"Làng đô thị xanh" thành phố Đà Lạt nên theo hướng nào?

08:04, 04/04/2016

LTS: Ngày 23/4 tới đây, tại thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học đầu tiên trong cả nước về vấn đề xây dựng mô hình "làng đô thị xanh"...

LTS: Ngày 23/4 tới đây, tại thành phố Đà Lạt, UBND tỉnh Lâm Đồng và Bộ Xây dựng sẽ phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học đầu tiên trong cả nước về vấn đề xây dựng mô hình “làng đô thị xanh”. Để cung cấp đến bạn đọc bước đầu về nội dung này, phóng viên báo Lâm Đồng đã phỏng vấn Tiến sĩ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Phạm S.
 
PV: Thưa ông, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 704/QĐ-TTg ngày 12/5/2014 về việc phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, theo quy hoạch chung thì quy mô, tính chất và mục tiêu có gì mới so với Đà Lạt hiện nay?
 
TS Phạm S
Tiến sĩ Phạm S
Tiến sĩ Phạm S: Phạm vi điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận bao gồm: thành phố Đà Lạt, các huyện Lạc Dương, Đơn Dương, Đức Trọng, một phần huyện Lâm Hà với tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 335.930ha; trong đó, Đà Lạt khoảng 39.440ha.
 
Về tính chất, đến năm 2030, thành phố Đà Lạt là trung tâm hành chính - chính trị, kinh tế - văn hóa, khoa học - kỹ thuật của tỉnh Lâm Đồng; Trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng cao cấp và du lịch văn hóa di sản tầm quốc gia, khu vực và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu sản xuất nông nghiệp công nghệ cao cấp quốc gia và quốc tế; Trung tâm nghiên cứu khoa học, giáo dục - đào tạo và chuyển giao công nghệ đa ngành cấp quốc gia; Trung tâm bảo tồn rừng cảnh quan và đa dạng sinh học cấp quốc gia; Trung tâm thương mại và dịch vụ, hội chợ triển lãm; Trung tâm văn hóa - nghệ thuật, thể dục thể thao và giải trí cấp vùng; có vị trí quan trọng về quốc phòng và an ninh đối với khu vực Tây Nguyên và cả nước. Mục tiêu là phát triển, xây dựng thành phố Đà Lạt và vùng phụ cận đến năm 2030 trở thành một vùng đô thị hiện đại, đẳng cấp quốc tế; có đặc thù về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, văn hóa lịch sử và di sản kiến trúc tầm quốc gia, khu vực và có ý nghĩa quốc tế.
 
PV: Cùng với Quyết định 704 này, Thủ tướng cũng ban hành Quyết định số 1528/ QĐ-TTg ngày 03/9/2015 về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Đà Lạt, xin ông cho biết nội dung khái quát của cơ chế này?
 
Tiến sĩ  Phạm S: Đó là, UBND tỉnh Lâm Đồng được thuê tư vấn, chuyên gia có năng lực trong và ngoài nước lập một số quy hoạch phân khu chức năng đặc thù và kêu gọi đầu tư vào các đô thị vệ tinh, đô thị đối trọng cùng với kết nối giao thông công cộng của thành phố Đà Lạt...; được trực tiếp kêu gọi đầu tư đối với các công trình, dự án quan trọng thuộc lĩnh vực môi trường, các công trình kết cấu hạ tầng quan trọng, khu du lịch quốc gia và khu du lịch trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Khu Công nghệ sinh học và Nông nghiệp công nghệ cao Đà Lạt, Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Lạt... Một nội dung có tính đột phá và mới là tỉnh Lâm Đồng được thí điểm xây dựng mô hình “Làng đô thị xanh” (green villagc) tại thành phố Đà Lạt.
 
PV: Mô hình “Làng đô thị xanh” hoàn toàn mới ở Việt Nam, hiện chưa có khái niệm hay tiêu chí cụ thể, rõ ràng, là nhà khoa học và nhà quản lý của tỉnh Lâm Đồng, ông có thể đưa ra khái niệm “Làng đô thị xanh”?
 
Tiến sĩ  Phạm S: Mô hình “Làng đô thị xanh” là hoàn toàn mới trong điều kiện ở Việt Nam cả về cơ sở pháp lý và thực tiễn, vì vậy nếu bạn đọc tra khái niệm này qua hệ thống google thì hoàn toàn chưa có định nghĩa, tiêu chí cụ thể; cũng chưa có những phân tích khoa học. Trên cơ sở nghiên cứu các “Làng đô thị xanh” của những quốc gia như Anh, Pháp, Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia và điều kiện thực tế ở Việt Nam, tôi đưa ra khái niệm sau. “Làng đô thị xanh” là một phân khu đô thị có quy mô hợp lý, có kết cấu phức hợp của một đô thị đồng thời có tất cả các đặc điểm của làng; không gian quy hoạch kiến trúc công trình hạ tầng đô thị hài hòa đáp ứng nhu cầu phục vụ đời sống xã hội của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường; thích ứng với biến đổi khí hậu.
 
