Tháng Tư, Đà Lạt ngập tràn sắc hoa phượng tím. Khắp nơi trong thành phố, ở đâu cũng có thể bắt gặp một màu lam tím nhạt. Vẻ đẹp kiêu sa, dịu dàng của phượng tím khiến Đà Lạt thêm vẻ lãng mạn và nên thơ. Nhắc tới phượng tím không thể không nhắc tới nữ tiến sĩ Hà Ngọc Mai...
Tháng Tư, Đà Lạt ngập tràn sắc hoa phượng tím. Khắp nơi trong thành phố, ở đâu cũng có thể bắt gặp một màu lam tím nhạt. Vẻ đẹp kiêu sa, dịu dàng của phượng tím khiến Đà Lạt thêm vẻ lãng mạn và nên thơ. Nhắc tới phượng tím không thể không nhắc tới nữ tiến sĩ (TS) Hà Ngọc Mai, một trong những người đã có công mang giống hoa này từ nước ngoài về trồng và nhân rộng tại Đà Lạt.
|
Vợ chồng TS Hà Ngọc Mai |
TS Hà Ngọc Mai cùng với chồng là tiến sĩ khoa học (TSKH) Trần Hà Anh, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu hạt nhân, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, là những trí thức Việt kiều đầu tiên đã trở về Đà Lạt làm việc sau ngày thành phố giải phóng và họ đã gắn bó, chứng kiến biết bao đổi thay của thành phố từ đó đến nay.
Trong căn biệt thự xinh xắn và tất nhiên không thể thiếu loài hoa phượng tím trên đường Phù Đổng Thiên Vương, thành phố Đà Lạt, nữ TS Hà Ngọc Mai bồi hồi nhớ lại:
“Theo lời kêu gọi của Nhà nước và nguyện vọng cá nhân, tháng 5 năm 1978, vợ chồng tôi cùng 2 con nhỏ rời nước Pháp trở về Việt Nam. Nhà tôi tốt nghiệp Tiến sĩ Khoa học ngành Vật lý hạt nhân tại Đại học Paris 11 và Kỹ sư tại Trường Bách khoa Paris, là chuyên gia trong ngành an toàn hạt nhân và đang phụ trách nhóm phân tích an toàn hạt nhân cho chương trình xây dựng nhà máy điện hạt nhân của Pháp, còn tôi là chuyên gia về công nghệ sinh học (tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Pa-ri 11) nên cả 2 vợ chồng được bố trí công tác tại Đà Lạt”.
TS Hà Ngọc Mai nhớ lại, Đà Lạt sau giải phóng mặc dù chính quyền cách mạng cùng nhân dân đã hết sức cố gắng để khắc phục những hậu quả của chiến tranh, nhưng vẫn còn là một thành phố nhỏ bé, tiêu điều, thiếu thốn trăm bề. Lương thực, thực phẩm và các mặt hàng nhu yếu phẩm vô cùng khan hiếm; lạm phát tăng cao; điện, nước chập chờn; hạ tầng xuống cấp, hư hỏng; phương tiện giao thông đi lại vô cùng khó khăn; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn rất phức tạp. Đặc biệt, sự chống phá của lực lượng Fulro khiến tính mạng và tài sản của người dân thường xuyên bị đe dọa. Với gia đình TS Hà Ngọc Mai, dù đã được hưởng chính sách ưu đãi đặc biệt của Nhà nước nhưng tiền lương của cả 2 vợ chồng vẫn không đủ ăn. Để cải thiện cuộc sống, hai vợ chồng phải trồng thêm rau, nuôi thêm gà vịt và các loại gia cầm khác. “Là những nhà khoa học, chúng tôi chỉ muốn dành mọi tâm huyết, thời gian cho công việc chuyên môn nhưng lại phải mất nhiều thời gian “đánh vật” với những nắm gạo hẩm chứa đầy sạn, những sợi mì mốc meo để có những bữa ăn cho cả gia đình. Đó là những điều mà trước đó chúng tôi chưa từng gặp phải” - TSKH Trần Hà Anh cho biết.
Cũng theo TSKH Trần Hà Anh, 41 năm qua, Đà Lạt đã có những bước chuyển mình ấn tượng. Từ một đô thị nhỏ bé chỉ với vài ba khu phố ngày mới giải phóng, đến nay, Đà Lạt đã phát triển thành đô thị loại I với quy mô, diện tích tự nhiên và dân số lớn gấp đôi so với năm 1975. Không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa của tỉnh Lâm Đồng, Đà Lạt còn trở thành một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, một trung tâm giáo dục - đào tạo và nghiên cứu khoa học của vùng Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Thành phố hiện có lực lượng trí thức, nhà khoa học khá đông đảo, chất lượng tốt, có nhiều trường đại học, viện nghiên cứu, trung tâm đào tạo như: Đại học Đà Lạt, Học viện Lục quân, Đại học Yersin, Viện Nghiên cứu hạt nhân, Viện Sinh học Tây Nguyên, Phân viện Pasteur, các trường cao đẳng, trung cấp... là điều kiện thuận lợi để thành phố tận dụng và phát huy nguồn chất xám cho sự phát triển. Đặc biệt những năm gần đây, thành phố đã xây dựng được một nền nông nghiệp hiện đại theo hướng công nghệ cao, tạo bước đột phá về chất lượng và hiệu quả kinh tế trong sản xuất nông nghiệp, biến Đà Lạt trở thành “thủ phủ” rau, hoa công nghệ cao của cả nước. Thời gian qua, nhiều công trình, dự án lớn của thành phố cũng đã được nâng cấp và xây mới như: Quảng trường Lâm Viên, Công viên Ánh sáng, Sân bay Liên Khương, đường cao tốc Liên Khương - Đà Lạt, Vườn hoa thành phố, Trung tâm Hành chính tỉnh, các khu dân cư Yersin, Khe Sanh,… qua đó, giúp bộ mặt thành phố ngày càng khang trang, hiện đại. Bên cạnh đó, đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện; văn hóa, xã hội phát triển; an ninh, trật tự bảo đảm tốt. Điều đáng quý là trong quá trình đi lên, thành phố vẫn giữ được môi trường tự nhiên trong lành, vẻ mộng mơ cùng với nét văn hóa thanh lịch, hiền hòa, mến khách.
|
Một góc Đà Lạt hôm nay. Ảnh: Võ Trang |
Là những người dành nhiều tình yêu cho Đà Lạt, vợ chồng TS Hà Ngọc Mai cũng trăn trở trước những khó khăn, bất cập của thành phố hiện nay. Tuy nhiên, trong những câu chuyện của mình, vợ chồng TS Hà Ngọc Mai luôn tự hào trước những thành tựu mà Đà Lạt đã đạt được, đồng thời bày tỏ niềm tin tưởng thành phố sẽ còn có những bước phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.
“Đà Lạt với chúng tôi luôn thơ mộng và quyến rũ. Là nơi rất đáng sống kể cả đối với người nước ngoài, chúng tôi thấy hài lòng khi đã trở về và dành trọn đời mình để sinh sống và góp phần vào sự nghiệp phát triển thành phố này”- vợ chồng TS Hà Ngọc Mai khẳng định.
Vũ Đình Đông