Vỉa hè không còn dành cho người đi bộ

09:04, 29/04/2016

Không dễ để người dân và du khách có thể thoải mái đi dạo trên những con phố chính tại khu vực trung tâm của thành phố Đà Lạt. Vào những giờ cao điểm, nếu muốn mua sắm, ăn uống, người ta chỉ có cách tràn xuống lòng đường

Không dễ để người dân và du khách có thể thoải mái đi dạo trên những con phố chính tại khu vực trung tâm của thành phố Đà Lạt. Vào những giờ cao điểm, nếu muốn mua sắm, ăn uống, người ta chỉ có cách tràn xuống lòng đường, nhiều tuyến phố gần như không còn lề đường, nếu có chỉ là một không gian rất hẹp.
 
Xe đậu kín vỉa hè khiến người đi bộ tràn xuống lòng đường. Ảnh: Phan Nhân
Xe đậu kín vỉa hè khiến người đi bộ tràn xuống lòng đường. Ảnh: Phan Nhân

Đà Lạt cũng giống các thành phố khác
 
Việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh là “căn bệnh” nan y khó chữa của rất nhiều đô thị Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển. Dù không nặng nề như ở các thành phố lớn khác, ở mức độ nào đó, Đà Lạt cũng không phải là ngoại lệ. Tuy nhiên, với đặc thù riêng, là một thành phố du lịch nghỉ dưỡng, Đà Lạt rất cần có “khoảng thở” từ những không gian vỉa hè. Chị Đoàn Thị Hoa - đến từ Tân Bình, Tp.Hồ Chí Minh than thở: “Khi cần xa không khí xô bồ, khó thở của thành phố, gia đình và bạn bè tôi thường tìm đến Đà Lạt để tận hưởng không gian mát lành, nhẹ nhàng nơi đây. Lên Đà Lạt là muốn tìm sự thư thái, thong thả, được dạo quanh những con phố. Tuy nhiên, thời gian gần đây, điều này có vẻ như là một thứ xa xỉ, bởi nhiều tuyến phố tại khu vực trung tâm không có vỉa hè thông thoáng để đi dạo”.
 
Và với ngay cả người dân của Đà Lạt, cũng không khó để nhận thấy vỉa hè của thành phố ngày càng chật chội, bí bách hơn. Dọc các tuyến đường như Nguyễn Thị Minh Khai, 3/2, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phan Bội Châu, Nguyễn Văn Trỗi, Phan Đình Phùng, xa hơn một chút cách khu vực trung tâm chừng 1 - 2km là khu vực đường Ngô Quyền, Ngã tư Phan Chu Trinh, đường La Sơn Phu Tử, Phù Đổng Thiên Vương,... tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, đậu xe sai quy định, buôn bán hàng rong cũng thường xuyên xảy ra. Cảnh nhếch nhác, lộn xộn, đôi khi là hỗn loạn, mất trật tự an toàn giao thông là những gì chúng ta thường được chứng kiến tại những khu vực trên. Điều này không chỉ làm xấu đi mỹ quan đô thị của những tuyến phố mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới thương hiệu du lịch của Đà Lạt.
 
Rất nhiều du khách nước ngoài khi đến với Đà Lạt cũng thường lắc đầu: “Nhiều đoạn đường, tuyến phố chỉ vài trăm mét nhưng có khi chúng tôi phải đi vòng xuống lòng đường đến 5 - 6 lần. Rất khó chịu khi phải làm điều đó, một thành phố du lịch có tiếng như Đà Lạt, không nên để điều này xảy ra”.
 
Rượt đuổi như phim...
 
* Ông Trương Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường 1 (Tp.Đà Lạt): Là phường trung tâm của thành phố nên cũng có những cái khó nhất định cho phường 1. Phần lớn các tuyến phố, con đường trên địa bàn người dân đều buôn bán, kinh doanh dịch vụ du lịch, nên luôn có một số lượng người rất đông thường trực tại đây. Dù đã có rất nhiều biện pháp để chấn chỉnh tình trạng chiếm dụng vỉa hè, nhưng không thể giải quyết dứt điểm ngay lập tức được. Phần lớn những hộ, gia đình vi phạm chúng tôi đều cho tiến hành kiểm tra và nhắc nhở, sau đó mới xử phạt theo quy định. Cái khó của phường là phần lớn các địa điểm kinh doanh nhà hàng, khách sạn, cà phê đều là người từ nơi khác đến thuê mặt bằng làm ăn. Họ chỉ biết đến buôn bán, kiếm lợi nhuận nên rất khó để chúng tôi thông báo đến các buổi sinh hoạt, họp của khu phố, phường về vấn đề trật tự đô thị, thêm vào đó, nếu có xử phạt thì mức độ cũng chưa đủ sức răn đe.
 
