Vi phạm ở rừng Bảo Lâm giảm nhưng còn phức tạp

09:04, 06/04/2016

Vi phạm rừng ở huyện Bảo Lâm trong 3 tháng đầu năm 2016 đã có chiều hướng giảm so cùng kỳ năm 2015 (giảm 19 vụ - 19,3%). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của ngành kiểm lâm và các chủ rừng trong huyện, cùng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện...

Vi phạm rừng ở huyện Bảo Lâm trong 3 tháng đầu năm 2016 đã có chiều hướng giảm so cùng kỳ năm 2015 (giảm 19 vụ - 19,3%). Kết quả này cho thấy sự nỗ lực của ngành kiểm lâm và các chủ rừng trong huyện, cùng sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt của Chi cục Kiểm lâm và UBND huyện. Tuy nhiên, công tác QL&BVR ở Bảo Lâm “vẫn còn diễn biến hết sức phức tạp”, rất cần sự đồng bộ và tính tích cực nhiều hơn nữa trong triển khai của nhiều cấp, nhiều ngành từ tỉnh đến xã, cũng như các đơn vị liên quan.
 
Rừng được bảo vệ thành công khi phát huy được vai trò của người dân trong vùng
Rừng được bảo vệ thành công khi phát huy được vai trò của người dân trong vùng
Về công tác PCCCR mùa khô năm nay tại địa bàn huyện Bảo Lâm rất vui là chưa để xảy ra vụ cháy rừng nào. Bài học tiếp tục phát huy là công tác tuyên truyền sâu rộng; theo dõi, giám sát diễn biến rừng chặt chẽ; xử lý đốt trước vật liệu cháy hợp lý… Đối với công tác kiểm tra truy quét, xử lý, ngăn chặn phá rừng, tổng số vụ vi phạm pháp luật QL&BVR trong quý I/2016 ở Bảo Lâm có 46 vụ, trong đó phá rừng trái phép 15 vụ, diện tích hơn 37.800m2; khai thác rừng trái phép 19 vụ, lâm sản thiệt hại hơn 117m3; vận chuyển lâm sản trái phép 8 vụ, hơn 9m3 gỗ các loại và mua bán, cất giấu, chế biến, kinh doanh lâm sản trái phép 4 vụ với gần 4,1m3. Các cơ quan chức năng đã xử lý 49 vụ vi phạm (trong đó 18 vụ năm 2015 chuyển qua). 
 
Tuy nhiên, đáng quan tâm là trong quý I/2016 địa bàn Bảo Lâm vẫn còn một số vấn đề nổi cộm. Đó là bà con đồng bào dân tộc thiểu số xã Lộc Bảo dựng chòi tạm tại tiểu khu (TK) 389, xã Lộc Bảo thuộc lâm phần Công ty TNHH sản xuất thương mại và xây dựng Chấn Lập đòi phát rừng làm rẫy trái phép và bà con xã Lộc Bắc xin phát rừng tại TK 425. Trước tình hình này, huyện Bảo Lâm và chính quyền 2 xã cùng các ban, ngành của huyện đã tuyên truyền, vận động tích cực, nhưng người dân vẫn tỏ thái độ kiên quyết nếu không được giao đất sản xuất theo yêu cầu. Ngày 30/3, chúng tôi có mặt tại huyện Bảo Lâm và được biết, chấp hành chủ trương của UBND tỉnh, các ngành liên quan của tỉnh như TN&MT, NN&PTNT cùng huyện, chủ rừng… khẩn trương khảo sát, khoanh lô và theo đó rà soát các hộ thực sự thiếu đất sản xuất để tiếp tục triển khai các bước thủ tục. K’Khệ - Chủ tịch UBND xã Lộc Bảo cho chúng tôi biết: Việc thiếu đất sản xuất của một số hộ dân trong xã là có thật, họ cũng làm đơn xin cấp từ lâu rồi. Từ thực tiễn ở Bảo Lâm và một số huyện khác trong tỉnh cho thấy, các khâu về chuyên môn, nghiệp vụ rất cần các cơ quan chức năng triển khai khẩn trương, tích cực; cán bộ trực tiếp thực thi công vụ liên quan đến quy trình, hồ sơ, thủ tục… phải nỗ lực cao về trách nhiệm và hoàn thành tốt vai trò của mình trước cấp ủy và chính quyền giao phó. Có như vậy mới không để một vài phần tử xấu lợi dụng để kích động, lôi kéo, xúi giục người dân thiếu hiểu biết pháp luật có những hành vi vi phạm luật pháp; theo đó, nhanh chóng ổn định đời sống của người dân. 
 
