Huyện Đạ Huoai thành lập 6/6/1986. 30 năm qua, tiếp nối truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân các dân tộc trên vùng đất trẻ với nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, năng động và sáng tạo trong lãnh, chỉ đạo; thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ nên huyện mới ngày nào đã chuyển mình tạo nên vóc dáng một miền đất hứa hẹn tương lai phát triển.
LTS: Huyện Đạ Huoai thành lập 6/6/1986. 30 năm qua, tiếp nối truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng hào hùng, Đảng bộ và chính quyền, nhân dân các dân tộc trên vùng đất trẻ với nhiều nỗ lực vượt qua khó khăn, năng động và sáng tạo trong lãnh, chỉ đạo; thực hiện nhiệm vụ chính trị trong từng thời kỳ nên huyện mới ngày nào đã chuyển mình tạo nên vóc dáng một miền đất hứa hẹn tương lai phát triển.
Ngược dòng lịch sử
Thời vua Tự Đức, địa danh Đạ Huoai được đề cập từ năm 1877 khi Dinh điền sứ tỉnh Bình Thuận là Nguyễn Thông (1826-1894) - một sĩ phu yêu nước, đã tổ chức thám hiểm vùng đất giữa ba con sông: La Ngà, Đạ Huoai và Đồng Nai với dự định lập đồn điền khai khẩn vùng thượng du. Trong chương trình thám hiểm khai phá cao nguyên, ngày 1-11-1880, bác sĩ hải quân Pháp Paul Ne1is khởi hành thám hiểm vùng thượng lưu sông Đồng Nai và ngày 29/11/1880, đoàn đến bờ sông Đồng Nai, đi trên đường mòn do voi, tê giác vạch ra. 12 năm sau, bác sĩ Yersin cũng thám hiểm vùng đất giữa ba con sông này.
|
Thị trấn Mađaguôi sau 30 năm hình thành và phát triển. Ảnh: KHÁNH PHÚC |
Huyện Đạ Huoai nằm phía Tây Nam Lâm Đồng. Trong suốt thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, Đạ Huoai là vùng đất thuộc quận B’Lao, tỉnh Đồng Nai Thượng. Năm 1950 hai tỉnh Lâm Viên và Đồng Nai Thượng hợp nhất thành tỉnh Lâm Đồng, huyện Đạ Huoai thuộc quận B’Lao, tỉnh Lâm Đồng. Từ năm 1950, trên địa bàn Đạ Huoai lúc đó có xã Bà Gia (nay là xã Đoàn Kết) gồm 3 buôn Lú Nhùm, Tố No’h và Triêng Làng với dân số khoảng 300 người, đã được tiếp xúc với cách mạng.
Trước 1975, vùng đất có ba xã: Bà Gia, Phước Lạc và Mađaguôi, nhân dân nơi đây đã lập nhiều công lao, thành tích xuất sắc trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và đánh Mỹ. Sau 1975, Đạ Huoai thuộc huyện Bảo Lộc gồm 4 xã: Lộc Phước, Lộc Thọ, Lộc Phú, Lộc Trung. Ngày 14/3/1979, huyện Bảo Lộc tách thành hai huyện: Bảo Lộc và Đạ Huoai. Lúc này, huyện có 7 xã (Mađaguôi, Đạ Oai, Đạ M’ri, Đạ P’Loa, Đạ Tẻh, Đạ Kộ, Đạ Lây) và 3 thị trấn: thị trấn Mađaguôi và hai thị trấn nông trường Đạ Tẻh, nông trường Đạ M’ri. Trung tâm huyện lỵ Đạ Huoai đặt tại thôn 4 sau về thôn 5, xã Mađaguôi. Dân số có 13.453 nhân khẩu, trong đó 34% là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), 25% là đồng bào mới đến xây dựng vùng kinh tế mới. Tháng 6/1979, Tỉnh ủy quyết định thành lập Ban Cán sự kinh tế mới Vùng III; các đồng chí Chế Lễ làm Bí thư, Đặng Xuân Du làm Trưởng ban. Nhiệm vụ của Ban là tập trung ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; củng cố và xây dựng tổ chức Đảng, chính quyền, đoàn thể; chuẩn bị công tác nhân sự, nội dung và các điều kiện cần thiết để tiến hành Đại hội.
