỏi ốm đau, hiếu hỷ; thường xuyên tuyên truyền, phổ biến, tư vấn pháp luật đến người lao động, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách liên quan trực tiếp đến người lao động.
 
Cùng đó, phối hợp với người sử dụng lao động triển khai thực hiện quy chế dân chủ tại nơi làm việc theo Nghị định số 60/2013/NĐ-CP của Chính phủ, nâng cao chất lượng hội nghị người lao động và đưa việc tổ chức đối thoại đi vào nề nếp, đàm phán ký kết và thực hiện nhiều thỏa ước lao động tập thể có chất lượng, nhiều điều khoản có lợi cho người lao động, giải quyết kịp thời những mâu thuẫn phát sinh trong quan hệ lao động, nhờ đó, trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua không có bất kỳ một vụ đình công hay ngừng việc tập thể nào xảy ra. 
 
PV: Tháng 5 hàng năm được chọn là “Tháng Công nhân” nhằm hướng tới chăm lo tốt hơn đời sống của người lao động, vậy năm nay, LĐLĐ tỉnh và các CĐCS đã chuẩn bị gì cho “Tháng Công nhân”?
 
Ông Huỳnh Ngọc Cảnh: Đây là năm thứ 5 “Tháng Công nhân” được tổ chức với mục tiêu chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của công nhân, viên chức, lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ trong doanh nghiệp. Trên tinh thần đó, Ban Thường vụ Liên đoàn Lao động tỉnh đã bám sát chỉ đạo của Tỉnh ủy, của Tổng Liên đoàn ban hành Kế hoạch số 14/KH-LĐLĐ ngày 11/3/2016 của Ban Thường vụ LĐLĐ tỉnh về việc tổ chức các hoạt động Tháng Công nhân năm 2016. Trong đó, tập trung vào các nội dung chính như: Thăm và tặng quà cho CNLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và khu tập thể CNLĐ trong tỉnh; tổ chức Hội thao CNVCLĐ tỉnh; phát động các phong trào thi đua, đôn đốc thực hiện và tổ chức gắn biển công trình sản phẩm chào mừng “Tháng Công nhân” năm 2016; phối hợp với các sở, ngành thanh tra tình hình thực hiện pháp luật lao động tại các doanh nghiệp trong tỉnh; tổ chức Chương trình “Gặp gỡ đối thoại” ở CĐCS và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở...
 
Đến nay, các cấp công đoàn trong tỉnh đã bám sát kế hoạch của LĐLĐ tỉnh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương, đơn vị, ngành và đôn đốc các công đoàn cơ sở triển khai thực hiện. Đồng thời, chủ động tham mưu cấp ủy chỉ đạo chính quyền, chuyên môn các cấp, tổ chức các hoạt động hưởng ứng “Tháng Công nhân” 2016 thu hút đông đảo cán bộ, đoàn viên, CNVCLĐ, nhất là đoàn viên, CNLĐ trong các doanh nghiệp tham gia hưởng ứng với những nội dung thiết thực, phù hợp, đem lại hiệu quả cao, tạo sự lan tỏa trong các cấp công đoàn và cả hệ thống chính trị.
 
PV: Ngoài các hoạt động được tổ chức trong “Tháng Công nhân”, từ nay đến cuối năm, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung thực hiện những nội dung, hoạt động gì để các hoạt động của công đoàn thực sự hướng về cơ sở, chăm lo trực tiếp cho người lao động, thưa ông?
 
Ông Huỳnh Ngọc Cảnh: Ngoài tổ chức triển khai tốt các hoạt động Tháng Công nhân năm 2016, để hoàn thành tốt nhiệm vụ hoạt động công đoàn của năm, từ nay đến cuối năm các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh các hoạt động, thực hiện tốt một số nhiệm vụ. Đó là tập trung tuyên truyền các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến đoàn viên, CNVCLĐ, trong đó trọng tâm là học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Chương trình hành động của Liên đoàn Lao động tỉnh thực hiện Nghị quyết Đại hội X Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng; tuyên truyền, quán triệt về thời cơ, thách thức của lao động và công đoàn khi Việt Nam tham gia TPP…
 
Năm 2016 là năm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam lấy làm “Năm phát triển đoàn viên, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động CĐCS”, các cấp công đoàn trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS, tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động, tập hợp người lao động tham gia vào tổ chức công đoàn; tập trung thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ và giải pháp theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 BCH Liên đoàn Lao động tỉnh khóa VIII. Đồng thời, cần tiếp tục cụ thể hóa triển khai thực hiện tốt 4 chương trình trọng tâm nhiệm kỳ 2013 - 2018 của Ban chấp hành Liên đoàn Lao động tỉnh trong năm 2016. Ngoài ra, các cấp công đoàn trong tỉnh cần tập trung xây dựng tổ chức vững mạnh nhằm đồng hành, bảo vệ người lao động hiệu quả hơn trong xu thế hội nhập. Trước mắt, phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành thanh, kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động, Luật Công đoàn; kiến nghị xử lý nghiêm những doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật, xâm hại quyền lợi người lao động. Hỗ trợ CĐCS xây dựng, thương lượng, ký kết và thực hiện thỏa ước lao động tập thể với nhiều điều khoản có lợi hơn cho người lao động so với luật định; giám sát doanh nghiệp thực hiện quy định của Chính phủ về tiền lương tối thiểu vùng; xây dựng thang, bảng lương, việc đóng BHXH, BHYT, BHTN.
 
Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, sự phối hợp và ủng hộ của các cấp chính quyền, các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, phát huy kết quả đã đạt được, đồng thời khắc phục những khó khăn, tồn tại; CNVCLĐ và tổ chức Công đoàn Lâm Đồng quyết tâm phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội VIII Công đoàn tỉnh Lâm Đồng, Nghị quyết Đại hội XI Công đoàn Việt Nam. Tập trung trí tuệ và sức lực cùng Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Lâm Đồng lần thứ X, góp phần xây dựng quê hương Lâm Đồng ngày càng giàu đẹp.
 
PV: Xin cảm ơn ông!

THY VŨ (thực hiện)