An sinh xã hội cho cộng đồng bền vững, nhân văn

08:05, 20/05/2016

Tiếp sức để những người khuyết tật, người yếm thế tiếp cận một cách tốt nhất sự hỗ trợ của xã hội, đưa kế hoạch hỗ trợ cuộc sống của họ vào việc hoạch định chính sách xã hội là điều kiện để xây dựng được một xã hội bền vững và nhân văn...

Tiếp sức để những người khuyết tật, người yếm thế tiếp cận một cách tốt nhất sự hỗ trợ của xã hội, đưa kế hoạch hỗ trợ cuộc sống của họ vào việc hoạch định chính sách xã hội là điều kiện để xây dựng được một xã hội bền vững và nhân văn...
 
Người hưởng lợi nhận hỗ trợ hàng tháng tại bưu điện
Người hưởng lợi nhận hỗ trợ hàng tháng tại bưu điện

Gia đình ông K’ră jăn Chè ở buôn Đăng Gia, thị trấn Lạc Dương có người con trai dù đã đến tuổi trưởng thành nhưng tâm trí vẫn chỉ bằng đứa trẻ 3, 4 tuổi. Gánh nặng nuôi dưỡng, chăm sóc con bệnh tật đã khiến kinh tế gia đình ngày thêm khó khăn. Hai năm trở lại đây, con trai ông Chè và bản thân ông đã được nhận tiền trợ cấp hàng tháng với tư cách người khuyết tật nặng và người chăm sóc người khuyết tật nặng. Ông K’ră jăn Chè tâm sự: “Khổ lắm cô ạ, lúc nào nhà cũng phải có người để trông nom cháu. Nhưng hai năm nay, mỗi tháng tôi và cháu được trợ cấp gần bảy trăm ngàn, đỡ tiền gạo, tiền mắm trong nhà rất nhiều, cuộc sống cũng dễ thở hơn”. Ông Chè cho biết, hàng tháng, ông chỉ cần cầm sổ do nhà nước cấp ra bưu điện Lạc Dương gần nhà là có thể nhận được đủ số tiền và cũng không phải chi trả bất kỳ khoản chi phí nào. Ông K’ră jăn Chè là một trong hàng trăm trường hợp nhận trợ cấp hàng tháng ở địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số bản địa cư trú này. Ông K’ră jăn Jú, Phó chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương cung cấp thông tin, toàn thị trấn có xấp xỉ 100 trường hợp nhận trợ cấp hàng tháng, nhiều gia đình ở khá xa trung tâm, đi lại khó khăn do người già yếu, khuyết tật. Ở thôn, bản nào cũng có cộng tác viên, nếu không ra bưu điện nhận tiền thì có thể báo để cộng tác viên đưa tới tận gia đình. Với vùng đất còn khó khăn như Lạc Dương, sự hỗ trợ của nhà nước đã giúp cuộc sống của những người già yếu, khuyết tật dễ dàng hơn rất nhiều.
 
Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam đang thí điểm hoạt động ở 4 tỉnh, thành gồm Hà Giang, Quảng Nam, Lâm Đồng và Trà Vinh. Dự án triển khai thành công việc hợp nhất chi trả trợ giúp xã hội hộ gia đình cho 291.453 đối tượng hưởng lợi, trong đó có 274.114 đối tượng theo chính sách hiện hành và 17.339 đối tượng tăng thêm của dự án. Riêng Lâm Đồng có 30.188 người đang hưởng các mức trợ cấp xã hội khác nhau, trong đó, 2.413 người thuộc đối tượng tăng thêm của dự án.
Theo thông tin từ Văn phòng Ban Quản lý dự án Tăng cường trợ giúp xã hội tỉnh Lâm Đồng, hiện Lâm Đồng có trên 30 ngàn đối tượng thuộc các diện cần được trợ giúp hàng tháng. Trước kia, việc chi trả khá phức tạp, qua nhiều kênh khiến bộ máy cồng kềnh. Từ năm 2015, Dự án Tăng cường hệ thống trợ giúp xã hội Việt Nam đã tích hợp tất cả các khoản chi trả vào một đầu mối và người nhận trợ cấp sẽ trực tiếp nhận tại bưu điện các xã hoặc trong điều kiện đặc biệt, sẽ nhận tại nhà theo yêu cầu của đối tượng. Ông Ngô Hữu Hay, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Lâm Đồng khẳng định, công tác chi trả thông qua Bưu điện đã đạt tỉ lệ thành công trên 90%. Kết quả này đã giảm thiểu áp lực cho bộ máy quản lý vốn quá tải, cồng kềnh và đảm bảo tính minh bạch trong việc thực hiện chi trả. Người dân tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại cũng như hàng tháng có một khoản tiền tập trung hơn để đầu tư cho dinh dưỡng, khám sức khỏe và cho trẻ đến trường.
 
Ngoài việc quy một đầu mối chi trả cho người hưởng trợ cấp xã hội, để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống thông tin quản lý tích hợp các chính sách trợ giúp xã hội trên toàn tỉnh, Dự án đã tiến hành hoạt động thu thập thông tin về hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ có người đang hưởng trợ cấp/trợ giúp hàng tháng. Đồng thời, dự án cũng căn bản hoàn thành hệ thống Thông tin quản lý (MIS) tích hợp cho các chính sách trợ giúp xã hội. Đây chính là cơ sở dữ liệu quan trọng để các nhà hoạch định chính sách khi đưa ra một chính sách mới luôn tính tới việc hỗ trợ những đối tượng yếm thế trong cộng đồng. Với Lâm Đồng, số lượng người khuyết tật luôn ở mức xấp xỉ 10% dân số và không thể bỏ quên họ khi hoạch định các chính sách về kinh tế - văn hóa - xã hội của địa phương. Mục tiêu của Dự án không phải là từ thiện, mục tiêu của Dự án là hướng tới sự đổi mới lâu dài, đó là phải hỗ trợ tốt hơn cho người nghèo, những đối tượng yếm thế, huy động được đa dạng các nguồn lực trong xã hội, đảm bảo minh bạch trong thực hiện chính sách nhằm hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu cho người dân, góp phần giảm nghèo bền vững.
 
DIỆP QUỲNH