Một vấn đề khác, tình trạng đổ hóa chất ken cho cây chết để vừa khai thác gỗ bất hợp pháp, vừa phá rừng chiếm đất sản xuất cũng diễn ra ở huyện Bảo Lâm. Điển hình ở tại địa bàn xã Lộc Ngãi, kéo dài và hết sức phức tạp. Trong quý I/2016 (chính xác hơn là vào tháng 2 và đầu tháng 3), tại TK 614 xảy ra 2 vụ với diện tích, khối lượng thiệt hại lớn, vượt khung xử lý vi phạm hành chính. Tổng diện tích 2 vụ là 13.778m2 với số lượng 182 cây, trữ lượng 86m3. Ngày 5/4, trao đổi với Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Bảo Lâm, ông Lê Văn Chuyên cho biết: Hai vụ ken cây này đã được ngành Công an và Kiểm lâm huyện bắt được 4 đối tượng vi phạm và đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can. Vấn đề là tại sao hành vi đổ hóa chất ken cây lại diễn ra kéo dài và “luôn diễn biến hết sức phức tạp” như nhận định của Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm? Rõ ràng, trách nhiệm trước hết phải thuộc về đơn vị nhận giao khoán bảo vệ rừng và hệ thống chính trị cơ sở xã Lộc Ngãi trong việc thực hiện các Chỉ thị, văn bản chỉ đạo của cấp trên. Cùng đó là sự phối hợp giữa các ngành liên quan chưa đạt được hiệu quả cao. 
 
Tuy quý I/2016, địa bàn huyện Bảo Lâm đã giảm về số vụ vi phạm Luật Bảo vệ và phát triển rừng, nhưng đây đã từng là địa bàn “nóng” về tình trạng khai thác gỗ trái phép. Năm 2016, tình trạng này tiếp tục diễn ra 2 vụ trên địa bàn xã Lộc Bắc, tại tiểu khu 431, 416. Mức độ thiệt hại: 106 cây gỗ của rừng lá rộng thường xanh bị cưa hạ, đường kính gốc từ 45 - 47cm và từ 20 - 30cm; tổng khối lượng gỗ còn lại tại hiện trường hơn 5m3. 
 
Những vụ khai thác gỗ trái phép, cháy rừng, ken cây… diễn ra chỗ này chỗ kia trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đang thực sự là mối đe dọa không nhỏ đến độ che phủ rừng 52,5% của tỉnh. Rõ ràng Chỉ thị 30 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các Chỉ thị, Thông báo của UBND tỉnh Lâm Đồng càng đặc biệt cần quán triệt sâu, kỹ và triển khai nghiêm hơn bao giờ hết. Với địa bàn huyện Bảo Lâm, Hạt trưởng Lê Văn Chuyên cho biết: “Ngay từ đầu quý II này, Hạt Kiểm lâm Bảo Lâm đang tích cực phối hợp với chủ rừng, chính quyền địa phương tăng cường ngăn chặn khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép; tiếp tục phối hợp kiểm tra truy quét tại các khu vực trọng điểm, giải quyết kịp thời các điểm nóng, ngăn chặn xử lý dứt điểm các hành vi vi phạm…”. Hi vọng những cánh rừng ở Bảo Lâm sớm trở về bình yên.
 
MINH ĐẠO