Tháng 5, Khu Di tích Kim Liên tổ chức 60 năm thành lập và kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trời trong lành và mát dịu hơn nhờ cơn mưa đón tiết tiểu mãn. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên trầm mặc, thẳm sâu theo chiều kích của không gian thoang thoảng hương sen từ những ao sen dọc lối vào và uy nghiêm vóc dáng Núi Chung…
Tháng 5, Khu Di tích Kim Liên tổ chức 60 năm thành lập và kỷ niệm 126 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trời trong lành và mát dịu hơn nhờ cơn mưa đón tiết tiểu mãn. Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên trầm mặc, thẳm sâu theo chiều kích của không gian thoang thoảng hương sen từ những ao sen dọc lối vào và uy nghiêm vóc dáng Núi Chung…
|
Cụm di tích Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) |
Cách đây tròn 60 năm, năm 1956, Khu Di tích này được thành lập và là di tích đầu tiên trong hệ thống Bảo tàng và Di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên toàn quốc được bảo tồn, tôn tạo. Ngày 10/5/2012, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 548/QĐ-TTg xếp hạng Di tích lịch sử Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Kim Liên là một trong 23 di tích quốc gia đặc biệt và là một trong 4 di tích quan trọng bậc nhất của cả nước về Chủ tịch Hồ Chí Minh, lưu giữ những hiện vật, tài liệu, không gian văn hóa - lịch sử về thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người thân trong gia đình.
Khu Di tích Kim Liên rộng trên 205ha, bao gồm Cụm di tích Hoàng Trù (làng Chùa): ngôi nhà tranh 3 gian của song thân Bác Hồ (ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan); ngôi nhà tranh 5 gian của 2 cụ Hoàng Xuân Đường - Nguyễn Thị Kép (ông bà ngoại Bác Hồ); nhà thờ chi họ Hoàng Xuân. Tại ngôi nhà ông Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan, năm 1890, cậu bé Nguyễn Sinh Cung (tên Bác Hồ còn nhỏ) cất tiếng khóc chào đời. Cụm di tích Làng Sen - nơi Bác Hồ đã sống cùng với gia đình từ năm 1901 - 1905. Ở đây có nhà ông Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc; Giếng Cốc; Lò rèn Cố Điền; Nhà cụ cử Vương Thúc Quý - thầy dạy học đầu đời của Bác Hồ; Nhà thờ họ Nguyễn Sinh; nhà cụ Nguyễn Sinh Nhâm - ông nội Chủ tịch Hồ Chí Minh; Di tích Cây đa, sân vận động Làng Sen; Khu trưng bày các hiện vật, tài liệu và Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu Di tích còn có phần mộ bà Hoàng Thị Loan ở Động Tranh trên dãy núi Đại Huệ và cụm di tích Núi Chung.
Từ ngày mở cửa đón tiếp đến nay, Khu Di tích Kim Liên đã đón khoảng hơn 32 triệu lượt khách trong và ngoài nước tới tham quan; trung bình hàng năm đón từ 1,8 - 2 triệu lượt khách với trên dưới 30.000 đoàn. Nhằm tiếp tục phát huy các giá trị về di sản Chủ tịch Hồ Chí Minh, góp phần giáo dục tư tưởng của Người cho các thế hệ, một mặt, Ban quản lý Khu Di tích Kim Liên triển khai Dự án “Bảo tồn tôn tạo cụm di tích Hoàng Trù, cụm di tích Làng Sen”, phục dựng các hộ láng giềng, cảnh quan di tích cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX; mặt khác, thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền bằng rất nhiều hình thức phong phú và sinh động. Trong những ngày tháng 5 năm nay, Khu Di tích Kim Liên càng thu hút du khách thập phương đến chiêm bái, tìm hiểu, tham quan. Từ ngày 2/5 đến 30/5, tại cổng khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chương trình biểu diễn dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được tổ chức hàng ngày nhằm hiện thực hóa công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời phục vụ du khách muôn phương về thăm quê hương của Người. Những làn điệu dân ca, Ví, Giặm trữ tình và lắng sâu nghĩa tình quê xứ Nghệ càng đặc sắc, rung động các cung bậc mĩ cảm đối với người thưởng thức nhờ sân khấu hóa khung cảnh làng quê Việt Nam cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chị Thanh Hằng đến từ Ninh Bình bày tỏ: “Dân ca Ví Giặm tôi mới được xem trên ti vi nên lần đầu tiên được xem trực tiếp, lại ngay tại quê Bác Hồ, thực sự làm tôi và nhiều người xúc động mạnh”.
Hai cụm di tích Làng Sen và Hoàng Trù được lợp lại tranh lá mía đẹp đẽ, gọn gàng đúng nguyên trạng ngày xưa. Ngày 10/5, Khu Di tích Kim Liên đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 60 năm thành lập và đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhất của Chủ tịch nước trao tặng. Sáu mươi năm bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích về quê hương, gia đình thời niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh và 2 lần Người về thăm quê đã minh chứng những hoạt động thầm lặng và cao cả của tập thể cán bộ, nhân viên Khu Di tích quốc gia đặc biệt. Khu Di tích Kim Liên trở thành di sản vô giá của dân tộc, chứa đựng ý nghĩa đặc biệt đối với sự nghiệp phát triển văn hóa của đất nước Việt.
Những dòng người chầm chậm nối nhau, lặng lẽ, khẽ khàng bước vào các di tích ở Kim Liên, Nam Đàn. Ra khỏi chiếc cổng bằng tre, tôi hỏi cảm xúc của một du khách, đó là cựu chiến binh quê ở miền Tây sông nước Hậu Giang. Bác ấy chia sẻ với tôi và như nói với lòng mình: “Từ trỏng ra đây tuy khá vất vả nhưng lòng chúng tôi ấm áp và khỏe lại khi được tận mắt xem những kỉ vật gắn bó với thời nhỏ của Cụ Hồ. Thiêng liêng quá!”. Tháng 5 trên quê Chủ tịch Hồ Chí Minh rưng rưng lòng thương nhớ Bác…
MINH ĐẠO