Dịch vụ và giải trí được đáp ứng trong “không gian xanh”
Dịch vụ và giải trí được đáp ứng trong “không gian xanh”

PV: Với cách hiểu này, có thể nói, đây là mô hình quá lý tưởng của mọi người dân. Theo ông trong điều kiện cụ thể tại Đà Lạt thì mô hình thí điểm “Làng đô thị xanh” cần tiến hành theo các nội dung nào?
 
Tiến sĩ  Phạm S: Trong điều kiện cụ thể của Đà Lạt, tôi đề xuất mô hình thí điểm theo 10 nội dung sau đây: 
 
1. Về quy mô, cần có diện tích khoảng 200ha. Nếu quá lớn, các điều kiện cần và đủ nguồn lực để thực hiện kết cấu phức hợp sẽ khó thỏa mãn yêu cầu “Làng đô thị xanh”. Ngược lại, nếu quá nhỏ sẽ khó xử lý mối quan hệ giữa kiến trúc, hệ sinh thái đô thị và môi trường đô thị để đạt mục tiêu thân thiện với môi trường. Nguyên tắc thí điểm là vừa nâng cấp đô thị hiện có, vừa quy hoạch mới, theo đó, quá trình thí điểm sẽ có cơ sở khoa học đúc kết kinh nghiệm để phát triển nhân rộng trong tương lai. Do đó, theo tôi, chọn 3 vị trí xây dựng thí điểm 3 mô hình “Làng đô thị xanh” Đà Lạt gồm: nâng cấp đô thị tại làng Thái Phiên, phường 12, Đà Lạt và đô thị Finôm tại huyện Đức Trọng, quy hoạch mới tại thị trấn Nam Ban, huyện Lâm Hà. 
 
2. Sự đồng đều về kiến trúc: Đặc điểm này tùy thuộc rất lớn về tập quán dân cư, lịch sử kiến trúc và điều kiện khí hậu thời tiết. Từ thực tế tại Đà Lạt, tôi cho rằng sử dụng sự đồng đều kiến trúc dạng nhà biệt lập và liền kề, thiết kế nhà một trệt, một lầu hoặc một trệt hai lầu, mái nhà chữ A trên 70%, còn lại 30% kiến trúc không đồng đều. Mặt khác, kết cấu kiến trúc theo hướng hiện đại phân bố hài hòa với không gian quy hoạch, chủ yếu các công trình dịch vụ cao cấp như khu vui chơi giải trí công cộng hoặc trung tâm thương mại tiện ích để tạo điểm nhấn không gian “Làng đô thị xanh”.
 
3.Về mật độ xây dựng, ưu tiên đất dành cho đường đi bộ, sau đó đến giao thông công cộng, công trình nhà ở, các công trình dịch vụ, mật độ xây dựng công trình có mái che và không có mái che không quá 30%. Đối với 2 mô hình thí điểm nâng cấp đô thị (phường 12 và Finôm) do hiện trạng mật độ xây dựng khá cao, cần chỉnh trang đô thị phù hợp; sắp xếp lại hệ thống nhà kính trồng rau, hoa một cách khoa học; quy hoạch lại các công trình công cộng hợp lý; nâng cấp hạ tầng giao thông đồng bộ và bổ sung lượng lớn trồng cây xanh. 
 
4. Sự đồng bộ về hạ tầng: Đường giao thông đối nội kết nối thông suốt với đường giao thông đối ngoại chỉ tập trung một đầu mối chính, phân cấp đường rõ ràng; hạ tầng đồng bộ, khuyến khích người dân đi bộ trong làng đô thị, sử dụng phương tiện xe công cộng giảm phát thải khí thải nhà kính, sử dụng xe điện, xe đạp… Hệ thống điện sinh hoạt được thiết kế thân thiện, khoa học, ưu tiên sử dụng năng lượng tái tạo (năng lượng mặt trời, năng lượng gió); ngầm hóa hệ thống điện sinh hoạt, điện thoại; hoàn thiện 100% hệ thống cung cấp nước sạch đến từng gia đình. 
 
5. Hệ thống dịch vụ tiện ích: Có trung tâm thương mại hiện đại; ứng dụng tổng hợp các loại công nghệ tiên tiến và hiện đại, then chốt là công nghệ công tin, ứng dụng công nghệ thông tin trong một số lĩnh vực phổ biến như: cảnh báo giao thông, dự báo thời tiết, mạng internet không dây - wifi… đảm bảo tối đa phục vụ nhu cầu đời sống - xã hội của người dân.
 