* Bà Nguyễn Thị Tuyết - Phó Chủ tịch UBND phường 2: Hiện nay, trên địa bàn phường 2, “điểm nóng” về tình trạng lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh, buôn bán là tại các khu vực như chợ Bùi Thị Xuân, Nguyễn Lương Bằng và các đối tượng chủ yếu là người tạm trú sống chủ yếu bằng nghề “buôn gánh bán bưng”... nên rất khó để xử lý một cách triệt để. Hàng tuần, có những thời điểm là hàng ngày phường đều có kế hoạch riêng hoặc cùng với công an phường, Đội trật tự đô thị thành phố ra quân để chấn chỉnh tình trạng này. Phần lớn những người vi phạm chúng tôi đều nhắc nhở lần thứ 3, sau đó tái phạm mới tiến hành tịch thu và xử phạt hành chính, còn hàng hóa nếu là thực phẩm thì chuyển cho các cháu tại Trung tâm Bảo trợ xã hội. Riêng đối với các chủ nhà hàng, khách sạn... phường thường xuyên tổ chức đối thoại, viết cam kết để kinh doanh du lịch chất lượng, đồng thời đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nghiêm cấm mọi hành vi lấn chiếm lòng lề đường, nếu không chúng tôi sẽ có kiến nghị lên cấp trên để dừng hoạt động.
Lam Anh (thực hiện)
Trong suốt những năm vừa qua, sau khi thực hiện Chỉ thị 01 của Thành ủy Đà Lạt, trật tự đô thị của thành phố đã phần nào đi vào nề nếp. Các phường trên địa bàn đã vận động nhân dân tháo dỡ một số lượng lớn lều quán tạm, dù bạt, mái che di động, hàng rào vi phạm lộ giới, khoảng lùi, biển quảng cáo trái phép... trả lại cho thành phố một không gian thoáng đãng và dễ thở hơn. Tuy nhiên, việc lấn chiếm lòng lề đường, trưng bày các biển quảng cáo ngay trên lối đi của người đi bộ, xe máy, ô tô đậu tràn lan ở những khu vực đông dân cư sinh sống, kinh doanh, nhất là ở thời điểm tan tầm lại liên tục tái diễn trong thời gian gần đây.
 
Nhiều khu vực như chợ Bùi Thị Xuân, Cẩm Đô, Phan Chu Trinh, Ngô Quyền,... nhiều người chỉ còn biết lắc đầu khi chứng kiến hình ảnh lực lượng chức năng đến giải tỏa thì những người kinh doanh buôn bán lại vác hàng chạy, khi công an, dân phòng đi chỗ khác mọi thứ lại trở về vị trí cũ. Việc lặp lại trật tự tại các điểm nóng về lấn chiếm lòng lề đường nêu trên khiến cho không ít người liên tưởng đến các cảnh hành động trên phim ảnh. Giằng giật, xô đẩy, quát nạt, xin xỏ... chạy đuổi, hàng hóa rơi vãi bề bộn đã làm xấu đi rất nhiều hình ảnh của một Đà Lạt vốn được mệnh danh hiền hòa, thanh lịch.
 
Khó trả lại không gian cho vỉa hè
 
Dù đã có nhiều biện pháp để xử lý khắc phục, nhưng phải khẳng định rằng, rất khó để trả lại không gian cho vỉa hè của Đà Lạt. Hiện tại, có mỏi mắt cũng không tìm được một cung đường kiểu mẫu tại khu vực trung tâm thành phố. Tại phường 1, phường trung tâm của thành phố, phần dành cho người đi bộ đường kẻ vạch quy định gần như chỉ thoải mái cho một người đi, nhiều chỗ bắt buộc người dân phải đi tràn xuống lòng đường bởi không còn lựa chọn nào khác vì các loại xe, biển quảng cáo dựng tràn lan, không theo một quy cách nhất định. 
 