Trong “Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng huyện Đạ Huoai (1945 - 2005)” do Đảng bộ huyện xuất bản năm 2006 có ghi: “Được sự đồng ý của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng, từ ngày 18 đến ngày 22 tháng 6 năm 1979, tại Nông trường Bộ Hà Lâm, Ban Cán sự kinh tế mới Vùng III tiến hành Đại hội với tên gọi Đại hội Đảng bộ huyện Đạ Huoai lần thứ I... Đại hội tập trung thảo luận các biện pháp cấp bách để ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, nhất là trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe và nâng cao dân trí... Đồng chí Chế Lễ được bầu làm Bí thư, đồng chí Tạ Văn Bằng làm Phó Bí thư Thường trực, đồng chí Đặng Xuân Du được bầu làm Phó Bí thư - Chủ tịch UBND huyện...
Bước vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ I, huyện Đạ Huoai (cũ) gặp vô vàn khó khăn, thiếu thốn, chưa có trạm xá, bệnh viện ở xa; trường học tạm bợ; cơ sở vật chất nghèo nàn, trừ hai Nông trường Quốc doanh Hà Lâm và Lộc Phước do tỉnh quản lý, huyện chỉ có 400ha đất canh tác, 25 con trâu bò và 4 máy kéo cũ kỹ lạc hậu. Một số hộ dân đến lập nghiệp ở vùng quê mới quá nghèo không có vốn đầu tư, có người chưa quen lao động nông nghiệp lại bị dịch bệnh, nhất là sốt rét hoành hành nên không ít người không bám trụ nổi phải bỏ đi nơi khác sinh sống”...
Năm 1981, xã Đồng Nai thuộc huyện Phước Long, tỉnh Sông Bé được sáp nhập vào huyện (nay thuộc xã Đồng Nai, huyện Cát Tiên). Ngày 6/6/1986, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) ra Quyết định số 68-HĐBT chia huyện Đạ Huoai thành ba huyện: Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. Đạ Huoai mới có tổng diện tích tự nhiên 58.270ha, dân số 13.250 người với 9 đơn vị hành chính gồm 7 xã và 2 thị trấn. Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, đánh dấu bước trưởng thành mới của huyện. Từ đây, sự nghiệp xây dựng và phát triển Đạ Huoai bắt đầu bước sang một giai đoạn “hùng ca” mới.
Nhớ lại thời kỳ mới tách huyện (năm 1986), ông Nguyễn Xuân Lợi - nguyên bộ đội phục viên là Phó Văn phòng Huyện ủy Mỹ Đức, tỉnh Hà Sơn Bình (sau thuộc tỉnh Hà Tây và sáp nhập về Hà Nội); năm 1979 được tăng cường vào công tác tại Văn phòng Huyện ủy Đạ Huoai, cho hay ngân quỹ của bộ máy huyện mới chỉ có trên 1 triệu đồng. Lúc ấy, tình hình KT-XH của Đạ Huoai gặp nhiều khó khăn, cơ cấu kinh tế chưa hình thành rõ nét. Sản xuất nông, lâm và công nghiệp, TTCN chưa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điều kiện cơ sở vật chất phục vụ SXKD nghèo nàn, thiếu đồng bộ. Đời sống nhân dân chưa ổn định, nhất là một bộ phận dân kinh tế mới và đồng bào DTTS. Lực lượng Fulro vẫn lén lút hoạt động và ngấm ngầm chống phá, gây ra nhiều nguy cơ tiềm ẩn mất ổn định về an ninh chính trị. Đội ngũ cán bộ còn thiếu, ảnh hưởng trực tiếp đến công tác lãnh đạo và điều hành mọi hoạt động về KT-XH.
Một sáng cuối tháng 5 vừa qua, bên bàn nước trước hiên nhà lảnh lót tiếng chim chuyền rộn rã các vòm cây xanh biếc trong vườn, ông Nguyễn Xuân Lợi bồi hồi tâm sự khi chúng tôi thực hiện ý định viết về 30 năm Đạ Huoai: Để lại vợ và 4 con thơ ở quê nhà, đến vùng đất mới, ông được phân công về nhận nhiệm vụ khởi đầu là chức Xã đội trưởng kiêm Bí thư Xã đoàn xã Lộc Phước... Qua nhiều cương vị chủ chốt của huyện, năm 2003, ông giữ chức quyền Chủ tịch và từ 2004 đến khi nghỉ hưu năm 2009 là Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai.
