Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp về với thôn Xuân Sơn - xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt - một trong những cái nôi cách mạng trên mảnh đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ. Nằm ở ngoại ô cách thành phố Đà Lạt 25km, thôn Xuân Sơn không chỉ được biết đến như chiếc nôi của cách mạng mà còn được xem là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
Những ngày tháng Tư lịch sử, chúng tôi có dịp về với thôn Xuân Sơn - xã Xuân Trường, thành phố Đà Lạt - một trong những cái nôi cách mạng trên mảnh đất Nam Tây Nguyên hùng vĩ. Nằm ở ngoại ô cách thành phố Đà Lạt 25km, thôn Xuân Sơn không chỉ được biết đến như chiếc nôi của cách mạng mà còn được xem là một điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội và xây dựng nông thôn mới.
|
Trưởng thôn Nguyễn Đình Thuận giới thiệu về phòng truyền thống thôn |
Chiếc nôi của cách mạng
Bỏ lại sau lưng con đường “mưa bụi”, Xuân Sơn hiện ra với nhà cửa san sát, nhưng không khí thanh bình nơi đây dường như tách biệt hẳn với sự ồn ào của đô thị. Dọc theo những con đường đã được bê tông hóa kiên cố, ông Nguyễn Đình Thuận vừa đi vừa kể cho chúng tôi nghe “chuyện Xuân Sơn” thuở mới hình thành và sự kiên cường của mảnh đất này trong những ngày kháng chiến. Trước năm 1925, khi nơi đây còn là vùng rừng núi hoang vu, cụ Nguyễn Xin từ Quảng Nam đến đây lập làng. Ngày đó thôn Xuân Sơn chỉ có vài người dân di cư từ Quảng Nam, Quảng Ngãi vào canh tác, sống nương tựa nhau ven bìa rừng. Theo lời ông Thuận: “Ngày xưa ở đây toàn là rừng, là nơi thuận lợi để làm kháng chiến. Bà con Xuân Sơn ngày ấy, ai nấy đều theo cách mạng”. Theo chân vị trưởng thôn, chúng tôi đến thăm hội trường cũng là nhà truyền thống của thôn - nơi lưu giữ những ký ức về một thời anh hùng của những người con trên mảnh đất này trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Trên nền tường xanh, di ảnh của những anh hùng liệt sĩ được xếp ngay ngắn. Những chiếc khung ảnh ấy, không hề vương chút bụi mờ. Trong số những di ảnh ấy, có những tấm hình là cô bé, cậu bé trạc năm, sáu tuổi. “Trong kháng chiến, đã có biết bao thế hệ người con của Xuân Sơn tham gia cách mạng và cống hiến cả tuổi xuân của mình cho hòa bình của đất nước, nhưng họ đã mãi không trở về. Không có ảnh để thờ nên gia đình đành lấy những tấm hình thuở còn bé làm ảnh thờ cho các liệt sỹ” - ông Nguyễn Đình Thuận bùi ngùi giải thích.
Xuân Sơn có bao nhiêu anh hùng liệt sỹ, thì cũng có nhiều những người mẹ tiễn con đi. Mẹ Nguyễn Thị Nhứt (88 tuổi) có 6 người con đi kháng chiến thì 5 người hy sinh. “Hằng ngày mẹ vẫn lau chùi di ảnh của các con để như thấy mấy đứa vẫn còn đây quây quần bên mẹ” - mẹ Nhứt ngậm ngùi nói. Trong câu chuyện với chúng tôi về những ngày quá khứ, bao ký ức lại ùa về. Nhưng có lẽ nước mắt đã cạn rồi, trong đôi mắt của người mẹ đã trải qua những tận cùng của mất mát, đớn đau.
