Huyện nông thôn mới Đơn Dương đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành từ cấp huyện đến cơ sở cho mục tiêu cải cách hành chính, hướng đến một chính quyền điện tử.
Huyện nông thôn mới Đơn Dương đang đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý điều hành từ cấp huyện đến cơ sở cho mục tiêu cải cách hành chính, hướng đến một chính quyền điện tử.
Nối mạng từ huyện đến xã
Xác định cải cách hành chính (CCHC) là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của huyện, Đơn Dương không ngừng đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong các cơ quan Đảng, Nhà nước từ cấp huyện đến các xã, thị trấn trên địa bàn huyện.
Một điểm thuận lợi cho ứng dụng CNTT của Đơn Dương là cơ sở hạ tầng mạng trên địa bàn phát triển khá tốt trong những năm gần đây. Hệ thống cáp quang hiện đã phủ kín đến tất cả các xã, thị trấn trong huyện; chất lượng dịch vụ nhà mạng ngày càng được cải thiện và nâng cao, đáp ứng cơ bản nhu cầu tra cứu, trao đổi thông tin của người dân qua mạng toàn cầu.
Hầu hết các cơ quan Đảng và chính quyền từ cấp huyện đến cấp xã, thị trấn tại Đơn Dương hiện đều được trang bị máy tính, được nối mạng nhằm phục vụ cho công tác quản lý, điều hành, trao đổi thông tin từ huyện đến cơ sở nhanh chóng và thuận tiện.
Theo UBND huyện Đơn Dương, tổng cộng toàn huyện hiện nay có trên 110 máy tính gồm máy để bàn, máy xách tay được trang bị cho các cơ quan, đơn vị từ huyện đến xã, kể cả các cơ quan Đảng; cùng đó là hệ thống trang thiết bị CNTT đi kèm: máy Scan, máy Fax… Hầu hết cán bộ đều cơ bản sử dụng được máy tính, biết gửi thư điện tử; hằng năm huyện thường xuyên cử cán bộ công chức tham gia các lớp tập huấn bồi dưỡng do tỉnh tổ chức để vận hành tốt hơn hệ thống CNTT này.
Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, Đơn Dương đã được tỉnh lắp đặt và đưa vào vận hành hệ thống một cửa điện tử hiện đại tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả (một cửa) của UBND huyện trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Đây là một bước mới trong công tác CCHC để địa phương hướng đến một chính quyền điện tử.
Theo đánh giá của UBND huyện, hệ thống một cửa điện tử hiện đại giúp công khai hóa TTHC tốt hơn; việc tiếp nhận, luân chuyển hồ sơ, theo dõi xử lý và trả kết quả được thực hiện trên phần mềm quản lý nên các tổ chức, cá nhân bất cứ lúc nào cũng có thể tra cứu được tình trạng xử lý hồ sơ của mình đến đâu. Công tác kiểm tra, giám sát của lãnh đạo huyện cũng trực tiếp và thuận lợi hơn, từ đó kịp thời chỉ đạo, chấn chỉnh, tiến độ giải quyết công việc cũng nhanh hơn rất nhiều.
Để tiếp tục đẩy mạnh việc ứng dụng CNTT trên địa bàn trong thời gian đến, UBND huyện đã ban hành kế hoạch ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước giai đoạn 2016 - 2020. Những tháng đầu năm nay, huyện đã phối hợp với Trung tâm CNTT và Truyền thông thuộc Sở Thông tin và Truyền thông Lâm Đồng khảo sát để sắp đến triển khai hệ thống mạng LAN và hệ thống một cửa điện tử cho các xã, thị trấn trên địa bàn.
Đơn Dương đến nay cũng đang vận hành rất tốt trang thông tin điện tử của huyện. Bên cạnh việc cập nhật hóa các thông tin hoạt động của các cơ quan nhà nước trên địa bàn; cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trên các lĩnh vực của huyện cho người dân biết; quảng bá tiềm năng thế mạnh của huyện, kêu gọi đầu tư; huyện còn công bố các TTHC của địa phương trên trang thông tin này để người dân tiện tra cứu.
Trong quý I-2016, Đơn Dương đã tiếp nhận, giải quyết 878 hồ sơ trong 107 TTHC qua hệ thống một cửa điện tử ở mức độ 2; UBND huyện lên kế hoạch thực hiện 16 thủ tục dịch vụ công trực tuyến ở mức độ 3 và 4 trong năm nay.
Để năng lực quản lý bắt kịp đà phát triển
Vẫn còn những khó khăn nhất định trong việc hiện đại hóa nền hành chính địa phương tại Đơn Dương khi vẫn còn một bộ phận cán bộ công chức, đặc biệt là cán bộ cấp cơ sở, xã, thị trấn còn mang phong cách làm việc “đủng đỉnh”. Thiếu nhân lực có trình độ về CNTT cũng là một nỗi lo của huyện; cùng đó, rất nhiều cán bộ công chức hiện nay chưa bắt kịp đà tiến của công nghệ; sự kết nối, phối hợp của nhiều cơ quan, đơn vị còn hạn chế.
Trong thời gian đến, UBND huyện Đơn Dương cho biết sẽ tranh thủ nguồn chi cho các dự án đầu tư phát triển, các nguồn tài trợ; từ nguồn ngân sách của tỉnh phân bố cùng ưu tiên bố trí nguồn ngân sách huyện hằng năm để cấp vốn cho các hoạt động, chương trình, dự án phát triển ứng dụng CNTT tại huyện, tập trung đầu tư vào một hoặc vài dự án trọng điểm mang tính đột phá về CNTT.
Cùng đó, trong thời gian tới, Đơn Dương sẽ thiết lập đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao hiệu lực của bộ máy quản lý nhà nước về CNTT, đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc “Năng lực quản lý phải theo kịp sự phát triển”; đảm bảo số lượng và trình độ cán bộ công chức đáp ứng yêu cầu trong công tác quản lý nhà nước. Bên cạnh việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về CNTT làm cơ sở cho công tác quản lý; đưa các hoạt động quản lý nhà nước về CNTT trên địa bàn vào nề nếp, đưa ứng dụng CNTT vào nghị quyết của Đảng bộ, huyện cũng sẽ tiếp tục đầu tư trang thiết bị máy tính và mạng cho các cơ quan, đơn vị trong huyện; UBND các xã, thị trấn.
Để tăng cường đội ngũ nhân lực về CNTT, Đơn Dương sẽ ưu tiên sử dụng những người có trình độ chuyên môn về CNTT ở cả cấp huyện và các xã, thị trấn. Huyện cũng kiến nghị Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh hằng năm thường xuyên tổ chức các khóa huấn luyện, tập huấn bồi dưỡng để cán bộ công chức cấp huyện có cơ hội nâng cao kiến thức và kỹ năng sử dụng CNTT.
Viết Trọng