Kể từ vài năm trở lại đây, trong năm học 2015-2016, Giáo dục Lâm Đồng đã gặt được nhiều "quả ngọt" ấn tượng với kết quả thi học sinh giỏi (HSG) Quốc gia tăng cả về số lượng và chất lượng giải. Đồng thời, trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) toàn quốc, Lâm Đồng là đơn vị duy nhất có 100% đề tài dự thi đều đoạt giải.
Kể từ vài năm trở lại đây, trong năm học 2015-2016, Giáo dục Lâm Đồng đã gặt được nhiều “quả ngọt” ấn tượng với kết quả thi học sinh giỏi (HSG) Quốc gia tăng cả về số lượng và chất lượng giải. Đồng thời, trong Cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) toàn quốc, Lâm Đồng là đơn vị duy nhất có 100% đề tài dự thi đều đoạt giải.
|
Thầy cô và học sinh Lâm Đồng trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc gia lần thứ 5 |
Số lượng và chất lượng giải tăng
Nhìn vào bảng thành tích thi HSG quốc gia năm nay, có thể thấy bước nhảy vọt về chất lượng dự thi của Lâm Đồng. Đó là có 30 trên tổng số 60 học sinh dự thi đoạt giải, trong đó có 4 giải Nhì (các bộ môn Tiếng Anh, Tiếng Pháp, Vật lý, Tin học), 7 giải Ba, 19 giải Khuyến khích. Trong khi đó, ở năm học trước, kết quả chỉ dừng lại ở 19 giải với 5 giải Ba và 14 giải Khuyến khích. Đặc biệt, các giải thưởng môn tự nhiên môn xã hội khá đồng đều.
Ở Cuộc thi KHKT quốc gia lần thứ 5 do Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) tổ chức tại Đồng Nai vào tháng 3/2016, Sở GD & ĐT Lâm Đồng lần đầu tiên dự thi 9 đề tài (thông thường ở các kỳ trước là 6 đề tài) thì tất cả đều đoạt giải với 4 giải chung cuộc và 9/9 giải lĩnh vực. Trong đó, có 2 giải Nhì và 2 giải Ba toàn cuộc; 1 đề tài là “Nghiên cứu khả năng gắn và tiêu diệt một số tế bào ung thư của kháng thể kháng nhân” của học sinh Trường THPT Chuyên Thăng Long được chọn tham dự Cuộc thi Intel ISEF tại Hoa Kỳ vào tháng 5/2016. (Năm học 2014-2015 tại Cuộc thi lần thứ 4, Lâm Đồng chỉ có 2 giải Nhì toàn cuộc). Về giải lĩnh vực: 4 giải Nhất, 1 giải Nhì, 2 giải Ba và 2 giải Khuyến khích (Năm học trước đó 1 giải Nhất, 1 giải Nhì, 1 giải Ba). Ngoài ra, có 2 đề tài được nhận phần thưởng quốc tế.
Ở kết quả thi HSG tỉnh, số lượng học sinh (HS) dự thi HSG cấp THCS giảm nhẹ (409/ 843 HS dự thi đoạt giải, giảm 31 HS so với năm học 2014- 2015) nhưng số lượng HS dự thi và đoạt giải HSG cấp THPT tăng lên (701/1.488 HS dự thi đoạt giải, tăng 209 HS so với năm học trước).
Chiến lược hợp lý
Phan Thị Kim Xuân, học sinh lớp 12 B5, Trường THPT Đức Trọng đoạt giải Ba môn Lịch sử trong kỳ thi HSG quốc gia là một bất ngờ với chính cả bản thân em. Kim Xuân học Khối Cơ bản và dự định vào Đại học khối C nên từ năm học lớp 10, 11 đã đăng ký bồi dưỡng môn Địa lý tại trường. Đến năm lớp 12, em chọn bồi dưỡng môn Lịch sử và vượt qua được vòng tuyển chọn để vào đội tuyển. Cô học trò này cho biết, khi bước vào đội tuyển cấp tỉnh, Trường THPT Đức Trọng chiếm tới 5/6 HS nên các em được tổ chức ôn luyện ngay tại trường; khi có các giảng viên từ các tỉnh thành khác vào ôn tập, các HS lại cùng nhau tập trung lên Đà Lạt để bồi dưỡng nâng cao. Với điều kiện thuận lợi, tinh thần thoải mái, được ôn luyện kỹ lưỡng, Kim Xuân có kiến thức vững vàng bước vào kỳ thi, đặc biệt bị lôi cuốn để nghiên cứu về các câu hỏi liên hệ thực tế để vươn lên đoạt giải Ba quốc gia.