Ông trưởng thôn hồ hởi kể với chúng tôi, cứ vào ngày 27/7 hàng năm, già, trẻ, lớn, bé trong thôn lại tề tựu đông đủ tại nhà truyền thống để làm cúng giỗ những người anh hùng liệt sĩ. Đó là dịp để thế hệ sau thêm hiểu và tự hào về mảnh đất lịch sử này và cũng là cách mà các thế hệ người dân Xuân Sơn gìn giữ những giá trị lịch sử của một quá khứ anh hùng của mảnh đất này.
Mảnh đất tình người
Xuân Sơn có nhiều người mẹ như mẹ Nhứt. Và họ cũng là những người mẹ chung của cả thôn nhỏ bây giờ. Gần 200 nhân khẩu sống trong thôn họ cùng chăm sóc những mẹ Việt Nam anh hùng, những gia đình neo đơn. Người Xuân Sơn tự hào với truyền thống chở che và giúp đỡ lẫn nhau trong hoạn nạn. Năm 2015, nhà chị Lê Thị Nga (58 tuổi) không may bị cháy toàn bộ trong lúc gia đình chị vắng nhà. Người dân trong thôn đã đóng góp tiền của và công lao động để giúp gia đình chị dựng lại căn nhà. Nhà sinh hoạt truyền thống của thôn cũng vậy. Ngày xưa chỉ có một hội trường nhỏ, sau này được sự đóng góp của nhân dân đã xây thêm phần mái để phục vụ cho những ngày giỗ làng và hội họp. Năm 2014, thôn Xuân Sơn đã huy động nhân dân đóng góp 760 triệu đồng làm 1,4km đường thôn, hiến 3km đất làm đường trị giá 300 triệu đồng, làm 2,5km đường bê tông vào rẫy với 100 triệu đồng và 1.000 công lao động.
Là một thôn thuần nông, lâu nay người dân Xuân Sơn chủ yếu canh tác trên 350ha diện tích đất nông nghiệp. Nếu như trước đây, bà con trong thôn chỉ quẩn quanh với cây chè, cà phê, thì hiện nay, với việc đa dạng hóa cây trồng trong sản xuất nông nghiệp, người dân Xuân Sơn còn canh tác thêm các loại rau như sú, cải, một số hộ còn chuyển sang trồng hoa. Bà Châu Vũ - Phó thôn Xuân Sơn phấn khởi bộc bạch: “Bây giờ khoa học kỹ thuật được bà con áp dụng vào sản xuất nên năng suất cây trồng cao hơn trước rất nhiều. Đặc biệt, trong sản xuất rau hoa, bà con đã áp dụng sản xuất theo hướng nông nghiệp công nghệ cao, nhờ vậy tăng thêm thu nhập, đời sống của bà con cũng được cải thiện hơn trước rất nhiều”. Qua câu chuyện của vị trưởng thôn với bà con trong thôn mới thấy, việc hỗ trợ nhau kiến thức, kinh nghiệm làm rẫy, làm vườn hay đổi công trong sản xuất là những việc “ngày thường” ở đây vậy. Ngoài ra, Ban nhân dân thôn Xuân Sơn còn thường xuyên quan tâm đến các gia đình cựu chiến binh, mẹ Việt Nam anh hùng, luôn nắm bắt kịp thời nguyện vọng của nhân dân. Ông Thuận khẳng định: “Khi người trong thôn gặp khó khăn gì bà con đều góp sức giúp đỡ. Cũng nhờ sống đồng lòng mà mọi chương trình trong thôn khi được đề ra bà con đều hưởng ứng ngay. Đặc biệt, là việc chung tay xây dựng nông thôn mới được bà con thực hiện rất nhiệt tình. Nhờ thế nên đường sá mới khang trang, môi trường sạch đẹp vậy chứ”.
Xuân Sơn hôm nay đã đổi mới, Nhà nước và người dân chung sức xây dựng nông thôn mới, hòa nhịp cùng sự phát triển của xã hội nhưng vẫn không đánh mất đi những giá trị lịch sử tốt đẹp được xây dựng bao đời nay.
CÔNG CHÁNH