- Cháu từng có 6 năm công tác ở Huyện Đoàn và trên 13 năm ở Hội Phụ nữ huyện. Đi cơ sở cũng trải nhiều khó khăn, vất vả... Thế nhưng so với thế hệ các bác hồi tăng cường xuống xã thì gian lao của bọn cháu chẳng thấm vào đâu, chỉ như hạt muối trong biển cả? - Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hà Thị Thanh Huyền áng ngoài bốn mươi, quê châu thổ sông Hồng nhưng đã có “vốn liếng” trên 20 năm gắn bó với Đạ Huoai, lên tiếng thể hiện sự thán phục.
|
Ông Nguyễn Xuân Lợi - nguyên Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai trò chuyện với cán bộ trẻ của huyện |
Vuốt ngược mái tóc trắng như cước, nụ cười hiền hậu nở rạng ngời gương mặt “lão nông tri điền” chất phác, ông Lợi chậm rãi và nhỏ nhẹ: - Hồi ấy quả gian khó nhiều bề! Xã Lộc Phước chủ yếu là đồng bào DTTS bản địa (K’Ho, Mạ), sau mới thêm dân kinh tế mới từ các tỉnh miền Trung, miền Bắc. Xã trải dài trên vùng rừng núi từ đèo Chuối đến đèo Bảo Lộc. Khi mình và các cán bộ tăng cường cho Đạ Huoai về nhận nhiệm vụ: ông Doánh - Bí thư Chi bộ, ông Chiếm - Phó Chủ tịch xã phụ trách công an, đời sống nhân dân còn đói kém, lạc hậu, nhất là căn bệnh sốt rét hoành hành... Đến năm 1986, tôi mới đón vợ con vào đoàn tụ, lập nghiệp. Mỗi lần đi công tác về nhà nghe tiếng các cháu rên hừ hừ vì lên cơn sốt mà thật não lòng...
Chưa hết, đặc biệt tình hình trật tự an ninh rất phức tạp. Ở đây, năm 1979, K’Long Nhão nguyên Xã đội phó đã lôi kéo 21 thanh niên K’Ho vào rừng theo Fulrô, tên này sau lẩn quất, trở thành “người rừng” mãi tới năm 1995 thì phải mới ra đầu thú. Trước tình trạng bộ máy chính quyền xã hoàn toàn tê liệt, nhiệm vụ đặt ra hàng đầu đối với tổ cán bộ tăng cường về xã là bắt tay ngay xây dựng hệ thống chính trị, đoàn thể, hướng dẫn đồng bào định canh định cư, phát triển sản xuất và giải quyết vấn đề Fulro...
Ngưng lời giây lát, ông Lợi kể: vào năm 1986, rẫy dân trồng mì và chuối ở khu vực đèo Chuối thường xuyên bị nhổ, bị chặt... Đồng bào biết Fulro đói quá, về phá nhưng vì tình dòng tộc, buôn làng nên không dám báo. Qua nắm bắt tình hình, ông suy nghĩ phải vận động đồng bào tố giác, thuyết phục con em họ lầm đường lạc lối trở về. Một hôm từ huyện xuống xã sinh hoạt với chi bộ, ông gợi ý vợ chồng ông K’Tình là đảng viên từ thời kháng chiến trước 1975... Ngần ngại mãi rồi K’Tình mới cho hay: Không phải người Kinh phá rẫy đâu, Fulro nó về đấy. Tụi nó có hơn mười tên, có súng AR15! Ngay sau buổi sinh hoạt, ông Lợi bàn với K’Nguyệt - Chủ tịch xã phương án truy quét toán Fulro này. Chiều đó, K’Nguyệt và một tốp du kích thông thạo địa hình mang súng AK đội mưa tầm tã vào rẫy phục kích. Chừng gần 7 giờ tối, từ hướng rẫy ran lên tiếng súng. Lát sau, K’Nguyệt cùng anh em du kích về báo sau khi nổ súng có thấy người ngã xuống. Ông Lợi báo cho bộ đội Đại đội 730 và trung đội công an của tỉnh đóng trên địa bàn phối hợp lên rẫy kiểm tra. Trong các xác chết, đồng bào nhận dạng có tên Lumu Rịp, là người địa phương và được bọn phản động Fulrô phong là Quận trưởng Quận Đạ Huoai.
Chia tay bác Lợi, Phó Ban Tuyên giáo Huyện ủy thảng thốt trên đường về: Sáng nay, nghe chuyện em mới hiểu hơn sự hy sinh, đóng góp lớn lao của các thế hệ cán bộ lãnh đạo đi trước! Hiểu quá khứ để có trách nhiệm hơn với vùng đất lịch sử này!
(CÒN NỮA)
Bút ký: ĐAN THANH