Non Nước mùa hè nắng như đổ lửa. Làng đá vẫn mải miết lao động như xưa nay vẫn thế ở Ngũ Hành Sơn - phía Đông Nam Đà Nẵng. Đá dù có hào nhoáng hơn bởi những yếu tố thương mại từ hàng loạt cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhưng chốn này dường như không suy suyển hồn đá, vững vàng những nghiệp đá…
Non Nước mùa hè nắng như đổ lửa. Làng đá vẫn mải miết lao động như xưa nay vẫn thế ở Ngũ Hành Sơn - phía Đông Nam Đà Nẵng. Đá dù có hào nhoáng hơn bởi những yếu tố thương mại từ hàng loạt cửa hàng giới thiệu sản phẩm nhưng chốn này dường như không suy suyển hồn đá, vững vàng những nghiệp đá… Và làng đá vẫn giữ nhịp sống ổn định sau hai biến chuyển lớn: quy hoạch làng nghề và Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL mới đây của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch với nội dung loại trừ linh vật ngoại lai.
|
Anh Nguyễn Trọng Mạnh gắn bó với công việc chế tác voi chầu |
Nghề không “nhạt nắng”
Tách mình phía sau khuôn viên một cửa hàng trưng bày muôn vàn mặt hàng đá lớn nhỏ, nhộn nhịp khách tham quan; thợ đá Nguyễn Trọng Mạnh say sưa tạo hình một cặp voi chầu. Trong số hàng trăm thợ đá, nghệ nhân đá ở Non Nước; anh Mạnh được biết đến với nghệ danh “Mạnh voi” bởi tay nghề chế tác voi, từ voi xiếc, voi đi, voi phun nước, voi yếm... Giọng Quảng rặt ri, anh Mạnh trần tình: “Tui làm cặp voi này nữa cho ngót hàng, làm xong sẽ chuyển hẳn vào khu quy hoạch được Nhà nước cho thuê dài hạn, làm ngoài phố gây ô nhiễm lắm!”. Anh không thể nhớ đây là cặp voi thứ bao nhiêu trong nghiệp làm đá gần hai thập kỷ của mình, từ khi mon men đi học những nghệ nhân cao tuổi trong làng và làm theo mẫu, cho đến sau này khi được thành phố cho đi học các lớp cơ bản và nâng cao, am hiểu về mĩ thuật, phóng mẫu với bố cục và tỉ lệ hợp lý. Và những kiến thức chuẩn về nguyên tắc kết cấu càng tôn thêm tay nghề, hỗ trợ sức sáng tạo để những tác phẩm của anh có hồn hơn. Anh chân thành, trước ít thợ, làm nghề đỡ cạnh tranh hơn bây giờ; bù lại, nay nếu có những hợp đồng lớn thì từ khách nước ngoài hay các khu nghỉ dưỡng thì người thợ có thể an tâm sống với nghề, trung bình mỗi tháng túc tắc cũng được trên chục triệu đồng.
Cách khu Huyền Trân Công Chúa - nơi hào nhoáng các cửa hàng đá chừng 2km, khu quy hoạch Làng nghề ở đường Mai Đăng Chơn nhộn nhịp các xưởng chế tác đá. Trưa nắng như đổ lửa, nữ thợ đá Hòa Bình vẫn mải miết cùng chồng là anh Lê Văn Thắng mài những chi tiết cuối của pho tượng. Chị trước làm nghề may, lấy chồng rồi mê nghề nhà chồng, tự mình mày mò chế tác đá. Ít ai ngờ, từ bàn tay may vá tưởng yếu mềm ấy, tay nghề chị cứng cáp qua tháng năm, được gia đình ủng hộ theo nghề và là nữ thợ đá thuộc dạng hiếm của làng nghề quy tụ lên đến hơn 500 hộ ở đây. Chị nói nửa đùa nửa thật, nhiều khi gặp khách cũng ái ngại vì tay chân lấm lem, người suốt ngày hít bụi đá nên khô đét nhưng cái nghề như hút mình vào, làm xong pho này lại ấp ủ pho khác; làm điêu khắc là hoạt động cả đầu óc lẫn chân tay. Hiện hàng của cơ sở Lê Thắng xuất khẩu đi khá nhiều nước, đặc biệt là Thái Lan, trong xưởng luôn duy trì khoảng 10 thợ làm việc, sẵn sàng cho các hợp đồng.