6. Đảm bảo không gian vui chơi giải trí và thể dục thể thao: Dành khoảng không gian phù hợp thiết kế thảm cỏ, vườn hoa, vườn cây kiểng; khuyến khích hàng rào quanh nhà trồng cây xanh phù hợp; có khu vui chơi giải trí và khu thể dục, thể thao công cộng với tiện nghi đáp ứng nhu cầu vui chơi giải trí và thể dục, thể thao cho mọi lứa tuổi của người dân. 
 
7. Phát triển kinh tế: Song song với giải quyết việc làm thông qua dịch vụ tổng hợp và văn phòng ngay trong lòng đô thị như các đô thị khác, đồng thời đạt được tính khác biệt cơ bản của “Làng đô thị xanh” là không thể thiếu sản xuất nông nghiệp hàng hóa nhưng phải theo hướng nông nghiệp đô thị, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Hạn chế tối đa và tuyệt đối không phát triển chăn nuôi; khuyến khích phát triển làng nghề; khai thác tối đa du lịch canh nông. 
 
8. Có giải pháp bảo vệ và xử lý môi trường: có hệ thống quan trắc, cảnh báo môi trường; tỷ lệ thu gom, xử lý rác thải phải đạt 100% khối lượng rác thải mỗi ngày. Trong “Làng đô thị xanh” nhất thiết phải có hồ cảnh quan vừa để người dân hàng ngày tập thể dục quanh hồ vừa đóng vai trò là lá phổi điều tiết không khí trong lành và cải thiện môi trường sinh thái. 
 
9. Làm giàu hệ sinh thái đô thị: Trong quy hoạch cần dành diện tích đất nhất định để trồng thảm cỏ; trồng cây xanh đủ lượng theo quy mô quy hoạch ngay từ đầu nếu đó là mô hình thí điểm khởi công mới hoặc có giải pháp làm giàu hệ sinh thái đô thị bằng cách trồng bổ sung cây xanh nếu đó là mô hình thí điểm nâng cấp từ các khu đô thị hiện có. Đồng thời, hàng năm phải tái tạo trồng cây xanh liên tục để làm giàu sự đa dạng hệ sinh thái đô thị góp phần cải thiện môi trường sinh thái và cảnh quan đô thị bền vững. 
 
10. An sinh xã hội và đạo đức công dân: Đây là nội dung cực kỳ quan trọng của “Làng đô thị xanh” nhằm đảm bảo sự cân bằng trong quá trình phát triển đô thị của xã hội phải văn minh. Do đó “Làng đô thị xanh” phải đảm bảo ba không: không có hộ nghèo, không có tệ nạn xã hội và không có hộ gia đình vi phạm pháp luật; nếu công dân vi phạm một trong ba “không” nêu trên thì “Làng đô thị xanh” dù có hiện đại và thân thiện môi trường đến mấy cũng đều vô nghĩa. Các hoạt động dịch vụ và quản trị “Làng đô thị xanh” phải đảm bảo chất lượng cuộc sống người dân luôn luôn được nâng cao. Trong mọi hoạt động đời sống xã hội của tất cả công dân phải giữ được bản sắc văn hóa con người Việt Nam, sống có trách nhiệm, có tính cộng đồng cao và họ có quyền tự hào là công dân đẳng cấp về chất lượng.
 
PV: Với 10 nội dung ông vừa nêu có thể nói đây là mô hình đồng bộ và hoàn hảo, đáp ứng yêu cầu phát triển của thời đại và ứng phó với biến đổi khí hậu. Vậy, tiêu chí xác định “Làng đô thị xanh” là gì?
 
Tiến sĩ  Phạm S:  Tôi đề xuất một “Làng đô thị xanh” cần hội đủ 5 tiêu chí và  theo nguyên tắc dễ hiểu, dễ nhớ, dễ thực hiện bao gồm: Quy mô diện tích khoảng 200ha, sự đồng đều về kiến trúc trên 70%, mật độ xây dựng công trình mái che và không mái che không quá 30%; hệ thống hạ tầng đồng bộ, các hoạt động kinh tế, dịch vụ và giải trí của người dân theo xu hướng xanh, thân thiện với môi trường và cuối cùng an sinh xã hội tiến bộ, đạo đức công dân luôn giữ bản sắc văn hóa con người Việt Nam.
 
P.V: Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ thông tin nhiều ý nghĩa và tâm huyết của Tiến sĩ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh! 
 
MINH ĐẠO (thực hiện)