Vài năm học qua, ngành GD&ĐT Lâm Đồng từng gặp phải vấn đề khó khi số lượng và chất lượng giải các kỳ thi HSG quốc gia sa sút. Nhìn nhận thẳng thắn để tìm hiểu và phân tích nguyên nhân, Sở đã thực hiện chiến lược sát với tình hình.
Trên cơ sở đó, đơn vị đã tổ chức tốt kỳ thi chọn HS vào đội tuyển tham dự kỳ thi HSG quốc gia với thành phần chủ yếu là các em học sinh có năng lực và tâm huyết từ hai trường chuyên là THPT Chuyên Thăng Long và THPT Chuyên Bảo Lộc cùng một số học sinh từ Trường THPT Đức Trọng và THPT Hermann Gmeiner. Đặc biệt, Sở đã mạnh dạn giao quyền chủ động công tác bồi dưỡng HS cho nhà trường và đến tận tổ chuyên môn.
Bên cạnh đó, Sở GD&ĐT đã thành lập Hội Đồng bồi dưỡng HSG của tỉnh với thành phần là Lãnh đạo Sở làm lãnh đạo Hội đồng và các chuyên viên phụ trách bộ môn là tổ trưởng của các môn bồi dưỡng.
Qua đó, đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo từ các nhà trường, các tổ chuyên môn và đội ngũ giáo viên dạy bồi dưỡng. Ngoài ra, công tác tập huấn cho đội ngũ giáo viên bồi dưỡng HSG đã được tập trung thực hiện với nhiều hội nghị tập huấn, tập trung vào hoạt động bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, phương pháp và kỹ năng đào tạo, bồi dưỡng HSG; tăng cường các hoạt động giao lưu, trao đổi kinh nghiệm... Các chuyên viên phụ trách bộ môn, giáo viên trường Chuyên và các giáo viên cốt cán thường xuyên được tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm và chia sẻ các nguồn tư liệu dùng cho giảng dạy và ôn tập, đặc biệt là hệ thống tài liệu, các dạng đề thi học sinh giỏi quốc gia và quốc tế.
Có thể nói, “quả ngọt” từ công tác bồi dưỡng HSG và cuộc thi KHKT năm nay đã thể hiện sự thành công từ chiến lược phù hợp và sự quyết liệt với chiến lược đã vạch ra của ngành GD&ĐT Lâm Đồng. Kết quả này góp phần vào thành công chung bên cạnh những kết quả về giáo dục toàn diện.
Bà Đàm Thị Kinh, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết để giữ vững và tiếp tục phát huy những thành tựu ấy, ngành sẽ tiếp tục triển khai tới đội ngũ cán bộ quản lý, các thầy giáo, cô giáo những nhiệm vụ năm học đáp ứng yêu cầu về đổi mới căn bản và toàn diện GDĐT trong giai đoạn mới; phát huy những thành tích đã đạt được, tích cực, chủ động đổi mới phương pháp dạy học, nâng cao hiệu quả giảng dạy, giáo dục; chuẩn bị mọi điều kiện tốt nhất cho năm học mới. Đồng thời, đẩy mạnh hơn nữa công tác nghiên cứu khoa học và bồi dưỡng học sinh giỏi tại các đơn vị, xem việc nghiên cứu khoa học trong nhà trường là biện pháp tích cực và cơ bản trong việc đổi mới phương pháp dạy học… Đặc biệt là phát huy tính chủ động trong công tác bồi dưỡng HSG đến từng trường, từng tổ chuyên môn, từng giáo viên - một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào kết quả nổi trội của năm học này.
HẢI YẾN