Và câu chuyện về linh vật ngoại lai...
Sau khi Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch ban hành Công văn 2662/BVHTTDL-MTNATL về việc “Không sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam” (vào tháng 8 năm 2014), nhiều ý kiến đồn đoán rằng làng đá Non Nước - nơi chế tác đá hàng đầu Việt Nam và sản xuất khá nhiều linh vật theo dạng ngoại lai sẽ bị “rúng động”. Về Non Nước, hàng vẫn sản xuất đều, sự thích nghi của nghệ nhân trong chế tác, đa dạng hóa sản phẩm khiến làng đá vẫn “thở đều” và khôi phục, giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống...
Giờ đây, những yếu tố để phân biệt giữa linh vật Việt với linh vật ngoại lai không chỉ được mỗi thợ đá, nghệ nhân đá nằm lòng để đưa vào từng sản phẩm mà đó còn là câu chuyện để họ hướng dẫn du khách thêm thấm tinh thần Việt, đặc tính Việt. Lân Việt tai to, mắt tròn, miệng cười, chân nhỏ, mình thon; khác hẳn với Lân Trung Quốc tai sừng, bờm to, mắt trợn, miệng rộng và gầm, chân to. Hay như với sư tử - vật biểu tượng cho sức mạnh được đặt ở không ít công trình hiện nay, thì sư tử Việt chủ yếu xuất hiện thời Lý - Trần với hàm răng có số lượng lớn, mặt răng bằng phẳng, thường không có hai chiếc răng nhọn từ hàm dưới đâm lên; sư tử thời Lý thường có chữ Vương trên trán - hàm ý sư tử là vua của muôn loài; đuôi rất mềm mại, uyển chuyển, đều đặn; bờm rất mỏng, ép sát vào cơ thể và được tạo hình một cách hoa mỹ... Còn sư tử đá Trung Hoa đầu to, thân vạm vỡ, ngực nở, chân mập, móng có vuốt sắc nhọn, lông đỉnh đầu nổi khối, mắt tròn miệng vuông, mũi cao răng sắc, tai nhỏ xếch ngược như chiếc lá, ức có lông, hàm có râu... Sau Công văn 2662, Làng đá đã tổ chức hội thi sáng tác những mẫu linh vật thuần Việt để các thợ đá, nghệ nhân tham gia, sống trong không gian sáng tác thuần Việt.
Cùng với những mặt hàng là linh vật, làng nghề chế tác khá nhiều bộ đá theo lối cổ như phúc - lộc - thọ, tùng - cúc - trúc - mai, cá thần, tiểu đồng, bình hoa chạm khắc tinh xảo; các mặt hàng gia dụng là ấm chén, cối giã, hộp đựng các vật dụng tiêu dùng… hay các bộ bàn ghế đá, tiểu cảnh cho thị trường trong nước và những mẫu tượng châu Âu theo phong cách Phục Hưng cho thị trường ngoài nước. Có thể nói, tay nghề và uy tín người thợ Non Nước đã kéo lại sức sống cho làng nghề.
Hình thành từ giữa thế kỷ 17 đến đầu thế kỷ 18, Làng đá mỹ nghệ Non Nước được lập dựng nên từ những người thợ Thanh Hóa đi về phía vùng đất này lập nghiệp cùng đá. Để rồi mấy thế kỷ sau, từ những hòn đá thô sơ để neo buộc thuyền và làm các vật dụng hàng ngày thuở sơ khai, cả một thế giới đá đã mở ra. Nghề ấy đã nuôi sống biết bao mái nhà, tạo thành một nét bản sắc của Đà Nẵng, một món quà bền bỉ mà mềm mại hoa văn, đường nét từ bàn tay dạn dày của những người con miền Trung. “Ai về Non Nước thì về. Trước sông sau biển, núi kề một bên”…
HẢI YẾN