Ông Trương Văn Hùng - Chủ tịch UBND phường 1 cho biết: “Dù đã liên tục triển khai các biện pháp để chấn chỉnh tình trạng này và phường cũng đã thành lập hẳn một Tổ văn minh đô thị, nhưng cũng phải thừa nhận, việc xây dựng các tuyến đường kiểu mẫu cũng như trả lại không gian cho vỉa hè là điều rất khó thực hiện trong ngày một ngày hai.”. Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực phường 1, do diện tích vỉa hè nhỏ, thêm vào đó lại mất 1/3 diện tích dành riêng cho các gia đình có chỗ đậu xe, cộng thêm xe của người dân đến ăn uống, mua sắm nên nhiều chỗ gần như không còn vỉa hè.
 
Tại các khu vực khác trên địa bàn phường 2, một phường thuộc khu vực trung tâm của thành phố, tình trạng lấn chiếm lòng lề đường cũng diễn ra khá thường xuyên, nhất là vào các giờ cao điểm. Do không có mặt bằng, nên xe du lịch đón trả khách tại các nhà hàng, khách sạn thường phải đậu sai quy định, những người “buôn gánh, bán bưng” thường lấn chiếm vỉa hè làm nơi kinh doanh, tại các quán cà phê, khách ra vào thường xuyên, xe máy mạnh ai nấy dựng... nên lòng lề đường nhiều chỗ đã hoàn toàn bị “chiếm dụng”. Điều đó dẫn tới buộc người đi bộ và các phương tiện tham gia giao thông khác đều phải “miễn cưỡng” phải đi chung một lối.
 
Trước tình trạng người dân lấn chiếm lòng lề đường trên địa bàn thành phố Đà Lạt để kinh doanh, gây mất an ninh trật tự và an toàn giao thông, vừa qua, Đoàn liên ngành của tỉnh về trật tự giao thông và đô thị đã tổ chức kiểm tra để có giải pháp chấn chỉnh. Đoàn đã kiểm tra tại một số các điểm giao như: Ngô Quyền, Bùi Thị Xuân, Nguyễn Thị Minh Khai, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Phù Đổng Thiên Vương, Ngã tư Phan Chu Trinh, chợ Chi Lăng, chợ Cẩm Đô, chợ La Sơn Phu Tử, chợ Đà Lạt... Đại diện của Đoàn kiểm tra xác định sau khi kiểm tra, tình trạng vi phạm diễn ra khá phổ biến, nhiều tuyến giao thông nơi có chợ vẫn còn tình trạng ô tô đậu, đỗ; tổ chức quầy hàng, buôn bán không đúng theo quy định đã gây ra tình trạng lộn xộn, mất an toàn giao thông. Đặc biệt, tuyến đường Nguyễn Thị Minh Khai - Trung tâm chợ Đà Lạt, việc lấn chiếm lòng lề đường để kinh doanh đã làm ảnh hưởng rất nhiều đến cảnh quan đô thị. Bên cạnh việc nhắc nhở người dân, đoàn cũng đã yêu cầu chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần phải có các giải pháp quyết liệt hơn nữa để đảm bảo hành lang an toàn giao thông, đồng thời ghi nhận những khó khăn, bất cập hiện nay để kiến nghị với UBND tỉnh và các ngành chuyên môn có phương án triển khai, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn thành phố Đà Lạt trong thời gian sớm nhất.
 
Là đô thị loại I, là thành phố Festival, trung tâm du lịch của cả nước, Đà Lạt phải là một thành phố tạo ấn tượng đẹp về văn minh đô thị. Ở đó, cần phải thiết lập văn hóa kinh doanh, giao thông đi lại văn minh, lịch sự và cần có một không gian thực sự của vỉa hè, nơi người dân và du khách có thể thoải mái dạo phố, dừng chân ngắm cảnh mà không vướng bận, lo toan đến những nguy hiểm mất an toàn khác. Hay đúng hơn, những người có trách nhiệm của thành phố, cần phải tìm ra những phương cách hữu hiệu nhất để có thể trả lại vẻ đẹp vốn có của những con phố mền mại, uốn cong thêm phần hấp dẫn của Đà Lạt.
 
Linh Đan