Từ huy động sức dân, hơn 5 năm qua, nhiều tuyến giao thông nông thôn tại huyện Đơn Dương đã được bê tông hóa vươn dài đến tận thôn xóm, ngõ hẻm.
Thành công trong huy động sức dân, hơn 5 năm qua, nhiều tuyến giao thông nông thôn (GTNT) tại huyện Đơn Dương đã được bê tông hóa vươn dài đến tận thôn, xóm.
|
Nhiều tuyến đường giao thông ở Đơn Dương đã được bê tông hóa |
Xã Ka Đô là một trong những điểm đi đầu về phong trào làm GTNT ở Đơn Dương, trong thời gian chưa đầy 2 năm, các tuyến đường đã được thảm bê tông hóa. Ông Nguyễn Thanh Trung (thôn Ka Đô Mới 1) cho biết: “Những năm trước vào mùa mưa như thế này đường toàn hầm hố, lầy lội, có đoạn bà con phải chặt cây xanh bỏ xuống để đi tạm nhưng cũng trầy trật. Nhưng đường sá bây giờ như thành phố rồi, mừng lắm, bà con tôi chặt rào, cho đất mở rộng đường không tiếc đâu. Đường rộng thuận lợi cho việc giao thương, các hàng nông sản của bà con được xe lớn vào tận vườn để chuyên chở”. Theo ông Đoàn Hữu Nghĩa - Phó Chủ tịch UBND xã, mọi việc đều công khai minh bạch, nên việc huy động sức dân dễ dàng. Nhiều tuyến đường qua vườn nhà dân, hoặc mặt bằng không đủ rộng để thi công, họ động viên nhau tự giác tháo dỡ tường rào, cổng ngõ, chặt bỏ hàng trăm cây cối, hiến đất mà không đòi hỏi tiền đền bù, hỗ trợ. Có dự án theo thiết kế đường rộng 3,5m nhưng người dân lại đề nghị làm rộng ra thành đường 5m. Đặc biệt, nhiều cá nhân như ông Trịnh Văn Tùng, Nguyễn Hồng Ngọc không những vận động, góp công sức mà còn đóng góp hàng trăm triệu đồng để làm đường giao thông vào thôn xóm. Qua làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ năm 2010 - 2015, xã Ka Đô thi công được 11km đường liên xã, 15km dường liên thôn, 54km đường ngõ xóm, 21km đường nội đồng, tất cả đều đảm bảo được cứng hóa. Tổng kinh phí đầu tư trên 20 tỷ đồng, trong đó, nhân dân đóng góp trên 6 tỷ đồng và hàng chục nghìn ngày công. “Mỗi đoạn đường thôn, xóm được bê tông hóa là minh chứng cho sự đồng lòng, nhất trí của cộng đồng dân cư, góp phần tạo diện mạo mới cho xã hôm nay” - ông Nghĩa tâm sự.
Tại xã Quảng Lập, qua 5 năm triển khai thực hiện chương trình nông thôn mới, tổng chiều dài các tuyến đường đã được bê tông nhựa nóng, bê tông xi măng, cấp phối đá dăm, cấp phối sỏi đồi là 33,635km, với tổng nguồn kinh phí là 29 tỷ 259 triệu đồng, trong đó Nhà nước 15 tỷ 100 triệu đồng, nhân dân 15 tỷ 159 triệu đồng. Toàn bộ công trình trên đã hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ tốt cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con nhân dân. Để duy trì, giữ vững và nâng cao chất lượng tiêu chí số 2 về Giao thông, hằng năm địa phương làm tốt công tác dân vận, vận động các doanh nghiệp, người dân tham gia duy tu, bảo dưỡng đường giao thông huyện lộ đi qua. Bên cạnh đó, UBND xã đã vận động người dân tham gia đối ứng các công trình xây dựng đường bê tông xi măng... Các công trình giao thông hoàn thành và đưa vào sử dụng phục vụ tốt cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa của bà con nhân dân. Ông Võ Minh Cường - Phó Chủ tịch UBND xã khẳng định, đầu tư cho GTNT cần nguồn kinh phí lớn, nếu không có sự quan tâm của Nhà nước thì người dân không thể làm nổi, ngược lại, nếu không có sự đồng tình đóng góp của nhân dân và chỉ trông chờ vào ngân sách Nhà nước thì không biết khi nào mới có đường để đi. Không chỉ ở xã Ka Đô, Quảng Lập đông đảo người dân chung tay xây dựng GTNT mà phong trào này còn lan ra cả các địa phương khác trong huyện. Chính điều đó đã đưa huyện Đơn Dương sớm hoàn thành tiêu chí giao thông, góp phần trở thành huyện nông thôn mới đầu tiên của tỉnh. Theo ông Trần Thanh Vũ - Trưởng phòng Kinh tế hạ tầng Đơn Dương, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, 5 năm qua (2010 - 2015), huyện cùng xã huy động hơn 190 tỷ đồng các nguồn vốn đầu tư để bê tông hóa 330,82km đường GTNT. Trong đó, nhân dân đóng góp hơn 27 tỷ đồng qua ngày công và vật tư tại chỗ, một kết quả nằm ngoài sức tưởng tượng của cán bộ và nhân dân địa phương.
HOÀNG YÊN