Phát huy năng lực học sinh

08:05, 30/05/2016

Triển khai phương pháp dạy học Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục ở Trường Tiểu học thực nghiệm Lê Quý Đôn (Đà Lạt) đã minh chứng việc áp dụng chương trình mới này là hoàn toàn phù hợp.

Bắt đầu từ năm học 2012 - 2013, Trường Tiểu học Thực nghiệm Lê Quý Đôn được Sở Giáo dục và Đào tạo Lâm Đồng lựa chọn triển khai phương pháp dạy học Tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục và trở thành trường tiểu học duy nhất của tỉnh thí điểm dạy và học chương trình mới này. Trải qua 3 năm thí điểm, đến nay thầy và trò của trường đã minh chứng việc áp dụng chương trình mới này là hoàn toàn phù hợp.
 
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn
Học sinh Trường Tiểu học Lê Quý Đôn

Đặc điểm nổi bật của chương trình này là tính vững chắc. Theo Giáo sư - Tiến sĩ Khoa học Hồ Ngọc Đại: Mục tiêu của dạy môn Tiếng Việt lớp 1 - Công nghệ giáo dục là giúp các em học sinh đọc thông, viết thạo, học đâu chắc đấy, nắm chắc luật chính tả, nắm chắc hệ thống cấu trúc ngữ âm Tiếng Việt. Đồng thời còn giúp các em phát triển tư duy và biết cách làm việc trí óc, phát huy năng lực tối ưu của mỗi cá nhân học sinh.
 
Thực tế, tại lớp 1/2 Trường Tiểu học Lê Quý Đôn, sau 1 năm áp dụng học chương trình mới này, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Sương chia sẻ: Lúc đầu cả thầy và trò chúng tôi đều rất vất vả, nhưng sau khi được tập huấn, chúng tôi đã truyền thụ những kiến thức căn bản để các em học sinh dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất. Giờ đây, sau khi kết thúc một năm học thầy trò chúng tôi tự hào vì đã đảm bảo hầu hết các học sinh lớp 1 nắm chắc về nguyên âm, phụ âm, biết chắc chắn một vần, một tiếng cụ thể có thể ghép với bao nhiêu thanh... Và đặc biệt, các con nắm rất chắc luật chính tả và sử dụng tiếng Việt trong học tập, giao tiếp tốt hơn nhiều.
 
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, cô Lê Thị Thanh Hoa - Hiệu phó Trường Tiểu học Lê Quý Đôn cho biết: Lần đầu tiếp xúc với chương trình, phương pháp mới nên cán bộ quản lý, giáo viên lớp 1 còn nhiều băn khoăn, lo lắng và thực tế việc giảng dạy của giáo viên cũng đã gặp không ít lúng túng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dạy học, chúng tôi nhận được sự giúp đỡ của các chuyên gia Trung tâm Công nghệ giáo dục, Phòng giáo dục Tiểu học - Sở GD&ĐT Lâm Đồng, Phòng GD & ĐT Đà Lạt nên nhà trường đã nhanh chóng tiếp cận, giải quyết được mọi khó khăn, vướng mắc. Kết thúc năm học, kết quả học tập của học sinh lớp 1 đạt tỷ lệ trên 95% học sinh đọc thông, viết thạo, đã cho thấy rõ sự phù hợp và tính ưu việt của chương trình Tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục.
 
Được biết, từ năm học 2013 - 2014 đến nay, Trường Lê Quý Đôn được đảm nhiệm vai trò cốt cán trong công tác bồi dưỡng, tập huấn cho giáo viên các trường áp dụng chương trình này trong toàn tỉnh. Trường đã thường xuyên tổ chức các chuyên đề cấp cụm, cấp thành phố về Tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục và đều được Sở GD & ĐT, Phòng GD & ĐT thành phố Đà Lạt ghi nhận, đánh giá cao. 
 
Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết điểm nổi bật của chương trình này chính là ở tính vững chắc. Do đó, đã giúp học sinh đọc thông viết thạo, đúng chính tả, không thể tái mù chữ. Bất kỳ tiếng nào miễn là nghe được, nhắc lại được là viết được. Mặt khác, chương trình còn phù hợp với mọi đối tượng, dù là học sinh người Kinh hay người dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng thuận lợi hay vùng khó khăn, học sinh có được chuẩn bị Tiếng Việt trước khi vào lớp 1 hay chưa. 
 
Với quan điểm dạy ngữ âm nên chương trình không đặt nặng về nghĩa mà tập trung vào cấu tạo ngữ âm của tiếng. Đây chính là lý do để các bậc phụ huynh khi kiểm tra con học sẽ thấy nhiều đoạn, câu từ trong sách giáo khoa vì sao không có nghĩa như cách học đơn thuần trước đây mà chúng ta đã học. Chương trình giúp học sinh nắm được tiếng Việt trong mối quan hệ ngữ âm của nó. Tiếng Việt là vật thật, chữ chỉ là vật thay thế. Điều mà học sinh lớp 1 muốn nắm và cần phải nắm trước hết là “ vật thật”. Khi nắm được “vật thật” một cách chắc chắn rồi thì các em mới có thể sử dụng trong học tập và giao tiếp; khi đó nghĩa sẽ được các em nắm bằng nhiều con đường mà không cần giáo viên phải tốn nhiều thời gian và công sức. Chính vì tuân thủ quan điểm này mà chương trình tiếng Việt lớp 1 - công nghệ giáo dục qua việc đo nghiệm, kiểm tra chéo và khảo sát độc lập các lớp, chúng tôi khẳng định việc thí điểm có hiệu quả và là giải pháp nâng cao chất lượng môn Tiếng Việt, từ đó góp phần phục vụ tốt cho học sinh học lớp 2 chương trình VNEN trong thời gian tới - Hiệu Phó Lê Thị Thanh Hoa trao đổi.
 
Để áp dụng tốt chương trình học mới này, Ban giám hiệu nhà trường và đội ngũ giáo viên khối lớp 1 đã phải đầu tư rất nhiều thời gian, công sức, chú trọng nâng cao chất lượng tập huấn nghiệp vụ cho giáo viên. Mặt khác, cán bộ quản lý phải là bộ phận kết nối, là trung tâm tạo ra môi trường học hỏi chuyên môn tích cực cho giáo viên. Để làm được điều đó, lãnh đạo nhà trường, đặc biệt là Phó Hiệu trưởng cùng các tổ trưởng chuyên môn phải luôn quan tâm sâu sát, đi đầu gương mẫu, cùng học hỏi - cùng làm với giáo viên thì mới hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu, đâu là vướng mắc cần tháo gỡ. Đây là biện pháp hữu hiệu để thúc đẩy phong trào dạy và học phát triển ở Trường Tiểu học Lê Quý Đôn.
 
NGUYỆT THU